Chớp rạch ngoằn ngoèo phủ lên ngôi làng nằm thom lom giữa một vùng đồi núi. Rồi sau tiếng sấm rền trầm như vỡ từ lòng núi mà người ta vẫn gọi sấm đất là mưa. Mưa từ chiều sang tối, mưa hết hôm nay và hôm mai nữa. Cứ thế mùa mưa ở Lũng Sơn bắt đầu.
Phương nhìn mưa đổ rào rào, ở chỗ lá cọ to rũ xuống luồng nước vạt như lưỡi kiếm. Dãy nhà nội trú vừa mới xây được vài năm đã loang lổ những vệt ố dài của rêu rừng bén lên, cho dù được cạo vẫn còn vết chân rêu bám rễ. Từ bên đây ngó sang căn bếp lợp tranh, Phương có thể thấy khói bếp quẩn trên mái, dường như không tụ nổi dưới sức nén dữ dội của mưa, vẩn là là rồi tan nhanh như khí núi.
2. Hôm đầu tiên Phương về trường trời nắng ráo, con đường đất đỏ cheo leo nối từ thị trấn qua làng rồi chếch lên Nậm Nưa không đủ để cô sinh viên mới tốt nghiệp hình dung khi những cơn mưa trút xuống biến chúng thành bẫy bùn lầy khủng khiếp ra sao. Lũng Sơn là điểm trường lẻ, trước khi Phương đến chỉ có hai giáo viên cắm bản. Nhìn trảng bụi đỏ đổ dài trên con dốc, Huấn hỏi:
minh họa: tuấn anh |
“Em chắc chứ?”
“Em chắc”. Phương cười rồi phóng tầm mắt về phía xa, vượt qua cánh rừng, vượt qua cả đỉnh Nậm Nưa.
Lần khác Huấn hỏi lại câu đó là khi chăm Phương ở trạm sau lần sốt rét đầu tiên, lúc Phương vào rừng hái nấm giúp cô bé học sinh người Nùng.
“Mé (*) nói bán được ba gùi nấm là đủ mua bóng tích điện học khi trời tối phải không cô?”. Con bé thẽ thọt bằng tiếng Kinh khi nó nán lại chơi quẩn quanh với Phương sau giờ tan học.
“Chắc vậy, hay để hôm nào cô mua cho Nhinh nhé”. Phương vo gạo dưới vòi nước. Người ta nối những thân nứa từ một mạch ngầm trên khe núi cao về tận đây, đó là thứ nước trong vắt và lạnh, chảy suốt đêm sang ngày như suối nguồn bất tận và bình thản.
“Mé nói con cần nhiều thứ lắm. Cô Phương không mua hết được. Nhinh tự làm, tự mua”.
Chủ nhật ấy Phương không về nhà mà đi rừng cùng Nhinh. Rừng Lũng Sơn tháng mười ẩm ướt và ngai ngái mùi lá mục. Những nụ nấm mối nằm ẩn mình dưới lá khô tạo thành lớp vỏ ngụy trang hoàn hảo, đâu đó một mũ nấm lỡ mình bung vội tán làm lộ ra cả trận địa búp nấm đang cuộn lại như chiếc ô cụp, Phương chỉ việc cạy chúng lên bỏ vào gùi. Khi chiếc giỏ được lưng nửa thì mây đen kéo đến. Phương và Nhinh vội vã vịn vào các thân cây nhỏ tuột theo đường dốc xuống chân núi. Gió thổi mỗi lúc càng mạnh. Mưa đến rất nhanh. Cơn mưa dữ dội đâm xuyên qua cánh rừng xanh thẳm lúc này đã trở nên âm u lạnh lẽo. Hai cô trò nấp dưới một tán cọ lớn. Nhinh hớt hải cởi vội tấm áo mặc ngoài chùm qua gùi được tháo đặt trước bụng. Nhìn con bé mười ba tuổi gầy nhỏng nheo ướt sũng ngồi tho lo ôm chặt gùi nấm sao khỏi ướt mà Phương thấy xót xa. Phương nhớ đến tụi nhỏ hàng xóm dưới phố, đứa sáu tuổi mẹ đút ăn mỗi bữa, đứa năm tuổi chỉ thích gấu bông. Những đứa trẻ được quyền lựa chọn. Ở đây Nhinh và các bạn chỉ mong sao ăn đủ no và được đến trường.
“Khéo ốm nha Nhinh”. Phương cởi áo khoác choàng lên con bé.
Ấy thế mà người đổ bệnh là Phương. Cơn mưa rừng chiều muộn đưa Phương đến trạm xá sau một ngày. Lúc Phương tỉnh thức thì thấy Nhinh mắt đỏ hoe, chị Lài dạy cùng trường xoa đầu Nhinh. Huấn lên trạm từ trưa. Y sĩ điều trị đang trò chuyện gì đó với anh.
