Mua hộ vé số, có nên cấm?

12/08/2022 05:21 GMT+7

Bộ Tài chính vừa ban hành dự thảo quản lý kinh doanh vé số để lấy ý kiến, trong đó nội dung cấm mua vé số hộ đang gây nhiều tranh cãi.

Đủ kiểu mua hộ vé số trên mạng

Trong thời đại số ngày nay, người tiêu dùng chỉ cần có điện thoại thông minh, tài khoản ngân hàng và internet là có thể mua vé số ở bất cứ vùng miền nào.

Trên mạng xã hội Facebook, nhiều hội nhóm vé số được lập ra, thu hút hàng chục ngàn thành viên, mục đích lôi kéo, chào mời mua vé số. Rất nhiều trang Facebook cá nhân tự nhận là đại lý vé số cấp 1, hằng ngày, hằng giờ đăng tải các loại vé số truyền thống sắp xổ để mời chào người mua. Hình thức mua là chuyển tiền qua tài khoản và đại lý sẽ giữ hộ.

T.N.T, một đại lý vé số tại H.Hóc Môn (TP.HCM), cho biết: “Ngoài hệ thống phân phối bán dạo, đại lý của tôi còn đẩy mạnh kinh doanh vé số qua mạng xã hội bằng hình thức chuyển tiền qua tài khoản và đại lý giữ hộ. Mặc dù rất nhiều người nghi ngờ tính minh bạch và uy tín của các cá nhân nhưng cũng có nhiều khách hàng mua vé số thông qua hình thức này. Trước giờ chúng tôi cũng giữ uy tín với khách hàng và chưa xảy ra tranh chấp nào”.

Nguyễn Thành Quang, đại diện một đơn vị phân phối vé số tại Tỉnh lộ 43, TP.Thủ Đức (TP.HCM), tiết lộ: “Vé số muốn bán hết thì phải cần nhiều kênh phân phối, ví dụ như chiều nay tôi còn dư 6 vé chưa bán được phải rao lên hội nhóm trên Facebook, ai thích mua thì gọi điện thoại, chuyển tiền và tôi giữ giùm. Nhiều người bán vé số ở khắp nơi như Vĩnh Long, Vũng Tàu... đều rao bán vé số kiểu như vậy. Nếu chỉ dựa vào kiểu bán dạo truyền thống và ngồi một chỗ chờ khách đến thì làm sao mà tiêu thụ cho hết vé. Đến cuối giờ vé ế mang trả lại thì đại lý biết làm thế nào?”.

Mua vé số qua mạng, giữ hộ vé đang được nhiều đại lý triển khai thực hiện

CHỤP MÀN HÌNH

Nhiều ứng dụng (app) trên điện thoại cũng cung cấp tính năng mua vé số, lô tô thông qua tài khoản ngân hàng. Đơn cử như app “vsmb”, chỉ cần vài thao tác tải về, đăng ký số điện thoại, nạp tiền qua tài khoản, người chơi hoàn toàn có thể chọn số để mua ngay lập tức. Tuy nhiên, tất cả thông tin liên quan đến app này đều rất mơ hồ, trên trang cá nhân chỉ giới thiệu “ứng dụng kết nối khách hàng với các đại lý xổ số nhà nước trên toàn quốc”, nhưng chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ lô tô 2 số, 3 số...

Phần điều khoản và chính sách, app này cho biết chỉ là “môi giới” kết nối người mua và đại lý bán vé số, sau khi in vé, ứng dụng sẽ chụp hình gửi lại khách hàng. Một số đại lý khác cũng thông qua các app thanh toán để mua vé số điện toán với hình thức xuất vé, ghi tên người mua và giữ hộ hoặc chuyển đến tay người mua bằng shipper (người mua trả thêm phí).

Trắng đen lẫn lộn

Như vậy, có thể thấy khả năng xảy ra tranh chấp, lừa gạt khách hàng nếu vé số “giữ hộ” trúng thưởng giá trị lớn. Anh P.M.Đ, ngụ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, nhận định: “Mua vé số qua các kênh online khá tiện lợi, tôi cũng đã từng trúng thưởng những giải có giá trị nhỏ và được thanh toán khá nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu khách hàng trúng thưởng lớn, trị giá hàng trăm tỉ đồng thì không ai chắc chắn các đại lý này sẽ giữ uy tín khi chiếc vé mình mua đang nằm trong tay họ, dĩ nhiên khách hàng không dễ dàng gì nhận đủ số tiền được trúng”.

