Mùa hè xanh biếc - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

21/06/2020 09:36 GMT+7

“Anh không thích cái tên Lee, nó xa lạ và có vẻ hơi khó phát âm, nên anh sẽ gọi em là Lý, được không?”.

Đến giờ, cô vẫn nhớ cái tên Lý được anh tự đặt cho khi cô đến nơi này, một cù lao nhỏ xíu nằm ở hạ lưu con sông lớn chảy về miệt thứ.
Thật ra Lee cũng không khó đọc lắm, nếu dịch ra tiếng Việt, có nghĩa là Lý. Cô gật đầu, thôi được, dù gì Hải cũng là người cô phải mang ơn vì đã đón tiếp và cho cô tá túc suốt thời gian nghiên cứu. Có điều, cô buộc phải tập quen với việc nghe ngóng người khác réo gọi tên mình mà nghe như không phải tên mình.
Cô sẽ ở đây hơn một tháng. Đề tài nghiên cứu về cuộc sống của những con người kỳ lạ luôn muốn bám trụ trên một cù lao nhỏ nằm chênh vênh trên sông là lý do cô tìm đến nơi này. Họ có thể là một hộ chuyên nghề chài lưới, hoặc nuôi bè cá giữa sông, hay chỉ là anh tiều phu quanh năm suốt tháng đi quanh những gốc cây to lớn ở cù lao gom củi khô bán… Cuộc sống ở cù lao còn thiếu thốn muôn vàn, điện có nhưng bếp gas thì tuyệt nhiên không. Có lẽ nhờ vậy mà cô “sẽ được ăn những món ăn đặc sắc nấu từ bếp củi của cù lao”. Hải nháy mắt đùa nhẹ với cô khi ghe vừa cập vào doi đất ngoài cùng của cù lao.
Cô thắc mắc:
- Sao họ thiếu thốn đủ thứ mà chưa bao giờ có ý định dời đi?
Hải nheo mắt nhìn ra phía chân trời xanh biếc:
- Có lẽ vì họ biết cô sẽ đến chăng?
Rồi anh cười. Tiếng cười giòn tan rơi lõm bõm trên mặt sông, rơi theo từng bước chân lạ lẫm háo hức của Lý.
Cô là nghiên cứu sinh của một phân viện nghiên cứu có tiếng ở xứ sở kim chi. Cô là con gái nhưng lại có “chân đi”, mẹ nói cách nào cũng không thuyết phục nổi. Cô nói, nếu mẹ không cho con đi, cũng phải cho con “mở mắt” ra để còn biết đối đãi với thiên hạ. Bà giận, giận lắm! Cái người mà bà đặt hết kỳ vọng rằng dù thế giới có ra sao, nó vẫn sẽ ở cạnh bên bầu bạn an ủi mình lúc cô đơn, lại tước mất mọi hy vọng của bà khi vác ba lô đi một mạch “hơn tháng con lại về”.
***
- Mẹ, đây là người quen của con. Cô ấy sẽ ở cùng gia đình mình trong một thời gian.
Mẹ của Hải là kiểu phụ nữ dễ tính, lại có vẻ hiếu khách. Chỉ trong một buổi sáng, bà đã tặng cô không biết bao nhiêu nụ cười. Bà giúp cô sắp xếp đồ đạc vào góc phòng gọn gàng. Hành lý của một kẻ đi rong ruổi nghiên cứu không có gì nhiều ngoài ba bộ quần áo, đôi giày mang trên chân và đôi dép trong túi xốp để thay đổi. Mọi thứ cần phải tối giản để nhường chỗ cho một laptop xịn, một cục sạc dự phòng năng lượng khủng.
Cù lao rất nhỏ, dân cư thưa thớt chưa tới một trăm hộ. Ở đây, ngoài bóng mát của những cái cây cổ thụ như cây điệp tây sừng sững giữa cái chóp đất cao nhất cù lao, tất cả mọi thứ còn lại đều nhỏ bé, như chính con người. Hôm đầu cô đến, lúc còn ở bên kia bến đò đợi ghe của anh sang đón, cô tranh thủ lia máy ảnh ghi lại toàn cảnh cù lao nhìn từ xa. Nó trông như vòm ngực đầy đặn kiêu hãnh của một cô gái nhô lên giữa nền trời xanh biếc. Từ bên này sông, nhón ngón tay, cô có thể chạm vào cái vòm xinh xắn đó, và tưởng tượng mình dễ dàng miết nó một cách êm ái lạ lùng.
