Mùa mưa chưa dứt, TP.HCM đã nắng nóng 40 độ C

20/11/2024 06:16 GMT+7

Thời điểm hiện nay chỉ mới là cuối mùa mưa, nhưng ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành Nam bộ đã xuất hiện tình trạng nắng nóng gay gắt khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C.

Vì sao ngày 20.11 không mát như dự báo?

Tại TP.HCM, từ đầu tháng 11, những trận mưa bắt đầu thưa dần, ngược lại số giờ nắng tăng liên tục và kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn khiến nền nhiệt độ gia tăng nhanh chóng. Nắng nóng và các hoạt động dân sinh khiến nhiệt độ cảm nhận ở TP.HCM tăng nhanh hơn, trong khi gần suốt một tháng qua, ở nhiều quận trung tâm chỉ có 1 trận mưa với lượng tương đối khá.

Mùa mưa chưa dứt, TP.HCM đã nắng nóng 40 độ C- Ảnh 1.

Nắng nóng đang quay lại TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Anh Hoàng Văn Tân (ngụ Q.6) cuối tuần qua có việc phải đi qua khu trung tâm về hướng TP.Thủ Đức vào giữa trưa. Anh nhận xét: Nắng nóng gay gắt không khác gì mùa cao điểm tháng 3 - 4 vừa rồi. Khi đi qua khu vực cầu vượt Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), anh giật mình thấy bảng nhiệt độ báo 39 độ C. Về đến nhà đã gần 16 giờ mà vẫn thấy nhiệt độ báo 38 độ C. "Tôi cũng thường xuyên xem các thông tin thời tiết thấy mùa mưa ở Nam bộ vẫn chưa kết thúc. Thỉnh thoảng nóng quá nhìn lên bầu trời thấy mây đen rải rác nhưng không hiểu sao nắng nóng gay gắt đến thế", anh Tân cho hay.

Mong mát giữa mùa mưa là tâm trạng của nhiều người dân TP.HCM và phía nam hiện nay. Thế nhưng, giữa dự báo và thực tế ngày càng có độ vênh lớn. Đơn cử cuối tuần trước, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ) dự báo: Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở phía bắc tăng cường xuống phía nam nên từ ngày 19.11 nhiệt độ bắt đầu giảm xuống mức 33 độ C. Sang ngày 20.11 phổ biến ở các quận huyện còn 32 độ C và ngày 21.11 còn 31 độ C. Đây có khả năng sẽ là đợt lạnh ảnh hưởng mạnh nhất đến thời tiết TP.HCM và Nam bộ kể từ đầu mùa gió đông bắc đến nay. Như vậy trong chuỗi ngày chào mừng Ngày Nhà giáo VN, nhiệt độ ở TP.HCM sẽ tương đối mát mẻ.

Mùa mưa chưa dứt, TP.HCM đã nắng nóng 40 độ C- Ảnh 2.

Nắng nóng đang quay lại TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, thực tế cường độ không khí lạnh ở phía bắc về không mạnh như dự báo nên chưa ảnh hưởng đến nền nhiệt độ ở Nam bộ.

Trong ngày 19.11, trời TP.HCM vẫn nóng. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại thời điểm khoảng 14 giờ 30, nhiệt độ tại khu vực Hàng Xanh dao động quanh mức 39 - 40 độ C. Anh Mạnh Hùng (một tài xế xe ôm công nghệ) chia sẻ: Khu vực này chỉ toàn bê tông với nhựa đường, lại là nút giao thông có lượng xe cộ đông đúc nên mỗi khi dứt mưa, nắng lên là nóng bức ngột ngạt vô cùng. "Hy vọng thành phố sẽ trồng thêm nhiều cây xanh dọc các con đường để giúp giảm nhiệt cho môi trường", anh Hùng nói.

Theo cập nhật mới nhất của Đài Nam bộ, ngày 20.11 nhiệt độ TP.HCM phổ biến ở mức 34 độ C (cao hơn 2 độ C so với dự báo hồi cuối tuần trước), đến ngày 22 - 23.11 nhiệt độ mới giảm nhẹ xuống còn 32 độ C. Những ngày tiếp theo, không khí lạnh tiếp tục tăng cường sâu hơn xuống phía nam. Đến ngày 25 - 26.11, không khí lạnh ở phía bắc tiếp tục bổ sung và nhiệt độ phổ biến 32 - 33 độ C.

Cả thế giới "việt vị" vì La Nina

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), 2024 đang trở thành năm nóng nhất lịch sử từng được ghi nhận dù dữ liệu tổng hợp mới đến tháng 9.2024. Một trong những biểu hiện về sự bất thường của khí hậu có thể kể đến là các tổ chức thế giới đều bị "việt vị" khi dự báo về sự xuất hiện của La Nina.

Mùa mưa chưa dứt, TP.HCM đã nắng nóng 40 độ C- Ảnh 3.

Ngày 19.11, nhiệt độ ngoài trời ở một số khu vực của TP.HCM đã tăng lên mức 40 độ C

ẢNH: CHÍ NHÂN

Năm 2024, El Nino xuất hiện với cường độ khá mạnh và khi nó suy yếu vào tháng 6, các tổ chức khí tượng thế giới gần như đều tin rằng La Nina sẽ xuất hiện vào tháng 8 - 9. Thậm chí nhiều người còn dự báo đây sẽ là một La Nina có cường độ khá mạnh và kéo dài đến hết quý 1/2025.

Tuy nhiên, thực tế là hết tháng 8 rồi lại tháng 9, qua thêm tháng 10 và giờ sắp hết tháng 11, La Nina vẫn không diễn ra. Mới đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật trong bản tin khí hậu rằng: Xác suất xuất hiện La Nina trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 giảm đáng kể so với các dự báo trước đây, hiện chỉ còn từ 50 - 55% so với mức 70 - 80% trong các dự báo trước đó. Nguyên nhân là chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino3.4 trung bình 3 tháng gần đây chỉ thấp hơn -0,3 độ C so với trung bình nhiều năm, ít khả năng vượt quá ngưỡng -0,5 độ C để xác định sự xuất hiện của La Nina.

Các chuyên gia cho biết do La Nina gần như không xuất hiện nên mùa mưa ở Nam bộ được dự báo sẽ kết thúc trong tháng 11 này thay vì kéo dài đến giữa tháng 12 như một số dự báo trước đó. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ nay đến tháng 12.2024, Nam bộ có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hoa màu chuẩn bị tết.

Trong khi đó, từ tháng 9 đến giữa tháng 11.2024, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 6 đợt không khí lạnh. Tuy nhiên, đây đều là những đợt không khí lạnh có cường độ yếu nên chưa tác động nhiều đến thời tiết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Chính vì vậy, nhiệt độ trung bình trong thời gian này vẫn cao hơn so với các năm. Cụ thể, trong tháng 9, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C, có nơi trên 1,5 độ C. Sang tháng 10, nhiệt độ trên cả nước phổ biến xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C, có nơi cao hơn 2 độ C. Nửa đầu tháng 11.2024, nhiệt độ trung bình tại Bắc bộ cao hơn 1 - 2 độ C, các khu vực khác trong cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.

Nhiệt độ trung bình trên cả nước từ nay đến cuối năm 2024 phổ biến ở mức xấp xỉ; riêng khu vực Tây Bắc, trung và nam Trung bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.