Mùa mưa đến mang những niềm vui cho người dân

Mưa về chấm dứt những ngày hạn mặn. Cơn mưa vàng, mưa bạc trên mảnh đất cực tây nam của Tổ quốc làm dịu đi, vơi bớt biết bao nhiêu lo lắng trong lòng người.

Cơn mưa lớn giữa tháng 5 kéo dài trên 2 tiếng đồng hồ về trên thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Cơn mưa có tia sét nhoang nhoáng trên bầu trời, có tiếng sấm gầm gừ trong mây, có tiếng nước chảy khá mạnh từ máng xối đổ xuống thùng phuy.
Có lẽ người Rạch Giá cùng thở phào nhẹ nhõm, lắng nghe tiếng mưa rơi, tiếng nước chảy như tôi. Mưa về chấm dứt những ngày hạn mặn. Cơn mưa vàng, mưa bạc trên mảnh đất cực tây nam của Tổ quốc làm dịu đi, vơi bớt biết bao nhiêu lo lắng trong lòng người.Sáng hôm sau, tôi ra quán cà phê trên bờ kè biển rất sớm. Mưa đêm qua làm đọng lại mấy vũng nước trên đường Lạc Hồng. Thành phố như trẻ ra, sáng trưng như khuôn mặt em bé vừa được tắm rửa, chải tóc. Tôi hiểu cơn mưa làm lòng người Kiên Giang vui sướng đến mực nào. Hạn hán lâu quá, kéo dài trên 5 tháng khiến ruộng lúa, vườn cây, ao đìa xơ xác.
Còn các nơi khác thì sao? Tôi vừa uống cà phê vừa nhắn tin hỏi thăm mấy người bạn. Ông bạn ở Bạc Liêu báo “Bạc Liêu, Cà Mau có mưa rồi anh !”. Một người học trò cũ ở Cần Thơ nhắn “Cần Thơ mưa rồi thầy ạ !”. Mưa đã thật sự đến với đồng bằng sông Nam bộ, như một người tình chung thủy đến hẹn lại về, dù có vẻ đỏng đảnh.
Cả trăm năm qua, chưa bao giờ đồng bằng Nam bộ có cơn hạn mặn tai hại như cơn hạn mặn trong 5 tháng đầu năm 2016 do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra. Cái vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây lớn nhất cả nước đã phải trải qua những ngày đồng khô lúa cháy, cây héo trái rụng, tôm cá chết mòn. Trên vầng trán của người nông dân, hằn lên những vệt ưu tư mới.
Điều may mắn là con người đã có những giải pháp tình thế giải quyết ngay hạn mặn; chính quyền cưu mang đùm bọc; nhân dân góp sức chia sẻ. Những ưu tư nhờ vậy cũng vơi bớt đi.
Cái lo lớn nhất của bà con chúng ta là nước uống. Tỉnh Kiên Giang đã huy động các xà lan lớn và sạch sẽ đi chở nước từ nơi khác về để chế biến làm nước uống cho thành phố Rạch Giá. Mặt trận và các đoàn thể các tỉnh khác tham gia chở nước về san sẻ cho bà con các huyện vùng sâu, vùng xa.
Tôi không tin vào những lời “hữu nghị” sẽ xả nước trên các đập thủy điện ngăn dòng Me Kông của ai đó. Cả triệu năm qua, sông Me Kông vẫn chảy bình thường theo quy luật thiên nhiên nước về cửa biển. Nhân dân nhiều nước Đông Nam Á đã sống nhờ dòng sông ấy nên việc đắp đập ngăn dòng rồi sau đó xả đập để khai thác nguồn điện riêng cho mình không thể xem là “hữu nghị”.
Rồi trưa 25.5, một cơn mưa lớn về trên bầu trời Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Mùa hè năm nay, miền Trung có hạn nhưng không bị mặn xâm thực. Cơn mưa kéo dài trên 2 tiếng đồng hồ đã làm nức lòng, hả dạ người nông dân.
Cơn mưa làm nổi nước trên những vạt ruộng hôm qua còn khô khốc chỉ còn trơ gốc rạ. Người nông dân chỉ chờ có vậy, sáng hôm sau đã ra đồng sớm, cày cho tơi đất, phun thuốc diệt cỏ chuẩn bị cho vụ hè - thu. Cây cối xanh hơn, đẹp lên, trẻ lại trên phố giáng hương của thị trấn Nam Phước.
Chiều hôm ấy cho đến tận những đêm sau, bọn ễnh ương, ếch nhái đến hẹn lại lên; kêu vang khắp các làng bản đại hòa tấu điền dã của chúng. Mưa đến quê nhà tôi, giúp bà con tôi bớt vất vả đi một chút. Mưa rửa sạch phố xá, xóm thôn, ruộng đồng, cây cối. Chịu đựng qua 5 tháng nắng, lại sắp đón mùa gió phơn về, một cơn mưa rào lớn làm không khí dịu mát, thiên nhiên tươi đẹp quả là một món quà quý giá của thiên nhiên.
Với đồng bằng Nam bộ, mùa mưa bắt đầu tử khoảng giữa tháng 5 và chấm dứt khoảng giữa tháng 11 dương lịch. Nam bộ không có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt; chỉ có hai mùa mưa và mùa nắng. Năm nay, Nam bộ phải chịu tác động quá lớn của biến đổi khí hậu nên hạn mặn kéo dài; lúa, trái cây, tôm cá đều chịu những thiệt hại lớn.
