Mùa hè tù túng

23/07/2015 07:49 GMT+7

Cha mẹ đi làm, đành phải nhốt con nhỏ suốt ngày trong phòng trọ. Với trẻ lớn hơn, “sân chơi” của các em là lối đi chật hẹp giữa các dãy phòng trọ.

Cha mẹ đi làm, đành phải nhốt con nhỏ suốt ngày trong phòng trọ. Với trẻ lớn hơn, “sân chơi” của các em là lối đi chật hẹp giữa các dãy phòng trọ.

Mùa hè của không ít con em người lao động đã và đang trôi qua như vậy.
Hai đứa trẻ này trải qua những ngày hè tù túng trong phòng trọ chật chội tại Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Chẳng khác bị giam lỏng
Ảnh hưởng đến tâm sinh lý
Mùa hè, lẽ ra trẻ em được đi ra ngoài nhiều để vui chơi, vận động. Thế nhưng, trên thực tế, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, có những em phải quẩn quanh trong phòng trọ hoặc khu trọ chật hẹp chẳng khác gì con chim bị nhốt trong lồng. Theo thời gian, một số em có thể thích nghi được nhưng đa số sẽ bị ảnh hưởng tâm sinh lý. Các em trở nên ngơ ngác, tỏ ra dè dặt, nhút nhát, ít vận động dẫn đến thụ động. Đến khi đi học, những em đó có nguy cơ chậm tiếp thu, khó hòa đồng...
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP.HCM)
Trong những con hẻm trên đường Hồ Học Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) có nhiều dãy phòng cho công nhân thuê. Trong đó, có căn phòng trọ của vợ chồng anh Hùng chị Thủy (quê Bình Thuận) rộng chưa đầy 5 m2. Toilet trong phòng nhỏ xíu không có cửa che và cũng là chỗ tắm giặt, rửa đồ nấu ăn. Đầu mùa hè này, anh chị nhờ người thân chở cả hai đứa con gái sống nhờ nhà bà nội ở quê vào TP.HCM cho đỡ nhớ.
Thế nhưng, do bận bịu đi làm, anh chị đành nhốt con trong căn phòng kín mít, đứa 7 tuổi trông coi đứa 3 tuổi. Sợ bị bọn xấu bắt cóc con hoặc lấy trộm đồ, chị Thủy dặn con phải khóa cửa bên trong. Hầu như suốt ngày hai đứa trẻ cứ dán mắt vào ti vi hoặc chiếc điện thoại anh Hùng để ở nhà. Sau mấy tuần như vậy, hai cô bé trở nên xanh xao, uể oải thấy rõ. Bé lớn nhiều lần khóc nằng nặc đòi được trở về quê. “Con thấy ở đây buồn chán và ngộp thở quá. Tụi con không được đi đâu chơi”, bé lớn mếu máo nói.
Gần đây, trong buổi đối thoại “Lao động xa nhà” diễn ra tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, anh Phan Đức Gia Định (quê Lâm Đồng, công nhân kiểm định) cho biết anh thuê nhà gần Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai. Trong khu trọ của anh, có những đứa trẻ trong độ tuổi tiểu học (nhất là bé gái) thỉnh thoảng bị cha mẹ "giam lỏng" trong phòng bởi không có ai trông nom. Những trẻ lớn hơn và là con trai thì được chạy chơi loanh quanh trong khu nhà trọ chật hẹp đã đóng cổng.
Anh Đỗ Văn Hùng (công nhân cơ khí tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng phản ánh không ít công nhân phải gửi con cho hàng xóm hoặc nhờ chủ nhà trọ “để mắt giùm”. Muốn có thêm chút thời gian gần gũi con, họ xin nghỉ làm 1 ngày thì thường bị trừ mất tiền thưởng mấy trăm ngàn đồng.
Nguy cơ tai nạn thương tích
“Thấy con không được vui chơi như bạn bè trong những ngày hè, đương nhiên những người làm cha làm mẹ rất đau lòng. Nhiều khi chúng tôi thấy mình như đánh cắp thời gian nghỉ hè của con. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì rất nguy hiểm cho những trẻ bị nhốt trong phòng”, anh Phan Đức Gia Định giãi bày.
Từng trải qua nhiều năm gắn bó với công nhân, thạc sĩ xã hội học Vũ Thiện Toàn có vẻ thấu hiểu nỗi vất vả và ưu tư của những người lao động này. Ông cho rằng, trong mùa hè, trường công tạm đóng cửa nên có những người đành gửi con cho nhóm trẻ tư thục dù trong lòng mang thắc thỏm âu lo (chi phí tăng, con có thể bị bạo hành...). Bên cạnh đó, không ít công nhân chọn cách gửi con về quê cho đến thời điểm chuẩn bị nhập học. Tuy nhiên, có những trường hợp không có điều kiện, đành nhốt con trong phòng để đi làm. Thậm chí, với nhiều đứa trẻ trước nay sống ở quê, tranh thủ mùa hè lên thành phố ở với cha mẹ, cũng chịu cảnh bị bỏ bê như vậy…
“Nhiều nguy cơ về tai nạn thương tích có thể xảy ra với những em bị cha mẹ nhốt trong phòng, chẳng hạn như cháy nổ, điện giật. Các em này tự sinh hoạt, hạn chế giao tiếp nên có thể bị ức chế tâm lý, trầm cảm...”, ông Toàn cảnh báo. Với những trẻ lớn hơn tự chạy ra ngoài chơi, ông Toàn lưu ý cha mẹ nên hướng dẫn những cách để ngăn ngừa các em không bị tai nạn hoặc bị kẻ xấu dụ dỗ, lạm dụng.
Theo thạc sĩ Toàn, nhà nước nên giảm bớt ngày nghỉ trong những dịp tết, lễ và san sẻ ra ở những ngày hè, để người lao động có thêm chút quỹ thời gian vui chơi cùng con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.