Mùa hè trẻ nghỉ học: Phụ huynh quay cuồng tìm chỗ gửi con

14/06/2024 06:10 GMT+7

Quay cuồng khi con nghỉ hè vì vừa phải lo làm việc vừa xoay xở để trông con hoặc tìm chỗ gửi con là tình cảnh chung ở thành thị của nhiều gia đình chỉ có vợ chồng và con cái, không có ông bà nội ngoại hay người thân sống chung.

LỊCH TRÌNH ĐẢO LỘN

Cuối tháng 5, con học lớp 1 và lớp 2 nghỉ hè cũng là lúc vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên và anh Ngô Văn Phước (trú xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM) phân chia lại nhiệm vụ của từng thành viên. Công việc của chị Tiên toàn thời gian, từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, một tháng chỉ được nghỉ một chủ nhật. Chồng của chị có thể xử lý công việc từ xa và không phải đến cơ quan thường xuyên. Do đó suốt 3 tuần qua, anh Phước vừa làm việc cơ quan, vừa kiêm bảo mẫu, "cô giáo" tại nhà.

Mùa hè trẻ nghỉ học: Phụ huynh quay cuồng tìm chỗ gửi con- Ảnh 1.

Các con nghỉ hè, trong nhà luôn luôn rộn ràng như thế này khiến phụ huynh quay cuồng giữa công việc và giữ con

THU SON

Có trông con cả ngày, chúng tôi mới hiểu thêm nỗi lòng vất vả của các cô giáo. Mình trông một đứa nhỏ mầm non từ sáng đến tối đã thấy bơ phờ. Riêng việc chạy theo con, đút cho con ăn, dỗ con khóc đã mệt mỏi. Các cô giáo mầm non làm việc từ 6 rưỡi sáng tới 5 giờ chiều, trông cả 20 - 30 đứa nhỏ thì quá cực.

Chị Cẩm Vân (dược sĩ, làm việc tại Q.5, TP.HCM)

"Vui thì vui thật nhưng rất nhức đầu. Tôi mong sớm đến ngày con được đi học hè", anh Phước nói. "Bình thường chỉ chở con tới trường rồi tôi có thể về nhà giải quyết công việc, lo cơm nước. Nhưng bây giờ bọn trẻ ở nhà toàn thời gian, quậy cả ngày, tôi vừa làm việc vừa nấu cơm toát mồ hôi. Chơi đồ chơi, đọc sách được một lúc, chúng quay ra xem ti vi, iPad, điện thoại. Mình phải lo làm việc nên cũng đành cho con xem một lúc. Bọn trẻ hiếu động, nhiều khi giỡn nhau rồi khóc, đánh nhau, giành đồ chơi của nhau, mình lại phải đứng ra phân xử", anh Phước chia sẻ.

Những lần đi gặp khách hàng trực tiếp, anh Phước phải dắt cả con đi theo. Khách nhìn ông bố dắt theo 2 đứa trẻ là hiểu ngay câu chuyện mùa hè. Khi cơ quan có tổ chức họp, anh Phước cũng phải chở hai con đến, tìm góc nào trong văn phòng để hai con ngồi đọc sách, tô màu, chờ ba họp xong thì chở về. "Mọi người có con nhỏ đều ít lần trải qua tình cảnh phải dắt con đến chỗ làm như thế này", ông bố 8X bày tỏ.

Chính trong tình cảnh quay cuồng vì phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà", thấy cô giáo mở lớp ôn tập hè mỗi tuần 3 buổi cho trẻ, vợ chồng anh Phước đăng ký ngay. Thứ bảy, chủ nhật anh cũng đăng ký cho các con học thêm tiếng Anh, mỗi tuần bố trí thêm 3 buổi đưa các con đi học trượt patin, học vẽ, học võ. Dù phải "xé lẻ" thời gian trong ngày, cứ cách mấy tiếng lại phải dắt xe đi đón con ở một lớp học và tốn thêm ít nhất 5 triệu đồng một tháng cho các khoản học này, nhưng vợ chồng anh đành "bấm bụng". Anh Phước hy vọng khi trẻ con hiếu động có môi trường để học tập, vui chơi, chúng sẽ giảm được thời gian sử dụng điện thoại, xem ti vi, vừa hại mắt, vừa gây nguy cơ béo phì, đồng thời phụ huynh cũng có thời gian tập trung cho công việc hơn.

TRÔNG CON MỚI HIỂU NỖI LÒNG CÔ GIÁO

Chị Cẩm Vân (42 tuổi, dược sĩ làm việc tại một nhà thuốc ở Q.5, TP.HCM) đếm từng ngày tới hôm 17.6 - khi trường mầm non của con ở Q.5 bắt đầu giữ trẻ ngày hè.

Bé lớn lên lớp 4, còn bé út mới 4 tuổi, 3 tuần nay vợ chồng chị Cẩm Vân thay phiên nhau trông các con. Chồng chị vừa làm việc ở nhà, vừa chăm các con từ sáng tới 12 giờ rưỡi trưa. Sau đó, đến giờ làm việc của anh buổi chiều, cần phải di chuyển, anh chở hai con đến nhà thuốc của vợ, chị vừa bán hàng vừa chăm các con tới chiều muộn.

