Ngọn rau sắng từ bao đời nay đã trở thành thực phẩm sạch rất gần gũi người dân các huyện miền núi từ Bắc chí Trung. Người ta tìm hái ngọn rau sắng xanh mướt trên rừng, dọc theo những ngọn núi, rồi buộc thành từng bó gọn gàng trước khi đưa xuống chợ bán để phục vụ người dân miền xuôi.
tin liên quan
Tấm tắc măng đắng miền sơn cướcTháng tư về, mùa măng đắng chộn rộn từ đường xuống chợ đến mâm cơm gia đình. Nếu ghé miền sơn cước mùa này mà không thưởng thức măng đắng thì hẳn là một sai lầm.
Lá non của rau sắng bao giờ trông cũng óng ả, mỡ màng và quen thuộc qua bao thế hệ. Tôi từng nghe nội tôi kể chuyện về ngọn rau sắng khi nội còn là bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn. Đó là những ngày nội cùng đồng đội sáng sớm hái ngọn rau sắng nhét vào một góc ba lô để đến trưa cho vào nồi canh thay mì chính (bột ngọt). Thậm chí, mùa rau sắng đâm nhiều lộc non, nội còn tranh thủ phơi khô rồi cất dành để mùa đông đem ra nấu.
Cũng bởi vị ngọt không thể lẫn với bất cứ loại rau nào khác mà người ta đặt cho nó một cái tên khác dễ kêu hơn, rau mì chính.
Rau sắng, tức rau mì chính có thể nói là “dễ tính” bởi có thể kết hợp với nhiều thực phẩm khác như tôm nõn, thịt băm hay cá quả để tạo nên những món canh ngon. Tuy mỗi món lại có một hương vị khác nhau nhưng riêng rau sắng thì vẫn mang vị ngọt đậm đà mà chẳng thứ bột ngọt nào sánh được.
Dù vậy, người dân miền núi vẫn truyền miệng nhau cách nấu canh rau sắng đơn giản nhất là nấu suông. Chỉ cần nồi nước sôi, thả rau sắng cùng thịt, tôm… và nêm đủ gia vị mắm, muối vào nồi canh chờ sôi bùng lên vài lượt là có thể tắt bếp.
Bát canh rau sắng còn nóng hổi vẫn giữ được màu xanh đậm, lá rau giòn, đượm mùi thơm và vị ngọt đặc trưng của núi rừng. Loài rau này còn được ví là vua của các loại rau rừng bởi vừa đảm bảo thực phẩm sạch vừa có giá trị dinh dưỡng cao nên rất được nhiều người tìm mua.
|
|
Bình luận (0)