Mùa khai thác củ ấu ở xứ Thanh

03/11/2018 13:17 GMT+7

Quần thể danh thắng quốc gia Kim Sơn - Tiên Sơn là nơi duy nhất ở tỉnh Thanh Hóa trồng cây ấu. Củ ấu không chỉ tạo nét riêng cho danh thắng mà còn là nguồn sinh kế cho người dân địa phương.

Cứ từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm là mùa thu hoạch củ ấu của người dân xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Toàn bộ khoảng 15 ha trồng cây ấu đều nằm trong khu vực quần thể danh thắng quốc gia Kim Sơn - Tiên Sơn.
Những ngày này, giữa màu xanh bạt ngàn của cây ấu, hàng chục người dân trong xã đang tất bật thu hoạch củ ấu bán cho các thương lái.
Từ 5 giờ sáng, người dân đã bắt đầu đi lấy củ ấu Ảnh Minh Hải
Theo người dân địa phương, họ không biết củ ấu có ở quần thể danh thắng Kim Sơn - Tiên Sơn từ bao giờ, lớn lên đã thấy trong khu vực đầm lầy, hồ nước ở đây có cây ấu.
Trước đây, người dân trong vùng chỉ lấy củ ấu về ăn khi ấu đủ độ chín, nhưng khoảng 20 năm nay, củ ấu được nhiều người ưa chuộng nên người dân đi lấy về bán.
Nếu không phải là người có kinh nghiệm thì rất khó hái củ ấu Ảnh Minh Hải
Từ 5 giờ sáng, hàng chục người dân lại mang theo rổ, bao tải, găng tay, mũ nón để bắt đầu ngày hái củ ấu. Việc hái củ ấu nhìn tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không phải là người kinh nghiệm thì rất khó, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Người hái ấu phải có kinh nghiệm để khi hái không để gai củ ấu đâm vào tay chảy máu. Hơn nữa, người hái ấu phải thuần thục việc vừa điều khiển chiếc thuyền nhỏ làm bằng tôn vừa hái ấu. Nếu không, rất dễ bị lật thuyền, nhẹ thì ướt người, nặng thì có thể bị chết đuối.
Người dân vui mừng vì mỗi mùa ấu lại kiếm được một khoản tiền trang trải cuộc sống Ảnh Minh Hải
Khu vực cây ấu sống là trong đầm lầy, hồ nước uốn lượn dọc dưới chân núi Bền. Mực nước thường sâu từ 1 - 3 m và nước rất lạnh do chảy từ khe núi ra.
Củ ấu hình giống đầu con trâu, vỏ ngoài đen nhưng bên trong lõi trắng và bùi khi luộc chín Ảnh Minh Hải
Bà Nguyễn Thị Vân (60 tuổi, ngụ tại thôn 4, xã Vĩnh An), cho biết bà đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đi lấy củ ấu. Chính vì thế, bà được xem là một trong những “nghệ nhân” trên cánh đồng ấu, thành quả của bà ngày nào cũng ở tốp đầu, không thua kém những người trẻ hơn.
Giữa quần thể danh thắng quốc gia Kim Sơn - Tiên Sơn, cánh đồng ấu xen lẫn hoa súng là điểm nhấn và nét riêng ở nơi này Ảnh Minh Hải
“Ngày trước, khi đi chăn bò hay đi chơi thì lấy củ ấu nướng ăn cho vui chứ chả nghĩ có ngày loại củ này bán được tiền. Giờ đi lấy củ ấu là nguồn thu nhập của gia đình tôi. Mùa ấu chỉ cho thu hoạch khoảng 3 tháng mỗi năm, nhưng chăm chỉ mỗi vụ cũng kiếm được khoản tiền để trang trải cuộc sống”, bà Vân nói.
Thường thì thời gian người dân đi lấy củ ấu từ lúc 5 giờ sáng đến 18 giờ mỗi ngày. Mỗi người đi hái ấu, ngày ít thì được khoảng 20 kg, ngày nhiều khoảng 40 kg củ. Với giá củ ấu như hiện nay là 8.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi ngày, người hái ấu cũng bỏ túi được từ 200 - 300.000 đồng.
Người dân không chỉ khai thác củ ấu, nơi đây còn có nguồn thủy sản phong phú như cá, ốc các loại Ảnh Minh Hải
Ông Hà Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết mỗi năm người dân trong xã thu hoạch được khoảng 30 tấn củ ấu. Chính vì hiệu quả của loại cây này, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân nhân rộng diện tích trồng trong các ao hồ để tăng thêm thu nhập.
Khi mùa khai thác củ ấu kết thúc, cây ấu tự tàn rũ và rụng những quả già xuống đáy bùn. Đến độ tháng 2 hàng năm, quả ấu lại tự mọc lên thành mùa ấu mới, cứ thế cây ấu và đặc sản củ ấu đã trở thành nét riêng của huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) nhiều năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.