Mùa người người 'đi bằng tay' ở làng Kênh Gà

03/09/2017 09:32 GMT+7

Bởi tình trạng ngập lụt liên miên hằng năm, người dân xóm đảo Đồng Tiến và dân ngụ ở thôn 1, 2 và 3 làng Kênh Gà tự khái quát bằng hình ảnh “sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay” khi nói về quê mình.

Sông Hoàng Long, hay còn được gọi là sông Đại Hoàng, dài 25 km được hợp lưu từ sông Bôi và sông Lạng ở vùng đất Kênh Gà (xã Gia Thịnh, H.Gia Viễn, Ninh Bình).
Từ đây, sông Hoàng Long trải dài xuống đến cầu Gián Khẩu (H.Gia Viễn) nằm trên QL1A rồi hợp lưu vào sông Đáy đổ ra Biển Đông. Dọc tuyến sông Hoàng Long có hai doi đất nổi lên. Từ nhiều đời nay, người dân đã ra hai doi đất ấy sinh cơ, lập nghiệp, dần dần hình thành các xóm làng trù phú giữa bốn bề sông nước mênh mông.
Ông Nguyễn Khắc Điều kể về cuộc sống của người dân trên “đảo” Đồng Tiến
Đường làng thành... sông
Men theo sông Hoàng Long, từ cầu Gián Khẩu ngược lên phía thượng nguồn khoảng 10 km, xưa kia người ta gọi là “làng chài Đồng Tiến” hay “làng nổi Đồng Tiến”. Bắt đầu từ vài hộ dân chài đến khu đất nổi giữa lòng sông Hoàng Long để ở, đến nay, làng nổi Đồng Tiến đã có 87 hộ dân với 267 nhân khẩu.
Chúng tôi đến thôn Đồng Tiến đúng ngày thứ 10 thôn bị nước lũ đổ về cô lập. Từ tuyến đê tả sông Hoàng Long, con đường dẫn vào thôn dài khoảng 300 m bị ngập hoàn toàn. Ông Nguyễn Khắc Điều (63 tuổi, ngụ thôn Đồng Tiến) đang đánh bát quái (một loại ngư cụ đánh bắt thủy sản - NV) nhưng khi biết chúng tôi có ý định vào làng, ông vui vẻ giúp đỡ. Vừa thoăn thoắt chèo thuyền, ông Điều vừa cho biết, những ngày này (những ngày làng bị cô lập bởi nước lũ), chiếc thuyền chính là “đôi chân” để dân làng đi lại, giao thương với bên ngoài, mà theo cách gọi ở đây là “6 tháng đi bằng tay” (dùng tay chèo thuyền).
Nhà ông Điều ngay đầu thôn, nước ngập lên đến sân. Theo ông, nếu 3 năm trước thì có lẽ đợt lũ này sẽ khiến nước ngập quá nửa nhà, nhưng từ khi cô con gái và người con trai cả của ông đủ tuổi đi làm công nhân, gom góp được ít tiền gửi về tôn tạo móng cao hơn 3 m so với trước, rồi dựng lại ngôi nhà cấp 4, ông mới “đổi đời”. Dạo quanh làng, chúng tôi chứng kiến nhiều ngôi nhà nước ngập quá nửa, còn in vết hằn phù sa khi nước vừa rút bớt. Nhiều đoạn đường vừa được đổ bê tông giờ trông như những con sông nhỏ uốn lượn quanh làng. Đám trẻ con thi nhau chèo thuyền như một trò chơi.
Ông Điều dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Khuyến, Bí thư kiêm Trưởng thôn Đồng Tiến. Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu quanh chén nước chè xanh trồng được trên “đảo”. “Bà con cũng quen rồi, cứ 6 tháng đầu năm thì đi lại bằng chân, còn 6 tháng cuối năm hầu như phải chèo thuyền để đi lại. Ở đây ngay cả đứa trẻ mới lên ba cũng đã ngồi vững trên thuyền. Có đứa còn sinh ra ngay trên thuyền, trong lúc bố mẹ nó mưu sinh trên sông. Nghề chính của dân làng chúng tôi là đi bắt cua, ốc kiếm sống qua ngày, quanh làng cũng có ít diện tích đất ngập nước nhưng mỗi năm chỉ cấy được một vụ thôi”, ông Khuyến kể.
Người dân làng Đồng Tiến sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông Hoàng Long
Khoát tay chỉ về phía khoảng nước trắng mênh mông ngăn cách thôn Đồng Tiến với bên ngoài, ông Khuyến kể tiếp, những năm 1970, lo lắng bà con bị nước ngập vào làng thường xuyên nên chính quyền có chủ trương di chuyển các hộ vào nội đê. Nhưng sau đó, dự án không thành, phần vì bà con ở đây quen rồi, phần vì tất cả các hộ đều làm nghề sông nước, giờ chuyển lên “cạn” không thể làm ăn được... Để chống chọi với nước lũ, mùa “đi bằng tay”, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn 1 - 2 chiếc thuyền. Thuyền để đi đánh bắt thủy sản kiếm sống, để “bơi” ra ngoài mua bán, học tập, khám chữa bệnh...