"Trước khi nghỉ hè, vợ chồng chúng tôi đã đi nhà sách mua thêm nhiều đồ chơi, chuẩn bị sẵn trong mấy tuần bọn trẻ nghỉ ở nhà. Nhưng đồ chơi thế nào thì bọn trẻ chơi một lúc cũng chán, các con cần người chơi chung, nếu người lớn không dỗ dành, chơi cùng các con, các con sẽ lại lạm dụng ti vi, điện thoại. Bé út nghịch lắm, phải có người chạy theo, để ý liên tục. Nhiều khi nhà thuốc đông khách, chúng tôi cũng đành phải để các con xem ti vi để có thể bán hàng", chị Cẩm Vân thở dài.

Mùa hè trẻ nghỉ học: Phụ huynh quay cuồng tìm chỗ gửi con- Ảnh 2.

Phụ huynh bày đủ mọi cách giúp con chơi khi con ở nhà trong những ngày hè

NGUYỄN SON

Đến giữa tháng 6 này, các trường mầm non công lập (và một số trường mầm non tư thục) mới giữ trẻ trở lại. Để giảm sức ép căng thẳng vì vừa phải lo làm việc, vừa giữ trẻ ngày hè, chị Cẩm Vân đăng ký cho con út đi học ngay. Đồng thời, chị đăng ký thêm cho con gái lớn các buổi học ôn tập toán, tiếng Việt, tiếng Anh, học thêm các lớp năng khiếu vào buổi tối để con có không gian vui chơi, gặp gỡ bạn bè.

"Có trông con cả ngày, chúng tôi mới hiểu thêm nỗi lòng vất vả của các cô giáo. Mình trông một đứa nhỏ mầm non từ sáng đến tối đã thấy bơ phờ. Riêng việc chạy theo con, đút cho con ăn, dỗ con khóc đã mệt mỏi. Các cô giáo mầm non làm việc từ 6 rưỡi sáng tới 5 giờ chiều, trông cả 20 - 30 đứa nhỏ thì quá cực", chị Cẩm Vân bộc bạch.

CÔNG TY NHƯ NHÀ TRẺ

Chị N.T (trú P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM) làm thiết kế nội thất ở một công ty tại Q.3, TP.HCM. Từ ngày hai con nghỉ hè (bé trai lớn học lớp 1, bé út học mầm non 3 tuổi), chị N.T phải xin sếp đi làm trễ mỗi ngày 30 phút. "Ông bà ngoại của hai bé ở Q.1 nên mỗi sáng hai vợ chồng tôi cho các con dậy, sửa soạn đồ ăn sáng, chuẩn bị các thứ để chở hai con tới gửi nhà ông bà ngoại rồi mới tới chỗ làm", chị N.T kể.

Mỗi chiều, chồng chị N.T về trước, qua nhà ông bà ngoại đón bé lớn. Chị làm xong muộn hơn, ghé nhà ông bà ngoại đón bé út về, lo cho các con ăn uống, tắm rửa rồi quay cuồng với việc nhà. "Cực nhất là những ngày một trong hai bé bị bệnh, ông bà ngoại không lo được cả hai, nên tôi phải đưa một bé lên công ty, vừa trông con, vừa lo làm việc. May sếp tôi là người Việt, cũng là phụ huynh của mấy đứa nhỏ, thấu hiểu cảnh nghỉ hè không ai trông trẻ nên tạo điều kiện để các nhân viên có thể đưa con tới công ty - khi không thể gửi các bé đi đâu cả", chị N.T kể.

Công ty của chị N.T những ngày nghỉ hè đông con nít như nhà trẻ. Có nhân viên phải gửi con ở quê, ở với ông bà 2 tháng hè vì không trông xuể. Có bà mẹ vì chưa thể tìm được lớp học hè của con phải dắt cả hai bé tới công ty. "Tôi đã đăng ký cho bé lớn các lớp ôn tập ở nhà cô giáo, buổi trưa nhờ ông ngoại đón và đăng ký cho bé nhỏ đi học hè ở trường mầm non. Chỉ còn vài ngày nữa thì các lớp học này chính thức mở cửa. Cả hai vợ chồng đều động viên nhau "thôi ráng lên"…", chị N.T tâm sự.

Nhiều lựa chọn gửi học sinh ngày hè

Tại TP.HCM, từ ngày 17.6 tới hết ngày 16.8, nhiều trường mầm non công lập bắt đầu thực hiện hoạt động hè. Việc tổ chức hoạt động hè này theo nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, việc tự nguyện đăng ký tham gia của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị. Những trường tổ chức hoạt động hè đều có thông báo cụ thể tới phụ huynh để đăng ký tham gia.

Nhiều trường tiểu học ngoài công lập đã công bố các kế hoạch hoạt động hè đa dạng cho học sinh. Còn các trường lớp mầm non ngoài công lập tại TP.HCM thông thường chỉ "nghỉ hè" trong một số ít ngày, sau đó vẫn hoạt động xuyên suốt mùa hè, đảm bảo 100% trẻ được bán trú. Phụ huynh tham khảo thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử ngành giáo dục TP.HCM tại địa chỉ https://pgdmamnon.hcm.edu.vn/congkhaicosogiaoduc để biết cơ sở mầm non hoạt động đúng giấy phép, đủ giấy tờ pháp lý.

Một số trường tiểu học công lập tại TP.HCM cũng tổ chức bán trú hè với đa dạng hoạt động bổ ích. Như Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) đã công bố kế hoạch chiêu sinh học viên lớp bán trú hè (tổ chức 6 tuần, đa dạng nhiều môn học về thể dục thể thao, nghệ thuật, sáng tạo, có thu phí, từ ngày 17.6).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.