Sông khúc này nhiều phù sa nên nước không trong, ngầu đục. Dòng nước ập òa đập vào mạn ghe. Chân vịt thi thoảng nhấp nhổm lên xuống ngụp lặn trong dòng phù sa đó, thoảng lại bị đám lục bình bu chặt lấy. Chẳng cần phải xử lý, đám lục bình cũng nhanh chóng bị chân vịt quạt cho tơi tả. Bất giác cô rùng mình. Cái đám lục bình kia (mà nhờ anh cô mới biết nó tên lục bình) sao mà nó giống cô đến kỳ lạ. Biết nguy hiểm ngay trước mắt đó, mà vẫn cứ phải bập vào, phải bươn bả đi, để tìm hiểu hết tận cùng những gì mình chưa tỏ. Mẹ cô giận cũng phải. Mẹ nói:
- Số mẹ là số con gì ấy nhỉ? Mạnh chồng chồng đi, mạnh con con đi.
Dĩ nhiên đó là cách hiểu của anh, khi cô quơ tay, khuôn mặt khá căng thẳng để kể câu chuyện của mình.
- Có vẻ nó chẳng liên quan gì đến việc nghiên cứu nhỉ?
Cô bối rối:
- À, ừ thì… chỉ là để chúng ta bớt bỡ ngỡ về nhau thôi anh à!
Anh bật cười, lật những trái bắp đang nướng trên bếp than. Tiếng than nứt ra tí tách vui tai. Đâu đó quanh cù lao vọng lại tiếng những bản tin thời sự trên ti vi, lẫn với những đoạn ca cổ mùi mẫn mà có khi cao hứng anh lại ca theo một hơi dài. Dĩ nhiên cô không hiểu lắm về những lời ca dài thườn thượt đó, chỉ trố mắt lên nhìn anh sợ… hụt hơi. Thi thoảng cô bật lên vài lời khen ngợi bằng tiếng Anh. Dĩ nhiên là anh biết tiếng Anh. Trên cái cù lao này, anh là người duy nhất được đi đó đây, mang hơi thở thành thị về phả vào cái cù lao quanh năm nước nổi. Anh từng đưa rất nhiều bạn thành phố về cù lao chơi, mỗi đợt năm ba ngày. Nhưng xin tá túc hẳn cả tháng trời như cô thì chưa có ai. Anh đùa:
- Có lẽ tôi nên mở homestay. Có khách như cô, tôi sống khỏe!
Nhắc đến homestay, cô lại nhớ Jeju kỳ lạ. Ở “hòn đảo mơ ngủ” đó, cô đã để lại mối tình cũng “mơ ngủ” với người bạn trai đầu tiên, là bạn học đại học. Có lẽ những gì thân thiết quá, tỏ tường quá thì lại không thể biến thành tình yêu chăng? Tình yêu cần một thử thách, hay là một giới hạn cần thiết? Cô không rõ điều đó. Mỗi năm, vào cái ngày kỷ niệm hai người quen nhau, người cũ vẫn chu đáo gửi những tin nhắn gợi nhớ đầy nhàm chán. Cô không tin một chàng trai ở thời hiện đại lại có thể lãng mạn như… phim Hàn. Thật, đến mức cô phải trốn chạy! Dù cái homestay đẹp mê hồn của anh ta vẫn là thứ khiến cô có lúc muốn quay trở lại.
Cô không kể về Jeju cho anh nghe. Nó không cần thiết. Cũng như anh không kể về cô gái mà anh đã “ký gửi” cô để cô ta chăm sóc. Cô không phải một đứa con nít. Nhưng cho dù là một đứa con nít, nó cũng cần có bạn. Hơn nữa, “bạn” này rất dễ chịu, sẽ không cãi nhau với cô, cũng sẽ không tính toán với cô một xu nào mà sẵn lòng đưa cô đi khắp cái cù lao để khai thác, viết bài. Trên cái cù lao này, cô ấy là người duy nhất biết tiếng Hàn.
***
Phù Dung nói, sau một hồi ngồi im quan sát Lý trao đổi những thông tin cần thiết cho chuyến “xuống bè” sáng mai:
- Xin lỗi, tôi cứ nghĩ gái Hàn là phải… khác lắm kia!
Cô “gái Hàn” tròn xoe mắt, không hiểu mình “khác” trong mắt cô gái này ra sao.
