Trong khuôn khổ Liên hoan múa đương đại - Sự gặp gỡ Á - Âu đang diễn ra, vở múa Sự uốn éo của đô thị - thể hiện cái nhìn về không gian sống của con người - đang được công chúng yêu thích chờ đợi. Đây là tác phẩm của hai biên đạo người Pháp Pierre Larauza và Emmanuelle Vincent, ra mắt từ 2010. Khi mang đến biểu diễn ở mỗi nước, họ luôn hợp tác với các vũ công và nhạc sĩ địa phương để hiện thực hóa ý tưởng về giao thoa văn hóa. Những nghệ sĩ VN tham gia vở diễn có nghệ sĩ múa Đỗ Xuyến Như, rapper Suboi, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đức Trung Tuấn (Teddy Chilla). Trên một hệ thống phân phối vé online, vé của đêm diễn (ngày 14.10, tại TP.HCM) đã bán gần hết.
Trước đó, những ai đến với chương trình The Ballerina - kết hợp ballet với múa đương đại - tại Nhà hát Thành phố của đoàn múa Arabesque hôm 23 - 24.9 hẳn chưa quên những tràng pháo tay liên tục trước những cú xoay điêu luyện hay nhảy bước lớn, những biểu cảm cơ thể cuốn hút khi kéo căng lúc thả lỏng của các nghệ sĩ múa trong các màn biểu diễn của mình.
Vài hôm sau, cũng tại Nhà hát TP.HCM, trước giờ diễn ra Đêm ballet (30.9), kết hợp giữa ballet cổ điển và đương đại, người viết đã gặp một vị khách người Hà Lan cứ đứng tần ngần trước cửa nhà hát. Ông cho biết muốn vào xem mà vé đã bán hết. Tuy nhiên, ông không ra về mà kiên nhẫn chờ xem gần giờ diễn có ai bỏ vé thì ông sẽ mua lại.
Chia sẻ về hiện tượng này, nghệ sĩ Sùng A Lùng - tham gia biên đạo và biểu diễn vở múa đương đại Ru đêm thu hút nhiều khán giả, cho rằng: “Có lẽ do người nước ngoài được tiếp xúc với loại hình múa từ rất sớm, nên họ hào hứng thưởng thức vở mới. Bên cạnh đó, họ chọn các show múa nhiều hơn thể loại khác bởi thông qua ngôn ngữ múa, họ có thể cảm nhận được các diễn viên đang kể câu chuyện gì”.
Sau quá trình làm việc với diễn viên múa VN trong nhiều năm qua, nghệ sĩ Emmanuelle Vincent nhìn nhận: “Các diễn viên múa VN rất giỏi, cởi mở và luôn mong muốn học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới”. Theo Vincent, sở dĩ múa đương đại dễ hấp dẫn khán giả hơn là vì loại hình nghệ thuật này luôn tiệm cận, cập nhật với cuộc sống hiện đại.
Thăm dò thị trường để đặt hàng vở mới
Ông Lê Hữu Luận, Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, đơn vị quản lý Nhà hát TP.HCM, cho biết hiện nay khán giả đến với các chương trình nghệ thuật múa tại Nhà hát TP.HCM chủ yếu là khách quốc tế (du khách lẫn người nước ngoài sống tại VN). Ông cho rằng thành công này đến từ chất lượng của chính chương trình, tài năng của diễn viên và sự liên kết có tính chiến lược của nhà hát với các đối tác tổ chức lẫn du lịch từ nhiều năm trước.
Theo ông Luận, hiện tại các chương trình biểu diễn định kỳ ở nhà hát như: vở múa đương đại Sương sớm, xiếc kết hợp múa Làng tôi, Teh dar đều có lãi; các buổi diễn của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch (HBSO) vào ngày 9, 19, 29 hằng tháng cũng có khán giả ổn định. Trước sức hút của loại hình múa đương đại và nghệ thuật múa nói chung, ông cho biết: “Chúng tôi sẽ thăm dò thị trường thêm để chọn lựa và đặt hàng các đối tác nhằm giới thiệu những chương trình, giá trị mới đến công chúng và khách quốc tế”.
Trong khi đó, theo thông tin từ đại diện truyền thông của HBSO, dựa vào thị hiếu và nhu cầu khán giả, HBSO sẽ tăng thêm buổi diễn dành cho nghệ thuật múa. Còn theo biên đạo Tấn Lộc - cố vấn nghệ thuật của The Ballerina và là Giám đốc nghệ thuật Arabesque: “Bên cạnh Sương sớm, chúng tôi đang có kế hoạch chuẩn bị vở mới để tiếp tục ra mắt khán giả”.
“Tôi nhận thấy múa đương đại VN đang ngày càng phát triển. Nhưng trong quá trình đó, hy vọng các nghệ sĩ sẽ giữ được chất truyền thống, nét riêng của VN chứ không hòa nhập hay sao chép văn hóa phương Tây”, biên đạo múa người Pháp Emmanuelle Vincent nhấn mạnh.
tin liên quan
Điểm nhìn chung về múa đương đại của nghệ sĩ Pháp và VNTrung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) sẽ tổ chức triển lãm ảnh chủ đề Điểm nhìn chung của 8 nghệ sĩ Pháp và VN: Virginie Kahn, Jean Barak, Sylvain Mestre, Nguyễn Kiều Linh (ảnh), Nguyễn Thế Dương, Tuấn Đào, Trần Kỳ Anh, Trịnh Xuân Hải.
Bình luận (0)