“Khó khăn lắm đồng chí ạ, giáo viên thiếu, y bác sĩ càng không có...”. Qua tấm rèm kéo đã hơi ngả màu cỏ úa, Phương lõm bõm nghe câu được câu mất.
Thấy Phương tỉnh, Huấn quay lại ngồi xuống cạnh giường.
“Ổn rồi. Lần sau em phải cẩn thận hơn nhé”. Anh nắm nhẹ tay Phương, xoa cho ấm. “Rừng thiêng nước độc, có chắc em muốn ở lại đây không?”.
Phương khẽ gật đầu. Huấn đang học đại học y. Hai người quen nhau lúc Huấn lên thị xã thuê trọ ngay nhà bố mẹ Phương để ôn thi lại sau năm đầu không đỗ nguyện vọng. Ngày Phương quyết định xin về dạy ở vùng rẻo cao này với tấm bằng xuất sắc, bạn bè đều cho Phương là gàn dở. Huấn phản đối quyết liệt.
“Em chạy chi lên nơi thâm sơn cùng cốc cho cực thân. Dạy đâu gần nhà, đợi hai năm anh học xong rồi mình cưới”.
“Con hãy tin vào lựa chọn của mình”. Chỉ có bố Phương nói vậy. Chỉ có bố Phương biết được lời hứa của con gái với một đứa trẻ đã buộc túi cơm vào cổ, nắm đuôi trâu nổi theo leo giữa con nước đục chảy xiết mang đến cho Phương, lúc đó đang là sinh viên tình nguyện ở bản cao bị cô lập bởi đường sụt do lũ quét qua một tuần mưa. “Cô Phương nhớ quay lại đây với tụi con nhé. Cô đừng nói dối. Nhiều người bảo vậy nhưng không trở lại lắm”. Đứa trẻ ấy chính là Nhinh, và Phương đã ở đây, giữa Lũng Sơn thẳm xanh tĩnh lặng.
3. Có những câu hỏi bật lên tại một hoàn cảnh nào đó, rất tự nhiên như thể nó đã nằm sâu trong tâm khảm của người chất vấn, như thể dây đàn cuối cùng ngân lên kết thúc cho một bản hòa tấu. Cái khúc ngân ấy lặp lại vào một ngày Huấn chở Phương tới bản Lình. Mấy hôm rồi lớp học thưa lưa, có đứa bảo các bạn nghỉ hết rồi, Nhinh cũng thế. Pá mé (**) bắt lấy chồng cô ơi. Thầy Trường chở cô Lài tìm sang bản Xá nơi mấy em nghỉ học, bên này Phương định tự đi sang nhà Nhinh thì vừa lúc Huấn lên thăm. Huấn nhăn nhó, thôi anh chở.
Bữa trước trời mưa, mưa Lũng Sơn dường như muốn thử lòng người kiên nhẫn được bao lâu. Khi xe chạy tới khúc cua một bên suối thì bất ngờ trượt phải ổ lầy. Xe đổ nghiêng, bánh không bám được vào đoạn đường trơn trượt, truồi xuống dưới kéo theo cả Phương và Huấn. Người xe lao vun vút xuống suối. Huấn cố bấu vào cây cối ven dốc nhưng chỉ có cỏ lút ngập bùn bởi trâu bò giẫm lên lúc này cũng nhầy như bôi mỡ. May trong một tích tắc khi chiếc xe quay ngang, bàn đạp chân mắc vào gốc hoành tử cụt sát mép suối, nhờ vậy mà hai người thoát hiểm nguy trong gang tấc.
Sau cái khoảnh khắc hú hồn ấy, sau cái im lặng khi biết cả hai không sao, Huấn vò những vụn bùn vỡ bám trên quần ném xuống dòng nước đang đục ngầu cuộn xoáy.
“Em có nghĩ mình lựa chọn đúng?”.
Phương không nói gì.
“Không phải vì những chuyện thế này…”.
Phương nhìn xuống chân, một chiếc dép rơi xuống suối, chiếc còn lại đứt quai. Đôi chân trần đã quen men vào mép sỏi sau gần hai năm lội qua những con suối cạn đi vận động các em học sinh đến trường, quen cách bấm đầu ngón cái xuống đất đỏ như người Lũng Sơn cho khỏi trượt khi đường trơn đến thăm nhà các em nhỏ. Bây giờ Phương biết đôi chân ấy sẽ tiếp tục dẫn cô đến bản Lình, cho dù có Huấn đi cùng hay không nữa.
“Anh Huấn ạ, có lẽ người cần tìm câu trả lời đâu phải là em”.
Dưới bóng rừng ẩm ướt, có hai người lặng lẽ bên con suối vẫn chảy ồ ồ những thanh âm của một bản nhạc kỳ lạ mà day dứt.
4. Nhưng khi khúc nhạc ngừng chính là lúc thính giả chẳng ngờ được những cung bậc cảm xúc có thể đổi thay ra sao. Phương cũng vậy. Đã bốn tháng Huấn không còn hỏi Phương. Anh cũng không lên thăm Phương nữa. Những câu nhắn qua điện thoại trở nên bâng quơ, nhạt tuếch.