Một rủi ro khác chính là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Những trang cá nhân cung cấp dịch vụ mua hộ vé số (cả loại hình vé số truyền thống và điện toán) đều cam kết giữ vé đảm bảo, giữ bí mật thông tin cá nhân, tài khoản người mua... Nhưng không có một cơ sở nào để tin rằng những lời cam kết online này sẽ được bảo mật tuyệt đối.

Anh T.T.V, ngụ Q.7 (TP.HCM), thì lại nghi ngờ: “Khi người mua chuyển tiền cho các đại lý “ảo”, có thể họ mua hộ thật hoặc không mua. Nếu vé số không trúng thì hiển nhiên đại lý chiếm luôn số tiền đó. Còn nếu trúng thì không có ai chắc chắn đại lý sẽ trả thưởng đúng theo quy định. Dù trường hợp nào thì người mua vé số qua mạng đều có khả năng tiền mất, tật mang. Một khả năng rủi ro nữa là lộ các thông tin cá nhân, điện thoại, số tài khoản khi họ phải khai CMND và các thông tin cá nhân khác để tham gia mua vé”.

Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 30/2007/NĐ-CP về kinh doanh xổ số và Nghị định 78/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều có quy định về “các hành vi bị nghiêm cấm” đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, có hành vi bị cấm là “Thực hiện bán vé xổ số, mua hộ vé xổ số, phân phối vé xổ số dưới mọi hình thức và mọi loại phương tiện khi không được phép theo quy định”.

Bộ Tài chính giải thích: Thời gian qua, để tăng doanh thu, lợi nhuận, vẫn có trường hợp một số công ty thực hiện in và phát hành vé vượt quá hạn mức doanh số phát hành của Bộ Tài chính. Hoặc các tổ chức, cá nhân không phải là đại lý cấp 1 của các công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam mang vé số của các công ty khu vực miền Nam bán tại địa bàn của các tỉnh, TP khu vực miền Trung, Tây nguyên (như Ninh Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk).

Tình trạng này đã gây lộn xộn thị trường xổ số miền Trung và ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, xuất hiện trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số thông qua các thiết bị điện tử, viễn thông, internet ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số (ví dụ như dịch vụ mua hộ vé xổ số qua ứng dụng ví điện tử, dự thưởng vé xổ số lô tô...). Theo đó, cần thiết phải bổ sung các hành vi này là hành vi bị nghiêm cấm để có căn cứ xử lý vi phạm.

“Quản không được thì cấm”?

Trao đổi với Thanh Niên ngày 11.8, một số lãnh đạo công ty xổ số kiến thiết truyền thống và xổ số điện toán đều cho rằng chưa thể góp ý được dự thảo của Bộ Tài chính trong lúc này vì cần thêm thời gian để theo dõi, cân nhắc. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tài chính, thì cho rằng chưa cần thiết. Trong thời buổi kinh tế số như hiện nay, việc thuận mua vừa bán, nhu cầu mua vé số qua mạng có phát sinh thì phải xem xét. Vé số không phải là mặt hàng cấm, được nhà nước khuyến khích, mua bán càng nhiều thì càng tốt. Xét về luật thì không cấm, xét về nhu cầu thì có. Như vậy việc của cơ quan quản lý là làm sao để tấm vé số đến tay người mua an toàn.

“Nếu như hoạt động kinh doanh dịch vụ mua hộ vé số thời gian qua đã làm nảy sinh một số vi phạm, tiêu cực thì cơ quan quản lý nên nghiên cứu, tổng kết để tìm ra giải pháp khắc phục, trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp (DN) tốt hoạt động chứ không nên cấm tất cả dịch vụ mua hộ vé số”, ông Thịnh đề nghị.

Ông N.T.A, đại diện một DN kinh doanh dịch vụ mua hộ vé số thông qua app, nêu quan điểm: “Kết luận dịch vụ mua hộ vé xổ số ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số như dự thảo là không có cơ sở”. Bởi việc mua bán, thanh toán được thực hiện công khai, minh bạch trên ứng dụng vừa giúp người dùng thuận tiện sử dụng, DN đẩy mạnh bán hàng, cũng như giúp cơ quan chức năng dễ dàng tra soát, quản lý. “Thay vì cấm tất cả DN đang kinh doanh dịch vụ mua hộ vé số, Bộ Tài chính nên nghiên cứu giải pháp để phòng ngừa, xử lý sai phạm trong lĩnh vực này mà không triệt tiêu quyền lợi kinh doanh hợp pháp của DN”, ông N.T.A đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.