Điều quan trọng làm thay đổi thói quen này là vì việc mua nước đóng bình còn nhanh hơn cả đun ấm nước “siêu tốc”. Tại Hà Nội thậm chí chỉ cần nhấc điện thoại lên thì chưa đầy 3 phút sau có người phục vụ nước tận nơi. Chính sự tiện dụng “khi cần là có, khi muốn là được” đã làm thay đổi thói quen đun nước hàng chục năm nay của nhiều gia đình. Chị Đoàn Kim Vũ (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, ngày nào cũng phải đun đủ 3 ấm nước. Có khi bận quá lại quên hoặc đang đêm hết nước, khát cũng phải dậy đun nước, dù có dùng ấm siêu tốc nhưng vẫn phải chờ nước nguội rồi mới uống nên rất bất tiện, nhất là vào mùa hè. Bây giờ giá điện, giá gas đều tăng cao thành ra việc mua nước đóng bình về uống là giản tiện nhất”.
Nắm bắt cơ hội kinh doanh, gần 20 năm trước, một số DN nước ngoài đã nhanh chóng nhảy vào chiếm lĩnh thị trường nước uống đóng chai. Nước khoáng Lavie (Nestlés) và nước tinh khiết Aquafina (Pesico) là 2 tên tuổi ngoại nhập có độ phủ sóng trên toàn quốc. Tiếp sau là các thương hiệu nước uống trong nước như: Vital, Vĩnh Hảo, Thạch Bích, Sapuwa... Mặc dù “trăm hoa đua nở”, nhưng thị trường nước uống đóng chai có sự phân khúc rất rõ. Loại nước uống cao cấp có giá bán lẻ từ 4.000-6.000 đồng/chai 500ml, 40.000-46.000 đồng/bình 19 lít chuyên sử dụng cho các cuộc hội thảo, hội nghị, du lịch, thể thao, làm nước uống, nước nấu ăn, pha trà, cà phê và các loại nước giải khát... như Lavie, Aquafina, Vital... Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn cơ sở sản xuất nước khoáng và tinh khiết nhỏ lẻ khác trải rộng khắp các tỉnh thành, phục vụ mọi đối tượng. Loại bình dân giá rẻ chỉ bằng 1/3 các thương hiệu uy tín, được dùng nhiều trong các bếp ăn tập thể, công nhân, sinh viên...
Sự phủ sóng của nước uống đóng chai trên các phương tiện truyền thông đã góp phần thay đổi thói quen của người Việt. Không chỉ ở các hộ gia đình, đến nay hầu hết các văn phòng, công sở đều mua nước uống thay thế đun sôi. Giờ đây, từ bệnh viện, trường học, cơ quan, xí nghiệp... đều mua nước đóng bình, đóng chai. Bác T.T.N, nhân viên tạp vụ tại một trường tiểu học ở Q.Thanh Xuân cho hay: “Trước đây, nhà trường tiết kiệm bằng cách đun nước sôi để nguội cho các cháu uống. Việc học sinh uống nước không hết để từ ngày này sang ngày khác là điều không tránh khỏi, nên rất không tốt”.
TS Vương Tuấn Anh, khoa Vi khuẩn (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) cũng phân tích, nước sôi nấu và để nguội chỉ nên uống hết trong ngày. Bởi để nước lâu ngày sẽ dễ xảy ra tình trạng vi khuẩn xâm nhập. Một số khảo sát cụ thể cho thấy nước sôi để lâu ngày sẽ bị vi khuẩn có trong môi trường xâm nhập gây mất vệ sinh.
Chị Nguyễn Phương Thảo (nhân viên một công ty truyền thông), chia sẻ thêm: “Bác sĩ khuyên, phụ nữ muốn có làn da không bị khô, bị nhờn uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Nếu dùng cốc, rất khó đếm đủ ngày phải uống bao nhiêu cốc. Nhưng với cách đặt chai nước 0,5 lít trên bàn làm việc, chính là cách nhắc nhở mình thói quen uống nước hằng ngày. Việc cung cấp đủ nước sẽ giúp đào thải những tạp chất độc hại cũng như giúp cải thiện làn da đáng kể”.
Hải Bình
>> “Sạch” mà vẫn bẩn!
>> Đình chỉ cơ sở nước "bẩn" chuyên cung cấp cho bệnh viện, trường học
>> Hoảng loạn mua nước đóng chai tích trữ
Bình luận (0)