Phù Dung xua tay, bật cười bối rối, kiểu như mình đã lỡ miệng:
- À không, không có gì! Cô rất đặc biệt. Ban đầu tôi cứ hình dung cô giống những cô nàng thật kiêu sa đỏng đảnh trên phim Hàn ấy!
Cô bật cười thành tiếng. Cô biết chứ. Với mái tóc cắt ngắn nhuộm màu hạt dẻ, cặp kính cận dày cộm giấu đôi mắt một mí, cô làm sao có thể trông như một diễn viên lộng lẫy nào đó trên phim Hàn. Cái được nhất trên khuôn mặt cô, như mẹ nói, đó chính là nụ cười, là thứ năng lượng chưa bao giờ vơi. Phù Dung cũng công nhận điều đó.
- Cô có nụ cười rất đẹp. Tôi chưa từng thấy một nụ cười nào đẹp đến vậy, thật đó!
Người xung quanh thường rất vui và nhẹ nhõm khi thấy cô cười, nhưng để thốt lên một lời khen ngợi hào phóng như Phù Dung thì chưa có ai. Có lẽ vì vậy mà gương mặt Phù Dung luôn trở đi trở lại trong ý nghĩ của Lý. Cô không hiểu tại sao một cô gái dân dã lại có thể hào hiệp đến thế. Phù Dung sẵn sàng chạy tọt đến tiệm tạp hóa bé như lỗ mũi nằm ở rìa cù lao, rồi nhanh chóng mang về cho cô một cái bọc ni lông đen chứa đầy bí mật trong đó. Cô tinh ý nháy mắt, nhét vào tay Lý, nói đủ cô nghe:
- Bánh xốp của cô đây. Nếu cần thêm, cứ cho tôi biết nhé.
Lý không hiểu Phù Dung nói gì. Nhưng khi loay hoay trong nhà tắm, mở bọc ni lông đen ra, Lý sững lại vì không ngờ Phù Dung tử tế với mình đến vậy. Giờ thì cô hiểu thứ “bánh xốp” kia là gì. Cô không ngờ rằng mình cũng có lúc phải dở khóc dở cười vì chẳng thể mua được thứ mà mọi cô gái đều cần.
Từ giây phút đó, Phù Dung đã là một người bạn đáng tin cậy, ngoài Hải. Một tháng trôi qua chắc sẽ không đến nỗi tẻ nhạt, Lý nghĩ vậy.
***
Quả thật, ngoài những khi xách máy quay, máy ghi âm và sổ tay ghi chép theo chân Phù Dung đi khám phá từng cái góc nhỏ của cù lao, những hôm được xuống bè cá của những người dân cù lao khiến Lý vô cùng khoan khoái. Phù Dung không hề khó chịu khi bị những người đàn ông trung niên lẫn đám thanh niên trên bè không ít lần buông lời trêu ghẹo.
Cô ấy là loại người không dễ gì buồn. Cô luôn nói cười khi có thể. Lý thầm nghĩ, cái cù lao nhỏ bé này, phải chăng nhờ những người như Phù Dung mà nó trở nên là nơi đáng sống?
Phù Dung như một đóa hoa đẹp, kẻ muốn lặng im chiêm ngưỡng, người lại khát khao được hái hoa. Cô cũng là một loài hoa kỳ lạ, biết tỏa hương đúng lúc, còn biết xỉa lên những cái gai để tự vệ. Cô tự mình đưa Lý đi khắp cù lao, trong những ngày Hải vắng nhà, mà không sợ bất cứ một điều gì.
- Cô thật là can đảm!
Phù Dung bật cười khanh khách, vừa hứng nước cho Lý rửa mặt, vừa hớn hở nói:
- Cô yêu đi! Những cô gái đang yêu thường không sợ gì cả.
- Thật không? Thế…cô đang yêu?
Phù Dung không trả lời. Cô nằm trên chiếc phản tre trước hiên nhà, gối đầu lên tay, phóng ánh mắt xuyên qua những tán cây, thi thoảng lại khép mắt mơ màng.
- Tôi sắp cưới!
Lý nhìn cô. Ô hay, những cô gái đang yêu và sắp cưới hình như đều đẹp. Cả những ước mơ, dự định họ vẽ ra cũng đều đẹp.
- Chúc mừng cô! Tuyệt thật đấy!

