Mùa kịch tình yêu

09/02/2020 06:20 GMT+7

Tình yêu là chủ đề không thể thiếu trên sân khấu, nhất là thời điểm mùa xuân, thậm chí nó được các sân khấu kịch ở TP.HCM khai thác nhiều hơn hẳn các chủ đề khác với những câu chuyện tình muôn mặt, thu hút khán giả.

Từ tình yêu ngang trái...

Cũng giống như cuộc đời, tình yêu trong các vở kịch không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có khi nó đến bằng con đường nghịch lý, bằng sự trái ngang, phải đấu tranh vật vã để tìm đến nhau. Vở Tình yêu trời đánh của Hoàng Thái Thanh là sự kết nối khó tin của hai con người ở hai thế giới khác hẳn, sự giàu nghèo và nhân cách đã phân chia rất rõ, và họ đã coi nhau như kẻ thù. Ấy vậy mà khi sống chung với nhau, họ đã thay đổi, nhận ra đối phương thật đáng yêu. Quá trình làm mới bản thân của anh chàng Nam không hề dễ dàng, phải trải qua bao khó nhọc thì một công tử nhà giàu mới biến thành một anh thợ hồ lành nghề, biết đảm đương cả việc nhà, biết chăm sóc vợ con và biết nghĩa nhân, lễ độ. Tình yêu mà anh gặt hái được chính là “quả chín” của một sự khổ luyện, chứ không phải “tiếng sét” vụt bay qua.
“Tình yêu luôn là vấn đề người ta quan tâm, tình yêu là bệ phóng cho cuộc đời. Sân khấu phải nói chuyện tình yêu, phải dựng những vở về tình yêu để thu hút công chúng. Tất nhiên, trong tình yêu còn lồng vào những thứ tình khác như tình cha mẹ, bạn bè, đất nước... Và chính các mối quan hệ khác làm nổi bật lên tình yêu, có khi là đấu tranh, có khi là nâng đỡ, có khi lại làm rõ ra xấu tốt...”. (Đạo diễn Ái Như)
Đẹp bất chấp (Kịch 5B) cũng đưa ra nghịch lý khi cô Hà xấu xí lại yêu anh ca sĩ đẹp trai mà mình làm trợ lý. Trải qua bao sóng gió trong đời, chàng ca sĩ đã nhận ra rằng chỉ có Hà mới thật yêu mình, hỗ trợ cho sự nghiệp của mình, và anh cũng chỉ yêu nét xấu xí “nguyên bản” của cô chứ không cần những bóng sắc phù du. Anh chàng phi công trẻ trong vở Bao giờ mẹ lấy chồng (Sân khấu Thế Giới Trẻ) cũng phải lòng một “chị gái”, bất chấp tuổi tác. Chị hy sinh đời mình cho những đứa trẻ mồ côi, đâu ngờ có ngày mình tìm được một người yêu trẻ đẹp đến bất ngờ. Câu chuyện dẫn dắt hợp lý, làm khán giả cảm động rưng rưng nước mắt.
Mối tình trong vở cải lương Chuyện tình Khâu Vai (Sân khấu Đại Việt) thì mang mô típ của một bi kịch ngang trái giữa nàng Út và chàng Ba do hoàn cảnh giàu nghèo, địa vị. Nàng Út bị ép gả cho Cố Sầu, sống trong chiếm đoạt, ghen tuông, bạo lực. Cuối cùng nàng đã dám phản kháng, dù chết cũng phải chết đúng nơi ngày xưa từng hò hẹn, chết dưới những cánh hoa Tây Bắc rơi trắng xóa như lệ trời khóc thương một kiếp hồng nhan...

Hồng Ánh và Trí Quang trong vở Tình yêu trời đánh

Ảnh: H.K

... đến tình đẹp thủy chung, bao dung

Trong tình yêu, sự chờ đợi thủy chung, nhất định không rẽ thuyền sang bến khác thường làm người ta héo hắt, và khiến khán giả khóc thương nhiều nhất. Anh Lương trong Đò tình (Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) đã ngồi mãi nơi bến sông để chờ cô Bông trở lại. Bến sông có chiếc đò anh đưa rước khách và câu vọng cổ mênh mang - một bối cảnh buồn. Trên bối cảnh đó, là một chuyện tình buồn nơi vùng quê nghèo, khi mà những cô thôn nữ đành bán mình để cứu lấy gia đình, rồi mặc cảm với người yêu, bỏ đi biền biệt. Chàng trai đau xót, chỉ biết neo thuyền hy vọng có ngày người xưa quay về.
Sự chờ đợi còn day dứt hơn trong vở Bao giờ sông cạn (Sân khấu Hoàng Thái Thanh). Cũng con thuyền nhỏ mong manh, cũng neo nơi bến cũ mỗi độ mùa về, bà Thà đã đốt lên ngọn đèn dầu leo lét suốt 20 năm, lặng lẽ nép nhìn đứa con mình lớn dần trong mái ấm của chồng. Cũng như anh Hết chờ cô Hoài trong Hiu hiu gió bấc (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang). Cô đã đi lấy chồng, nhưng anh Hết cứ lặng lẽ để đời mình trôi đi suốt 15 năm. Tóc phai màu, tình vẫn chưa phai... Ngay cả ông Tư trong Tía ơi má dìa (Sân khấu IDECAF) cũng ôm chiếc áo cưới mà chờ đợi người vợ đột ngột bỏ đi suốt 10 năm. Héo hon cả thể xác lẫn tâm hồn, ông trở thành một con người ốm yếu, khó tính. Khán giả xót thương cái dáng người già ôm đàn chờ đợi, với tiếng thở dài nhẹ bay theo gió...
Sân khấu TP.HCM mùa này còn là câu chuyện về những mối tình trượng nghĩa, chở che, đúng khí chất dân Nam bộ. Trong Đời như ý (Thế Giới Trẻ), anh thanh niên mù đã lên tiếng nhận mình là chủ cái bào thai trong bụng Bé Ba, cô bé thiểu năng bị người ta hãm hại. Anh cưu mang Bé Ba qua những bến đời, bằng những tờ vé số, bằng tiếng đờn vọng cổ, bằng tấm lòng vừa là cha, vừa là anh, vừa là bạn. Tình yêu đến sau cùng, bổ sung cho những thứ tình ấy, và họ hạnh phúc trong cảnh nghèo. Khán giả khóc rất nhiều suốt những lớp diễn. Cũng như Lá diêu bông (Kịch 5B) có anh Chờ đã tự nhận tội, đi tù, cho gia đình người yêu mình yên ổn. Mãn hạn tù, cô gái đã đón anh bằng mái tóc pha sương, để trả lời rằng lá diêu bông là có thật.
Chú Năm đờn kìm trong Hiu hiu gió bấc cũng vì bảo vệ người yêu của mình bị mất trí sau một chấn thương hôn nhân mà buông bỏ cây đờn, trở thành một người bặm trợn, mạnh mẽ. Hy sinh bản thân, hy sinh nghệ thuật, là điều không dễ làm. Nhưng giữa cuộc đời đầy bất trắc, kẻ mạnh hiếp yếu, thì đôi khi người ta phải làm như vậy, phải tạo một vỏ bọc khác để chở che cho nhau. Bởi thế, người ta thường dùng chữ “thương” thay cho chữ yêu. Khán giả “đi cùng” những vở kịch tình yêu để biết yêu thương, bao dung, sống đẹp hơn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.