Múa heo 'độc nhất vô nhị' mừng Tết Kỷ Hợi của đội lân Sài Gòn

06/02/2019 11:23 GMT+7

Để chào đón năm mới Kỷ Hợi 2019, đội lân Nhơn Nghĩa Đường đã sáng tạo ra màn múa heo “độc nhất vô nhị” với ý nghĩa các gia đình đều hạnh phúc trong năm mới.

Trong thời điểm cận kề cái tết, nhiều đoàn lân sư rồng đang tất bật chuẩn bị đạo cụ, tập luyện cho mùa biểu diễn lớn nhất trong năm. Mỗi đoàn lân đều có một nét biểu diễn hầu như giống như nhau. Tuy nhiên, ở đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường lại có sự sáng tạo đặc biệt trong việc tạo hình và múa theo phong cách linh vật “hợi” của năm 2019.

Quan sát heo rồi tự chế linh vật 


Theo võ sư Lưu Kiếm Xương (Trưởng đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường), cũng như mọi năm ngoài việc biểu diễn múa lân sư rồng, đoàn lân của ông đều chế tác các linh vật của từng năm và múa theo từng đặc điểm cụ thể về con vật ấy. Mỗi một linh vật đều mang một nét đặc trưng riêng và cách múa theo từng năm cụ thể.
Đặc biệt năm Kỷ Hợi sắp đến, đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường đã cải biến, mang linh vật hợi múa mừng năm mới cùng với đoàn lân của mình. Đạo cụ múa hợi cũng không khác gì so với múa lân.
Trong đội hình “hợi” của võ sư Lưu Kiếm Xương sẽ có hai nhân vật chính là heo mẹ và heo cha. Với hai người múa chính và 5 người múa phụ. Hai người múa chính sẽ đảm nhiệm vai trò phần đầu và thân sau của linh vật.
Do đó phần múa heo mẹ là quan trọng nhất, vì heo mẹ được đoàn lân chọn là đại diện biểu tượng linh vật của năm nay. Còn heo cha sẽ là hình tượng Trư Bát Giới (trong phim Tây Du Ký) với vai múa tự do bên heo mẹ.
Chiếc đầu heo được chế tác phần khung cũng tương tự như như đầu lân nhưng với hình hài linh vật heo
Phần bộ khung phía sau được một người đảm trách biểu diễn
Đội lân mất gần 2 tháng để chế tạo linh vật heo múa trong Tết Nguyên đán này
Võ sư Lưu Kiếm Xương cho biết, việc tạo tác linh vật do chính tay các thành viên đội lân của ông đảm trách. Lấy ý tưởng từ cách quan sát con heo ở ngoài đời thật, ông Xương cùng các học trò tự tay tạo hình, mô phỏng con heo..
Việc chế tạo đầu heo cũng gần tương tự như chế tạo đầu lân, rồng hoặc sư tử thường thấy. Phần khung được làm từ tre, vỏ ngoài được bọc bằng giấy uốn nắn theo cơ mặt của con heo, phần thân được độn mút xốp để cho heo trở nên mập mạp ra hơn. Sau đó, heo sẽ được sơn phết, gắn mắt và trang điểm mới ra được hình hài hoàn chỉnh.
Phần đuôi heo
Việc múa một con heo chính này cần phải hai người. Một người ở phần đầu, còn người khác ở phụ trách phần chân sau và thân sau

Múa heo để mong các gia đình hạnh phúc 


“Năm nay tôi lấy hình tượng heo với ý nghĩa năm mới chúc phúc cho gia đình hạnh phúc. Dựa theo câu ‘ngũ phúc long môn’ có nghĩa là trường thọ, phú quý, khang linh, hiếu đức và thiện trung thì đó là năm phúc của mọi gia đình cần phải có”, võ sư Lưu Kiếm Xương chia sẻ.
Về thế múa heo cũng có nét đặc biệt riêng vì võ sư Xương cũng phải tự sáng tạo ra. Múa chó, múa lân phải dùng điệu bộ kết hợp với các thế võ. Còn múa heo đều dựa vào đặc tính mà võ sư có cách áp dụng riêng.
Ông Xương cho biết: “Con heo có tánh lười biếng, thích ăn, mà cơ thể thì béo phì nên khi múa bị hạn chế hoàn toàn việc nhảy cao, uốn éo nhào lộn. Do đó, chỉ có thể thể hiện niềm vui qua khuôn mặt, điệu bộ đi đứng lắc léo và lăn lộn tới lui. Riêng chỉ có Trư Bát Giới mới múa vài thế võ”.
Trong điệu múa này có 5 thế chính là: nằm, chạy, đi từng bước và ngồi. Riêng bước đi cũng bắc chước con heo và có kèm theo thế đi của võ. Đối với những vận động viên thì việc múa heo này dễ hơn múa lân.
Để thực hiện màn múa heo phải sử dụng tiếng trống từ múa lân
Một trong những màn múa heo
Ngoài ra, đoàn lân còn tạo hình bốn chú heo con, với nhiệm vụ múa xung quanh heo mẹ
Những chú heo con chỉ đeo duy nhất chiếc mặt nạ trên đầu
Màn gần kết thúc, chú heo mẹ được ngậm bức thư pháp "đại cát đại lợi"
Sau đó kết thúc bằng cảnh bốn chú heo con quây quần bên heo mẹ
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.