Chè bà Thìn vẫn nổi trội hẳn ở những món chè đặc cho mùa lạnh. Chè đỗ đen nóng là một món như thế. Nhưng chè đỗ đen nóng đặc sánh vẫn không thể chống rét cừ như bánh trôi tàu của chính hàng chè khét tiếng này.
“Chỉ cần ngửi mùi gừng ngọt thôi đã thấy ứa nước bọt ra rồi. Tự dưng thấy tay mình lạnh cóng lên, và muốn áp vào bát bánh trôi tàu giữ ấm”, bà Kiều Loan, một người đã sống lâu năm ở Q.Hoàn Kiếm chia sẻ. Không năm nào, đúng hơn, không mùa đông nào bà lại không đến chè bà Thìn để ăn bánh trôi tàu.
Ăn bánh trôi tàu là ăn vị nóng ngọt như nấu mứt gừng ngày Tết. Viên bánh trôi ngập hoàn toàn trong nồi nước đường gừng. Vỏ bánh vẫn mịn màng nhưng màu trắng đã được tráng qua bằng độ bóng mật của nước đường gừng đó.
Nhân bánh cũng nhiều vị. Có nhân bánh đỗ xanh, có nhân bánh đỗ xanh dừa. Có nhân vừng đen xào đường, cũng có cả nhân vừng đen dừa. Để đánh dấu sự khác nhau của nhân ấy, nhiều hàng nặn bánh theo phom dáng khác nhau. Cũng lượng bột, lượng nhân vậy thôi mà có viên tròn xoe, có viên lại như quả bóng bầu dục.
Cũng có những quan điểm khác nhau về nước bánh trôi tàu. Có người ưa ngậy, cho thêm nước cốt dừa lên trên cùng bát bánh. Như thế, từ trên nhìn xuống, chỉ có thể thấy lớp trắng ngậy này mà không thấy lớp màu nâu của nước đường gừng phía dưới. Người khác lại cương quyết nói không với lớp nước cốt xu nịnh đó, vì nó làm giảm độ gừng của món bánh ăn nóng này.
Tuy nhiên, nếu nhân và nước còn có sự “chia rẽ” giữa các môn phái thì dừa nạo và lạc rang giã nhỏ là điều chưa từng gây tranh cãi. Vị giòn của lạc rang dường như đóng vai trò chính trong việc tạo độ rắn rỏi của cả món bánh, sau khi nhân bánh đã rất mềm nhuyễn và nước chan bánh luôn ngọt lừ.
Món bánh trôi tàu tại Hàng Bồ được nhiều thực khách ưa chuộng - Ảnh: Nhật Minh
|
Bát trôi tàu đạt chuẩn phải được vớt từ nồi bánh “thơm bước chân qua”. Nghĩa là chỉ đến gần thôi cũng đã không thể che giấu được độ bỏng rãy của món bánh qua hơi đường gừng thơm sực. Muốn thế, gừng phải được tuyển chọn rất kỹ chứ không phải là thứ gừng mới hay gừng nhập non nớt, kém hương.
Nồi nước dùng nóng, bánh trong nồi cũng nóng, được múc ra bát rồi rắc gừng dừa lên trên. Cắn miếng bánh thấy cả mùi nóng lẫn vị ngọt bốc thẳng lên mũi, thơm ngây ngất. Qua lần vỏ bánh nếp dẻo mịn là tới vị ngọt mát của đỗ xanh hay vị thơm khó quên của vừng đen rang.
Thực ra món bánh trôi tàu này rất gần với món sủi dìn ở Hải Phòng. Tuy nhiên, viên sủi dìn ở Hải Phòng rất nhỏ, nhỏ đến mức những miếng bánh khó lòng có thể thơm được mùi đỗ xanh ngậy mát như trôi tàu. Kích cỡ đôi lúc làm nên mùi vị là ở chỗ này đây.
Hà Nội có nhiều hàng bán bánh trôi tàu. Nổi tiếng vì cả đồ ăn và người bán có quán của diễn viên Phạm Bằng, nhưng ông đã mất và hàng bánh cũng chẳng còn. Mọi thứ còn lại chỉ là vang bóng. Gần với hàng chè bà Thìn nổi tiếng, người ta cũng hay ăn chè Bốn mùa.
Tại đó, vị bánh khá ổn định, như nó đã từng thế rất lâu rồi. Hàng chè kiêm bánh trôi tàu này cứ đến tối là đông nghẹt, nhưng do cửa hàng không rộng nên đa số bánh làm trong bếp rồi bê ra cho vào nồi bán. Khách ăn không được thấy nặn bánh, đun bánh từ đầu đến cuối bao giờ.
Một hàng bánh trôi tàu khác cũng có tiếng nằm trên phố Bạch Mai, đoạn gần cắt Đại Cồ Việt. Bánh trôi tàu ở đây nhiều người thích vì nó không quá ngọt. Nhà hàng vừa bán bánh vừa nặn và thả bánh. Những miếng gừng còn vỏ đã đập dập nổi loáng thoáng trên mặt nồi bánh khiến người ta không muốn rét và biết bánh trôi như phương tiện chống rét hiệu quả.
Hàng chè thập cẩm nổi tiếng ở Trần Hưng Đạo vài năm nay cũng bán bánh trôi tàu. Ở đây, ngoài nhân bánh ngọt còn có cả nhân mặn ăn khá thú vị. Tuy nhiên, giá bánh ở đây cũng cao hơn chỗ khác. Bánh ở đây có giá 30.000 đồng/bát trong khi những chỗ khác chỉ từ 10.000-20.000 đồng.
Bình luận (0)