Minh họa: Tuấn Anh

***
Khi kết thúc vài chuyến theo những người đàn ông trên cù lao giăng lưới bắt cá giữa sông nữa thì cô sẽ nói lời tạm biệt nơi này. Phù Dung không hộ tống Lý đi theo ghe chài. Những chuyến ghe trườn ra giữa sông khi tối trời chẳng phù hợp cho các cô gái. Hải bảo vậy và giành lấy việc đưa đón Lý.
Tháng này trời lại hay bất ngờ đổ mưa. Những đêm đầu theo ghe chài, mọi thứ đều ổn thỏa, ngoại trừ việc Lý rất hay bị buồn ngủ trong lúc cùng ngồi mạn ghe chờ kéo lưới. Những người đàn ông thong thả rít thuốc. Những đốm cháy bé xíu lập lòe giữa sông. Sóng vỗ mạn ghe ì oạp nghe như nỗi cô đơn vạn kiếp, buồn não ruột.
Lý mang chai rượu sochu duy nhất trong hành lý ra khui, cùng ít mồi nhắm chuẩn bị sẵn, gọi là uống chia tay dân cù lao. Những người đàn ông mắt sáng như sao, có vài giọt rượu vào cứ cồn cào nói cười, ra hiệu cảm ơn Lý, rằng cô thật biết điều. Hải cũng uống nhiều hơn vài ngụm. Tiếng cười Hải dường như đậm hơn, nhưng cũng đôi lần đứt đoạn khi nhìn Lý ngồi chờ cá mắc lưới.
Xui rủi thay, đêm cuối cùng theo ghe trời đổ mưa rất đậm. Từ giữa sông, Hải phải quay đầu ghe về bến. Những ghe chài khác vẫn chờ lưới.
Lý thấy mình yếu đuối xiêu vẹo trước những làn mưa quất rát mặt mày. Trời tối thẫm, bước thấp bước cao đạp mũi ghe phóng lên bờ, Lý hụt chân lọt tõm xuống sông. Cô chới với giữa làn nước lạnh buốt.
Bằng cách nào đó, Hải lôi cô lên một cách chật vật. Cô lạnh đến mức tê quéo các ngón tay, chân bủn rủn không sao đứng nổi.
- Không sao đâu! Đừng lo, đã có tôi đây, đừng lo nhé!
Có một cây dâu da đang mùa trái chín ngay bến sông. Hai người ngồi trú tạm ở gốc cây, chờ mưa tan và Lý bớt sợ rồi họ sẽ về.
Hải kéo cô áp sát vào người. Anh xoa bóp liên tục giúp các đầu ngón tay ngón chân cô từ từ hồi phục. Chúng hoan hỉ co duỗi, không tê điếng nữa, dễ chịu lạ lùng. Lý ngấm rượu, ngấm mệt, chỉ muốn ngủ ngay một giấc đẫy đà. Nhưng làn mưa lạnh buốt đã cướp mất ý định đó của cô. Hải như đọc được điều đó. Anh nhường luôn chiếc áo cho cô, cố gắng che chắn cho cô thật kỹ. Lý bỗng run bắn người khi hơi thở Hải lướt nhanh qua cổ. Mùi rượu hòa trong mùi người xộc lên mũi khiến Lý đờ đẫn. Cái mùi ấy nhanh chóng phủ lên môi, khiến môi cô mềm oặt. Cô không cưỡng được hơi ấm đầy ma lực từ mình trần của Hải. Cô mơ ngủ giữa cù lao mưa mãi. Và thấy mình rơi vỡ tan loãng như mưa, nhưng êm ái vô cùng.
Vé về Seoul ấn định mười một giờ trưa mai.
Cô chỉ ước mình có thể mang Hải đi cùng.
***
Phù Dung không tiễn Lý. Thật ra là Lý chạy trốn Phù Dung. Cô nợ Phù Dung một lời xin lỗi. Cô không thể cười được với Phù Dung trước khi rời đi, khi Phù Dung bảo:
- Lý à! Nếu cô trở lại dự đám cưới chúng tôi, chắc anh Hải và tôi hạnh phúc lắm!
Lý ra sân bay, bỏ lại mùa hè xanh biếc và những ký ức về cù lao mỏng như tờ giấy. Mọi thứ cần trôi tuột đi, những lỗi lầm vụng dại và cả sự ích kỷ. Kể cả ánh mắt bối rối như đang run lên của Hải.
Là để cho người ở lại mãi bình an...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.