Mua lại xe cũ: Nhầm xe gian có đòi lại được tiền?

28/06/2016 10:05 GMT+7

Vì nhu cầu đi lại, giá lại rẻ bèo nên nhiều người thường mua lại xe cũ ở các tiệm sửa xe nhưng không nắm được nguồn gốc xe. Một số trường hợp phát hiện được là mua nhầm xe gian thì hỡi ôi.

Thường trường hợp bị phát hiện là xe gian là do chủ xe nhận diện được hay do người khác báo. Lúc này, người mua xe hoang mang, không biết có "tiền mất tật mang" hay không hoặc vướng vào vòng tố tụng. 
Mua nhầm xe gian không được xem là giao dịch dân sự, vì vậy người mua xe cần đến cơ quan công an nơi cư trú gần nhất trình báo để được giải quyết theo đúng quy định.

tin liên quan

Phiếu giữ xe 'không có giá trị lấy xe': Mất xe ai chịu?
'Phiếu giữ xe là căn cứ pháp lý thể hiện sự giao dịch giữa hai bên cho nên nếu phiếu không có giá trị thì việc mất xe cũng không có giá trị, người gửi xe chắc chắn chịu thiệt thòi', LS Nguyễn Thạch Thảo cho biết
Có thể yêu cầu người bán xe hoàn tiền
Luật gia Nguyễn Thành Danh (Hội Luật gia Quận 2, TP.HCM, Hãng luật Minh Mẫn) cho biết, mua bán xe là một giao dịch dân sự, tuy nhiên việc mua nhầm xe gian được xem là giao dịch dân sự vô hiệu do không thỏa mãn điệu kiện quy định tại Điều 122 BLDS 2005.

Khi giao dịch tài sản là phương tiện tham gia giao thông các bên mua và bán cần thực hiện mua bán trên hợp đồng theo mẫu và tiến hành các thủ tục công chứng hợp đồng mua bán theo quy định tại cơ quan công chứng gần nhất. Sau đó, tới cơ quan CSGT làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật để tránh mua nhầm xe gian

Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp

Cụ thể, Điều 122 BLDS quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Cũng theo Luật gia Danh, việc giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 137 BLDS: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Do vậy, khi mua nhầm xe gian, người mua có thể yêu cầu người bán hoàn trả lại số tiền đã mua xe. Trường hợp người bán không đồng ý trả thì người mua có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi người bán cư trú để yêu cầu hoàn trả lại tiền mua xe đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu có.
Nên cẩn thận khi mua lại xe cũ
Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM lưu ý, trong trường hợp mua phải xe gian thì người mua xe nên đến ngay cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú để trình báo toàn bộ sự việc.
“Trên cơ sở thông tin trình báo, cơ quan công an sẽ tiến hành làm các thủ tục xác minh thông tin bằng biện pháp mời người bán phương tiện lên cơ quan công an để tiến hành xem xét, điều tra truy nguồn gốc của phương tiện. Đồng thời, cơ quan công an xã, phường, thị trấn sẽ liên hệ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, thành phố tra cứu qua tàng thư xe mất cắp để xác định phương tiện đó có nằm trong tang vật vụ án hay không”, thượng tá Diệp cho biết.
Trong trường hợp việc xác minh giúp xác định yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan công an sẽ tiến hành lập hồ sơ chuyển lên cơ quan cảnh sát điều tra cấp quận, huyện quản lý địa bàn xử lý theo quy định.
“Như vậy, khi giao dịch tài sản là phương tiện tham gia giao thông các bên mua và bán cần thực hiện mua bán trên hợp đồng theo mẫu và tiến hành các thủ tục công chứng hợp đồng mua bán theo quy định tại cơ quan công chứng gần nhất. Sau đó, tới cơ quan CSGT làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật để tránh mua nhầm xe gian”, thượng tá Diệp khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.