“Cuộc sống gắn liền với lũ đã quen nhưng điều tôi và tất cả cư dân trong thôn thường trực lo lắng là những ngày lũ về nhỡ có ai trong làng sinh đẻ, ốm đau thì chỉ còn nước dùng thuyền chở ra bên ngoài, kể cả đêm hôm. Những đám tang mùa nước nổi, cả làng phải tập trung thuyền lại đưa tang. Thương cảm vô cùng!”, ông Khuyến nói.
Cũng theo ông Khuyến, trước đây cuộc sống nhân dân vất vả, 2 năm trước, chính quyền xã có quan tâm kêu gọi và đầu tư, nâng nền đường vào thôn Đồng Tiến cao lên để vào được “đảo”. Nhưng không hiểu sao, đến nay cũng chỉ mới làm được hơn 200 m thì dừng, còn khoảng 170 m nữa vẫn chưa được đầu tư. Nếu trời không mưa, không lũ lụt, nước không dâng thì bà con còn lội ra ngoài được, khi mưa xuống, nước từ thượng nguồn đổ về thì chỉ có đi thuyền.
Mua bán trên thuyền
Rời Đông Tiến, chúng tôi ngược lên phía thượng nguồn khoảng 5 km để đến nơi khởi thủy của dòng Hoàng Long ở làng Kênh Gà (nay đã chia thành 3 thôn, gồm: thôn 1, thôn 2 và thôn 3), xã Gia Thịnh, H.Gia Viễn. Nép mình bên cánh hữu sông Hoàng Long, dưới chân các dãy núi Lỗ Sôi, Đá Đen, Đá Bia, dân cư Kênh Gà cũng chẳng khác gì ở thôn Đồng Tiến, thường xuyên bị cô lập. Khoảng không giữa các dãy núi với dòng Hoàng Long nơi rộng nhất chỉ chừng 20 m, hẹp chỉ 8 m nhưng từng khóm dân cư thuộc làng Kênh Gà vẫn bám trụ, chịu sống chung với lũ, sống chung với cô lập. Để thích nghi với cuộc sống ở đây, người dân khi xây dựng nhà cửa đều tính toán làm sao cho nền nhà cao từ 2 - 3 m, tránh lũ gây ngập. Muốn vào làng, từ bao đời nay, người dân Kênh Gà phải đi thuyền qua sông.
Làng Đồng Tiến giữa dòng Hoàng Long Ảnh: Minh Hải
Đến Kênh Gà, điều khiến chúng tôi khó hiểu là tại sao ở nơi có cuộc sống khó khăn, đồng ruộng không có, các ngành nghề dịch vụ cũng không, thường xuyên bị chia cắt với bên ngoài lại có nhiều hộ gia đình nhà cao cửa rộng, cuộc sống khá giả hơn nhiều ở làng chài Đồng Tiến. Ông Trần Hoàng Anh, Trưởng thôn 3, làng Kênh Gà, lý giải rằng trước đây Kênh Gà cũng chỉ có vài hộ dân sống nghề sông nước, dần rồi đông đúc lên. Cũng vì sông Hoàng Long sâu, tàu thuyền hàng trăm tấn ra vào được nên phát triển ngành vận tải đường thủy. Ở đây có đến 90% bà con làm nghề vận tải đường thủy, thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng...
Ở Kênh Gà nay đất chật người đông, muốn tới trường học, trạm y tế người dân đều phải vượt sông ra trung tâm xã. Điều đặc biệt nữa là hoạt động mua bán thực phẩm, rau quả hằng ngày của người dân đều diễn ra trên thuyền, y như chợ nổi ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Bà Trần Thị Luyến (51 tuổi, ngụ xóm 3, làng Kênh Gà) đã gần 10 năm chèo thuyền bán rau, kể: “Hơn 10 năm trước, việc mua bán thực phẩm của người dân Kênh Gà rất khó khăn, không có điều kiện để ngày nào cũng ra trung tâm xã mua được nên tôi đóng thuyền chèo đi bán rau, thực phẩm cho người dân những ngày bình thường. Có đợt mưa nhiều, nước lũ đổ về, thuyền bán rau như tôi không thể đi lại trên sông khiến cả tuần dân làng không có rau mà ăn”.
Theo người dân Kênh Gà, những năm gần đây, do lũ đổ về mạnh nên phía dân cư ở bờ sông đang có hiện tượng ăn sâu vào khiến người dân lo lắng. Nếu không có biện pháp hữu hiệu về lâu dài, có thể một ngày nào đó đất ở Kênh Gà sẽ bị dòng Hoàng Long “nuốt chửng”, đe dọa tính mạng người dân.
Theo người dân Kênh Gà, những năm gần đây, do lũ đổ về sức chảy mạnh nên phía dân cư ở bờ sông đang có hiện tượng ăn sâu vào khiến người dân lo lắng. Nếu không có biện pháp hữu hiệu về lâu dài có thể một ngày nào đó đất ở Kênh Gà sẽ bị dòng Hoàng Long “nuốt chửng”, đe dọa tính mạng người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.