Mua nhà đang có người thuê, phải kiện ra tòa đòi lại ?!

28/07/2019 09:40 GMT+7

Ông N.T.Y (ngụ Q.2, TP.HCM) mua nhà mặt tiền ở đường Phó Đức Chính (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM). Thế nhưng, gần 2 năm nay gia đình ông vẫn không vào được nhà vì bị người đang thuê nhà ngăn cản.

Nhiều trường hợp bỏ hàng chục tỉ đồng mua nhà nhưng lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” không thể vào ở vì... người thuê với chủ trước “cố thủ”, không trả nhà.
Thực tế trên đang cho thấy pháp luật có những “kẽ hở” khiến nhiều người lợi dụng để hưởng lợi từ tài sản không phải của mình, trong khi chủ tài sản chịu cảnh thiệt đơn thiệt kép.

Chủ nhà nhưng không được... vào nhà

Theo đơn ông N.T.Y (ngụ Q.2, TP.HCM) phản ánh với Thanh Niên, cuối năm 2017, ông mua căn nhà mặt tiền ở đường Phó Đức Chính (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) của bà H.M.H với giá 19,5 tỉ đồng. Sau đó, ông làm thủ tục sang tên, nhập khẩu cả gia đình vào căn nhà này để sinh sống. Thế nhưng, gần 2 năm nay gia đình ông vẫn không vào được nhà vì bị bà L.T.M.H ngăn cản.
“Thấy quá vô lý, tôi làm đơn tố cáo bà L.T.M.H về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác; đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp yêu cầu bà này giao nhà. Tôi cầm đơn kêu cứu khắp nơi, từ UBND P.Nguyễn Thái Bình, UBND Q.1, TAND Q.1, Công an Q.1, Viện KSND Q.1 nhưng đến nay chưa được giải quyết và tôi vẫn chưa được vào nhà của mình. Trong khi đó, hằng tháng tôi phải trả 190 triệu đồng tiền vay ngân hàng để mua căn nhà này; còn bà L.T.M.H chiếm toàn bộ căn nhà, sử dụng tầng trệt buôn bán thu lợi”, ông Y. bức xúc.
Phía bà L.T.M.H cho hay năm 1997 bà thuê một phần tầng trệt căn nhà của bố mẹ bà H.M.H. Năm 2014, bố mẹ bà H.M.H mất; bà L.T.M.H ký hợp đồng thuê nhà (không công chứng) với những người cháu của bà H.M.H; thời hạn thuê đến tháng 8.2016. Bà L.T.M.H xác nhận từ cuối năm 2016 đến nay, bà không ký hợp đồng thuê nhà cũng như không biết trả tiền thuê nhà cho ai; nhưng do những người cháu của bà H.M.H còn nợ bà hơn 3,5 tỉ đồng nên khi nào được trả hết nợ cùng việc có bản án của tòa buộc bà rời khỏi nhà thì bà mới di dời.
Về những thông tin bà L.T.M.H đưa ra, ông N.T.Y cho biết khi mua căn nhà, bà H.M.H khẳng định với ông không cho bà L.T.M.H thuê và việc bà H. thuê từ những người cháu đã hết hạn từ lâu. “Tôi chỉ nghĩ, lúc mua căn nhà đó nếu tôi không cho bà L.T.M.H thuê thì buộc bà này phải trả nhà cho tôi và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tôi di dời bà H. ra khỏi căn nhà. Tôi không nghĩ mọi chuyện lại phức tạp và rắc rối như thế này”, ông Y. nói.
Tương tự, ông T.H.H.B (47 tuổi, ngụ Q.5) từng đến Báo Thanh Niên gửi đơn kêu cứu về việc vợ chồng ông mua căn nhà mặt tiền ở đường Ký Hòa (P.11, Q.5) của bà V.T.M.Tr (ngụ Q.5) vào ngày 28.11.2018 với giá gần 11,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, lúc nhận nhà thì có một người đang ở trong căn nhà trưng ra hợp đồng thuê nhà 15 năm (bắt đầu từ năm 2017) và đã đưa trước 2 tỉ đồng với bà Tr.
Ông B. liên lạc với bà Tr. (đã định cư nước ngoài), bà này khẳng định không ký hợp đồng cho người khác thuê. Bức xúc, ông B. nhờ cơ quan chức năng giải quyết thì được hướng dẫn... kiện ra tòa. “Ngại kiện ra tòa kéo dài thời gian và áp lực trả tiền lãi suất ngân hàng (vì vay tiền ngân hàng mua nhà - PV), tôi buộc phải bán căn nhà lại cho bên thuê với giá 10 tỉ đồng, trong khi đó giá thị trường hiện nay 14 - 15 tỉ đồng”, ông B. nói.

Muốn lấy nhà, phải đi kiện !

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Quang Huy, Viện trưởng Viện KSND Q.1, cho rằng hành vi của bà L.T.M.H không có dấu hiệu của tội “xâm phạm chỗ ở của người khác”, bởi bà L.T.M.H là người thuê nhà trước đó; ông Y. là người mua nhà sau. Vì vậy, nếu ông Y. muốn lấy nhà thì phải kiện giao tài sản bằng “con đường tòa án”.
Còn theo luật sư (LS) Vũ Quang Đức (Đoàn LS TP.HCM), những trường hợp như trên ở một số nước, nếu chủ sở hữu hợp pháp có căn cứ pháp lý rõ ràng thì sẽ có một phiên tòa rút gọn, phán quyết nhanh trong vòng 2 - 3 ngày và cưỡng chế di dời người ở bất hợp pháp ra khỏi nhà. “Ở nước ta, một vụ án có thể kéo dài vài năm, có khi chục năm, nên người dân rất “ngại” khởi kiện, trong khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm rõ ràng”, LS Đức nói.
LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng trong trường hợp xảy ra tranh chấp phải kiện ra tòa và việc này khiến chủ nhà sẽ... rất mệt mỏi. “Để tự bảo vệ mình, tránh việc cho thuê rồi không đòi được nhà, bên cho thuê nên ghi trong hợp đồng những quy định ràng buộc chặt chẽ. Chẳng hạn, nếu bên thuê chậm bàn giao mặt bằng, có tranh chấp mà sau đó tòa xác định buộc giao nhà thì bên thuê phải trả gấp đôi giá thị trường cho quá trình chậm bàn giao. Đồng thời, quy định cả mức phạt khác, để bên thuê không lợi dụng kéo dài thời gian trả nhà và hưởng lợi từ mặt bằng thuê”, LS Công khuyến cáo.

Trầy trật đòi lại nhà cho thuê

Bà P.T.T (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết năm 2010 bà cho thuê một căn nhà trên đường Hàn Thuyên (Q.1), thời hạn thuê 4 năm. Tuy nhiên, bên thuê nhà chỉ trả tiền thuê được 2 năm thì ngưng và không chịu trả nhà dù thời hạn hợp đồng thuê đã hết. Năm 2014, bà bắt đầu khởi kiện đòi nhà và mãi đến năm 2016 vụ kiện kết thúc, tòa buộc bên thuê trả nhà, sau đó thi hành án phải cưỡng chế thì bên thuê mới giao nhà.

Chưa ghi nhận trường hợp tòa xét xử theo thủ tục rút gọn

Một lãnh đạo TAND TP.HCM cho rằng quá trình thụ lý vụ án dân sự, nếu thấy vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú rõ ràng... thì tòa án có thể giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, xét xử trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử. Tuy nhiên, vị thẩm phán này cũng thừa nhận tại TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp nào tòa xét xử theo thủ tục rút gọn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.