Bông điên điển “lên ngôi”
Bông điên điển là sản vật đặc trưng của miền Tây vào mùa nước nổi. Thuở trước, loại này mọc hoang dã trên đồng, ven sông... Giờ đây, cây được nhiều hộ dân trồng theo bờ ranh đất.
Mùa lũ, nông dân thường thức dậy từ 1 giờ sáng để soi đèn hái bông điên điển |
DUY TÂN |
Người dân H.Tịnh Biên (An Giang) cho biết, trước kia bà con ở đây thường mưu sinh theo mùa. Mùa cạn làm ruộng, mùa lũ ra đồng đánh bắt. Tuy nhiên, những năm gần đây đa phần là lũ cạn, tôm cá không còn nhiều như trước nên bông điên điển “lên ngôi”. Từ đó, nhiều hộ trồng loại cây này để tăng thêm thu nhập trong mùa lũ.
Theo bà Nguyễn Thị Chơn (59 tuổi, ngụ xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên, An Giang), thuở trước, bông điên điển và cá linh bị xem là món của “nhà nghèo”. Điên điển mọc hoang chứ không ai trồng như bây giờ. Lúc đó, có hái bán cũng không ai mua hoặc mua cũng rẻ bèo trong khi công hái rất cực. Bây giờ bông điên điển có giá, cây mọc hoang hái không đủ bán nên người dân tự trồng.
Nhà bà Chơn trồng 1 công điên điển gần 6 năm nay. Sau 3 tháng trồng có thể thu hoạch. “Mùa nước nổi, bông điên điển nở kéo dài khoảng 2 - 3 tháng. Đây là thời điểm bông trổ rộ nhất trong năm. Đêm nào vợ chồng tôi cũng soi đèn đi hái bông mấy tiếng đồng hồ để kịp bán cho thương lái và tiểu thương các chợ trên địa bàn”, bà Chơn nói.
Do bông điên điển nhỏ, lại nhiều và nở rất nhanh, mà người mua chỉ chuộng những bông búp vừa hé, nếu không tranh thủ hái bông sẽ tàn dần, ăn không ngon và bán không có giá.
Thời điểm này người dân tranh thủ thu hoạch khi bông trổ về đêm, bởi đang vào mùa trổ rộ trong năm |
DUY TÂN |
Vào đầu mùa lũ, vợ chồng bà Chơn thường thức dậy từ 1 giờ sáng để soi đèn hái bông điên điển. Đến tận 4 - 5 giờ, cũng thu hoạch được 5 - 6 kg để mang ra chợ giao cho tiểu thương. Nhờ đó có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Thu nhập gia đình được cải thiện đáng kể
Do bông điển điển trổ từ khuya đến sáng hôm sau nên để bông ngon và bán có giá thì người dân thường soi đèn giữa khuya đi hái. Do thu hái lúc trời khuya nên người dân thường trang bị đèn pin đội đầu để dễ thu hái. Ngoài ra, để tránh côn trùng, rắn, rết cắn còn trang bị áo khoác, khẩu trang trùm đầu, ủng cao su.
Xuyên đêm soi đèn, mỗi người có thể hái 5 - 6 kg bông điên điển, bán được vài trăm ngàn đồng. |
DUY TÂN |
Trồng điên điển đơn giản, không mất nhiều vốn đầu tư như những loại cây trồng khác. Chỉ cần bầu cây, chờ nước rút là cắm xuống đất, rồi cứ thế chờ cây lớn, ra bông là thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Sang (55 tuổi, ngụ H.Tịnh Biên) cho biết, nhờ bông điên điển, thu nhập gia đình được cải thiện đáng kể. Trước đây, ông đi làm phụ hồ rất cực nhọc nhưng thu nhập tối đa chỉ 200.000 đồng/ngày. Từ lúc chuyển sang trồng bông điên điển ông không phải làm thuê mướn mà đã tự chủ được kinh tế.
Bông điên điển “lên ngôi”, nhiều người trồng để tăng thêm thu nhập trong mùa nước nổi |
DUY TÂN |
“Bông điên điển đầu mùa có giá 50.000 đồng/kg. Mỗi đêm, chịu khó thu hái trong vài tiếng đồng hồ, tôi kiếm được 250.000 - 300.000 đồng”, ông Sang thông tin.
Bình luận (0)