Mùa gió chướng

27/10/2022 09:30 GMT+7

Từ khi học xong cấp III, tôi khăn gói lên Sài Gòn rồi xuống Cần Thơ học đại học và lập nghiệp nơi đây. Đến nay đã 15 năm kể từng ngày rời xa quê, nhưng những ký ức về mùa gió chướng ở quê vẫn còn đó trong tôi.

1

Ở xứ biển quê tôi - Bến Tre, khi cơn mưa cuối mùa dần thưa hạt, thì từng đợt gió từ ngoài biển lớn bắt đầu thổi vào, mang hơi nước lành lạnh, bà con ở quê tôi gọi đây là mùa gió chướng.

Gió chướng từ biển thổi vào từng đợt hù hù, làm bụi - cát bay mịt mù. Vào mùa này, học sinh chúng tôi đi học đạp xe đạp nặng nhọc trong chiều ngược gió, khi đến trường mồ hôi đổ ướt hết áo, thở hổn hển. Đến khi đi học về, gió thổi cùng chiều từ đằng sau lưng, nên chúng tôi đạp xe nhẹ tênh. Nhớ hồi học cấp II, có lần đi học về, tôi lấy chiếc tàu lá dừa nước buộc dây kỹ ở đằng sau xe đạp, không cần dùng chân đạp xe, gió thổi chiếc xe đạp chạy vù vù…

Cửa sông Vàm Khâu Băng (Bến Tre) trong mùa gió chướng

tgcc

Mùa gió chướng về, sóng biển xô đẩy nhau vào bờ mạnh hơn, hàng triệu con ốc viết cũng theo sóng biển dạt vào bờ cát dài, cả bờ biển kín mít loài ốc viết. Ốc viết có hình xoắn, dạng như cây viết, dài chừng ngón tay trỏ, phần đuôi ốc thon nhọn, nếu đi chân trần trên bãi biển đạp phải vỏ ốc thì rất đau, chân rớm máu. Hồi trước, ít ai mua bán loại ốc này, tới mùa gió chướng đến, nhà nào muốn ăn ốc thì mang giỏ xách ra bãi biển bắt mang về, mọi người đi một chút là vác ốc về không nổi, phải chở về bằng xe máy hoặc bằng xuồng. Ốc viết dạt vào bờ hàng năm, nhiều đến mức bà con gom vỏ ốc lại, làm cả con đường bằng vỏ ốc dài đến bảy cây số.

2

Lúc tôi bảy - tám tuổi, ở xứ biển đất rộng người thưa, mấy dải đất cồn nằm sát mé biển còn không có người ở, nên có nhiều dải đất rộng lớn bỏ trống, hoặc trong năm bà con chỉ trồng một - hai vụ hoa màu. Tới mùa gió chướng, trời nắng và gió thổi làm mặt đất khô rang, gió thổi tung bay cát và lá cây còn sót lại của vụ trồng trước, mặt đất lộ dần những vật còn nằm bên dưới lớp đất. Có hôm chờ đến chiều mát, đám con nít chúng tôi đi tìm những chiếc vỏ đạn bằng đồng, chỉ lớn bằng ngón tay út. Chùi vỏ đạn sạch bóng, chúng tôi thổi hơi vào một đầu đạn thì phát ra âm thanh rất hay, như tiếng còi tu huýt (nơi đây, ngày trước là vùng thường xuyên xảy chiến sự nên vỏ đạn, hay bom đạn còn nằm khắp nơi dưới lòng đất).

Có hai đứa nhỏ ở Xóm Nổng, đi chơi trong rừng lượm được quả đạn pháo còn nguyên ngòi nổ, lớn bằng bắp đùi người lớn, hai đứa ì ạch mang về nhà bán ve chai. Người mua ve chai mua quả đạn pháo với giá mười lăm ngàn đồng, hai đứa không thỏa thuận chia tiền được với nhau nên không chịu bán, nói là sẽ cưa ra chia làm hai, mạnh ai nấy bán. Hai đứa nhỏ đang cưa quả đạn pháo thì nhà kế bên thấy được, đi báo với các chú biên phòng tịch thu quả đạn pháo. Hai đứa nhỏ bị người lớn la lắm, không còn dám lượm đạn pháo mang về và cưa.

