Nỗi khổ của người mua
Để mua được một căn hộ chung cư, mỗi khách hàng phải đặt trước vài trăm triệu đồng (khoảng 30% giá trị căn hộ) và thanh toán thành nhiều đợt tiếp theo cho đến khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng, do nhiều nguyên nhân đã có không ít dự án bị chậm tiến độ. Chẳng hạn như dự án nhà CT2 - Cầu Diễn II (huyện Từ Liêm), khu đô thị mới Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm), chung cư 16 tầng tại 262 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân)... Có những dự án được chủ đầu tư tiến hành khởi công khoảng 2 năm (như chung cư 28 tầng tại Làng Quốc tế Thăng Long, quận Cầu Giấy) mà đến nay vẫn chưa xong móng. Ấy vậy mà, từ năm ngoái, trên thị trường đã rục rịch rao bán một số căn hộ tại chung cư này.
Vì thế, vô hình chung, khách hàng trở thành "con nợ". Một khách hàng giấu tên cho hay: "Tôi vay ngân hàng 200 trăm triệu đồng (với mức lãi suất là 0,8%/tháng) để nộp cho chủ đầu tư. Vậy thì tính hàng tháng vợ chồng tôi phải trả lãi ngân hàng hơn 1 triệu đồng, một năm cũng gần 20 triệu đồng chứ có ít đâu. Mà nhà thì đợi mãi chưa được vào ở".
Anh Nguyễn C., ở Cầu Giấy tâm sự: "Số mình vẫn "hên", năm 2004 vay tiền để đặt cọc mua một căn hộ chung cư tại đường Phạm Văn Đồng. Cũng may là không vay được, chứ hơn 1 năm nay mà "gánh lãi" thì oải lắm".
Trên thực tế, nhiều người ký được hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư thì còn "ngậm bồ hòn làm ngọt" chứ những người mua "qua tay" thì càng lắm bức xúc.
Vẫn thiệt đủ đường
Quan điểm mà các nhà sản xuất kinh doanh đặt ra là đều coi "khách hàng là thượng đế". Nhưng xem ra, trong lĩnh vực này, thượng đế chỉ còn cách "xuống nước" trước những yêu cầu của chủ đầu tư là người bán.
Theo nội dung dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư nhất thiết phải làm xong hạ tầng, xây xong móng mới được huy động vốn theo đúng quy định của Quy chế Khu đô thị mới. Còn hình thức huy động thế nào thì nên để chủ đầu tư và khách hàng tự thỏa thuận vì đó mới chính là quy luật thị trường. Đi kèm với tỷ lệ huy động vốn thì phải có bảng chiết khấu để khách hàng được lựa chọn phương thức ký hợp đồng và bảng chiết khấu này phải được niêm yết công khai. Nếu như khách hàng nộp luôn 100% tiền giá trị căn nhà thì sẽ được chủ đầu tư giảm tiền mua nhà; nộp 70% thì được giảm tiền mức độ vừa phải và nếu chỉ nộp 30% thì chiết khấu là không đáng kể.
Theo lý giải của ban soạn thảo, làm như vậy, thay vì lãi suất lẽ ra chủ đầu tư phải trả nếu vay ngân hàng để làm khu đô thị thì sẽ được trả thẳng cho người mua nhà, hai bên đều có lợi.
Nhiều DN cho rằng hiện người có nhu cầu mua nhà thực sự là rất nhiều. Do đó, nên để thị trường điều tiết theo quy luật cung - cầu chứ không nên ép hoặc cấm. DN nào có uy tín thì "hút" được nhiều khách hàng, còn DN làm ăn thiếu đứng đắn sẽ bị thị trường loại bỏ.
Điều quan trọng nhất là luật pháp phải đề ra được khung chế tài để quản lý và xử lý nếu chủ đầu tư vi phạm về chất lượng. Mức xử phạt cụ thể thế nào sẽ được thể hiện rõ trong hợp đồng kinh tế. Còn về tiến độ, "nhỡ" mà chủ đầu tư thất hứa - không bàn giao nhà đúng tiến độ thì phần lãi suất (tính theo lãi suất ngân hàng Nhà nước) mà khách hàng chịu, chủ đầu tư liệu có "gánh đỡ" cho không?
Theo Kinh Tế Đô Thị
Bình luận (0)