Mưa đến giúp bà con Nam bộ giải quyết chuyện hạn mặn, bắt tay vào ngay mùa vụ. Cái tuyệt vời nhất của mưa là đem lại nước uống và nước sinh hoạt cho mọi gia đình. Vậy cho nên đến cái lu bể bà con cũng không nỡ bỏ đi, cũng còn được dùng chứa nước mưa. Ít ra, số nước ấy cũng giúp cho bà con rửa được mớ rau, bó cải.
Vậy nhưng, tạm hết thời kỳ El Nino, thiên nhiên lại tiếp diễn hiện tượng La Nina. Những nhà khí tượng thủy văn cho biết có hai hiện tượng khí hậu cực đoan mà thế kỷ chúng ta phải đối mặt. La Nina là hiện tượng mưa nhiều, bão lớn - một đối nghịch của El Nino.
Và quả là như vậy thật. Những cơn mưa lớn hạ tuần tháng 5.2016 khiến đồng bằng Nam bộ nổi nước. Những đồng ruộng gieo sạ kịp thời vụ ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu mầm lúa vươn lên chưa được năm phân, đã bị ngập chìm trong dòng nước mưa thái quá.
Nước tràn ngập ruộng khiến người nông dân không biết tháo đi đâu cho được bởi cánh đồng nào cũng đầy nước. Tất nhiên, người nông dân có thể tháo cho nước chảy xuống kênh thoát ra sông nhưng không phải đám ruộng nào, khu ruộng nào cũng nằm cạnh dòng kênh.
Người nông dân đầu tháng còn xót xa vì mạ cháy trên đồng ruộng khô nứt nẻ, cuối tháng đã phải xót xa vì số hạt giống được sạ vừa nẩy mầm đã chìm dưới biển nước mưa trong vắt. Cả hai hiện tượng El Nino và La Nina làm hao phí không biết bao nhiêu mồ hôi, tâm lực, công sức và tiền bạc của người nông dân.
Nhiều cánh đồng ở tỉnh Cà Mau đã thực hiện mô hình tôm - lúa và bà con nông dân thấy mô hình này đem lại kết quả khá tốt. Có thể hình dung mô hình này là trong một đám ruộng vừa có phần lớn diện tích trồng lúa, vừa có phần nhỏ hơn diện tích mặt nước để nuôi tôm.
Phần nuôi tôm được đào sâu xuống, dùng như một cái “đìa” hoặc một hệ thống mương chứa nước. Khi ruộng khô, người ta bơm bớt nước từ đìa, mương lên để giữ nước cho lúa. Khi mưa lớn, người ta mở van cho nước trên ruộng xuống đìa. Mô hình tôm - lúa này cần đến giải pháp nông nghiệp sinh học. Việc dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học có thể làm chết tôm.
Ở Đồng Tháp, bà con nông dân lại áp dụng mô hình sen - lúa. Cùng trong một vạt ruộng, bà con chỉ trồng một mùa lúa; bảy hoặc tám tháng còn lại dành để trồng sen. Lúa thích nghi từ cuối tháng 5 đến khoảng tháng 8; sen được dành hết cho thời gian còn lại, phù hợp với mùa nước nổi. Trồng sen không bỏ một thứ gì; từ củ sen, ngó sen, lá sen, hoa sen đến hạt sen. Thu nhập của mùa sen cao hơn lúa. Đó là chưa nói đến nguồn lợi tôm cá trong ao sen. Nhiều nơi ở Đồng Tháp các chủ đồng sen còn xây dựng những nhà tạm, tổ chức “du lịch bỏ túi”.
Khách xa tới chơi, leo lên những nhà tạm cất trên đồng sen, ngồi ăn gỏi ngó sen tôm càng, cá lóc nướng trui gói lá sen non, ngắm màu hoa sen hồn nhiên, tinh khiết và thơ mộng. Ra về, họ còn có thể mua thêm mấy bịch hạt sen khô làm quà hay sen tươi để nấu chè. Bà con nông dân Đồng Tháp lại có nghề nuôi tôm càng rất giỏi.
Nước nổi càng cao thì càng thêm lợi thế cho nghề nuôi tôm càng và trồng sen. Nước nổi cũng là mùa đem lại nguồn thu nhập cao từ việc đánh bắt cá thiên nhiên cho bà con. Những người nào “khóc thương” về mùa nước nổi, lo nước nổi về cao khiến cuộc sống bà con vất vả là không hiểu gì về mùa nước nổi Nam bộ cả!
Chúng ta chỉ mong cho mưa thuận gió hòa để người nông dân thu hoạch vụ mùa thắng lợi. Tình thế mới thì có giải pháp mới. Dù là El Nino hay La Nina thì chính quyền các địa phương và bà con nông dân sẽ có giải pháp phù hợp để ứng phó và thích nghi với hoàn cảnh.
Mưa đã về khắp đồng bằng Nam bộ là thời điểm để bà con bắt đầu mùa vụ mới. Còn mưa nhiều theo kiểu La Nina thì sẽ có giải pháp ứng phó với La Nina.
Và nông dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục những mùa vụ bội thu, thắng lợi và xây dựng vững chắc cuộc sống ấm no, hạnh phúc!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.