3

Mùa gió chướng là mùa dưa hấu. Đất giồng cát ven biển màu mỡ, mùa mưa thì trồng khoai lang, đậu phộng, củ sắn… xanh bạt ngàn. Đến hết mùa mưa, mặt đất không còn ẩm ướt, bà con quay qua trồng dưa hấu bán vào dịp tết đến. Trong ký ức của tôi, những ngọn dây dưa hấu non mướt, còn đầy lông tơ phất phơ trong làn gió - cát bay nhẹ, có tính nghệ thuật, đẹp hơn là cảnh "Thánh Rắc Muối - Salt Bae" biểu diễn rắc muối lên miếng thịt bò dát vàng trong nhà hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Dây dưa hấu thích trồng nơi đất cao ráo nhưng phải tưới nhiều nước, mỗi ngày tưới nước hai cữ, tưới lúc sáng sớm và chiều mát. Khi chưa có điện kéo về, bà con đào giếng đất hình tròn lớn, đường kính miệng giếng chừng 5-6 mét, bà con gánh nước tưới dưa hấu bằng đôi thùng nhôm có gắn vòi tưới. Nhà nào có đất trồng dưa hấu nhiều thì rất cực công chăm sóc, thường thì đàn ông trong nhà phụ trách việc tưới nước, bón phân, cắt bỏ dưa non. Lạ nhất là biển một bên, đất giồng cát một bên, nhưng bà con đào giếng xuống là có mạch nước ngọt để tưới dây dưa hấu.

Hồi đó, bà con chỉ trồng loại dưa hấu trái tròn màu đen và loại dưa hấu sọc xanh, sau này thì thay bằng giống dưa hấu mới có tên là “Hắc Mỹ Nhân”, loại dưa hấu này trái thon dài, màu đen sậm, ăn ngọt ngay. Dưa hấu trồng hơn hai tháng thì thu hoạch, tới ngày cắt dưa hấu, tùy theo diện tích đất trồng của mỗi nhà mà có từ mười đến vài chục người phụ. Từ lúc sáng sớm mặt trời chưa mọc, cả xóm rôm rả giọng người nói, người cười, gọi nhau í ới. Người ta gom dưa hấu lại thành từng cụm nhỏ, rồi gánh bằng đôi thúng lớn xuống bến sông gần đó đang có ghe đậu chờ sẵn để chở dưa hấu đi chợ lớn trong tỉnh hoặc qua tỉnh khác, hoặc lên Sài Gòn.

Những trái dưa hấu chất thành đống lớn ở bến sông, chờ nước lớn lên để chuyển xuống ghe, người đứng trên bờ chuyền tay từng trái dưa hấu cho người đang đứng dưới ghe, khoảng cách người trên bờ, người đứng dưới ghe chừng ba, bốn mét. Người đứng dưới ghe quen tay luôn chụp trúng từng trái dưa hấu theo từng nhịp, đều đặn, có đôi khi họ lo nói chuyện, bỏ lỡ nhịp nên trái dưa hấu rơi xuống sông, nước văng tung lên bờ. Dưa hấu rơi xuống sông thì bà con bỏ luôn, không vớt lên, bởi dưa hấu gặp nước mặn để vài ngày thì hư từ bên trong ruột và lây qua những trái dưa còn lại.

Gió chướng thổi mạnh, con sông Vàm Khâu Băng trước nhà tôi nước lớn dâng lên nhiều hơn, đến giữa trưa, tôi và các bạn trong xóm vừa tắm sông, vừa thưởng thức những trái dưa hấu trôi trên sông. Trái dưa hấu nào không được chúng tôi vớt lên thì trôi thẳng ra biển khi con nước ròng xuống.

***

Hằng năm, đến mùa gió chướng về, từng cơn gió vẫn thổi vào miền đất của quê hương, bụi cát vẫn bay mịt mù theo làn gió, ốc viết vẫn theo sóng biển dạt vào bờ, bà con vẫn trồng dưa hấu bán vào dịp gần tết và dòng sông trước nhà tôi vẫn dập dìu dưa hấu trôi theo dòng nước lớn - ròng... Còn tôi vẫn luôn nhớ về quê hương của mình trong mùa gió chướng, từ một nơi xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.