Đôi lúc Phương thấy cô đơn đến lạ. Nhiều đêm nằm nghe côn trùng kêu rỉ rả giữa rừng khuya âm u chỉ có tiếng nước chảy ngoài mõ nứa, Phương chợt nhớ đến thao thiết hơi ấm từ một cái nắm tay của Huấn. Giá mà anh hiểu được cho cô, nhưng chẳng thể nào khác được. Mỗi người có một lối đi riêng và lối đi của Phương được rải lên từ niềm hạnh phúc nhỏ bé khi thấy các em học sinh ở nơi thiếu thốn và khó khăn này vẫn được đến trường, là niềm vui khi thấy Nhinh và các bạn thoát khỏi tảo hôn quay trở lại lớp học.
Hôm Huấn tốt nghiệp Phương xin nghỉ dạy xuống thị xã. Cô ghé tặng anh bó hoa rồi đi.
“Chúc mừng anh!”. Phương đưa bó hoa. Một bó dã quỳ.
Huấn định nói điều gì đó nhưng anh ngập ngừng:
“Cảm ơn em!”.
“Em phải về rồi, chiều nay có buổi dạy…”.
Phương định kể nhưng cô không chắc liệu Huấn có muốn nghe. Phương quay đi để lại Huấn bần thần với bó hoa vàng rực.
5. Phương đi men qua bức tường chỗ mái tranh lợp nối giữa dãy nhà học và căn bếp. Chị Lài đang nấu ăn cho mấy gia đình nội trú ngày mưa. Mưa vẫn dày hạt, tiếng mưa đập vào cánh rừng rào rạt. Mấy hôm mưa lớn có sạt đất phía bên kia núi, chỗ nào có điện đều bị ngắt cả. Phương đoán ở nhà mọi người cũng lo lắm nhưng điện thoại hết pin nên chưa gọi về được. Có tiếng xe máy nổ bồm bộp trong mưa mỗi lúc càng to dần. Một bóng xe chạy vào sân nội trú.
“Em ổn chứ?”. Đó là Huấn, cả người anh ướt sũng, bùn bết đến tận mũ bảo hiểm.
Đột ngột quá, Phương đứng sững người, cô không nghĩ sẽ gặp anh lúc này, thời gian qua có những lúc tưởng anh đã trở thành xa lạ.
“Anh lo quá, nghe nói có sạt đất mà điện thoại em không liên lạc được”.
“Em không sao” - Phương nói run run.
Huấn bước lên thềm. Anh nắm lấy tay Phương.
“Anh xin lỗi, anh đã suy nghĩ rất nhiều thời gian qua, về em và lựa chọn của chính mình. Anh sẽ nộp đơn xin về làm bác sĩ tại trạm xá Lũng Sơn, hôm gặp em anh chưa nói với gia đình nên không dám báo trước điều gì cả”.
Phương nghe mắt cay xè, những giọt nước lăn trên gò má. Huấn siết chặt tay Phương. Mưa Lũng Sơn ướt mà ấm thế.
(*), (**): Pá, mé: Bố, mẹ trong tiếng Nùng
Gia hạn nhận bài dự thi SỐNG ĐẸP lần II đến hết ngày 30.9.2022
Được phát động từ ngày 26.3.2022, cuộc thi viết Sống đẹp lần II do Báo Thanh Niên tổ chức, với sự đồng hành của Tôn Đông Á và One IBC, đã nhận được ngày càng nhiều bài dự thi chất lượng. Thời gian qua, nhiều câu chuyện người tốt việc tốt, những gương mặt truyền cảm hứng, những nghĩa cử vì cộng đồng đã được lan tỏa trên các kênh Báo Thanh Niên. Nhằm đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, BTC quyết định gia hạn nhận bài dự thi đến hết ngày 30.9.2022.
Cuộc thi tiếp tục là dịp để người Việt trong và ngoài nước gửi gắm, chia sẻ, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, tinh thần sống đẹp - quên mình, tình nguyện, xung phong, những nghĩa cử “thương người như thể thương thân”, góp phần truyền dẫn thêm những năng lượng tích cực để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, lần này có thêm một thể loại dự thi là truyện ngắn.
Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam (không giới hạn độ tuổi) đều có thể tham dự gửi bài viết. CBCNV, cộng tác viên Báo Thanh Niên và đơn vị tài trợ được tham gia hưởng ứng và nhận nhuận bút theo quy định nhưng không được xét giải.
Thể loại:
- Ký sự, phóng sự, ghi chép
- Truyện ngắn
Nội dung bài viết dự thi:
- Với thể loại ký sự, phóng sự, ghi chép: Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực.
- Với thể loại truyện ngắn: Được sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc, nghĩa cử... có thật hoặc hư cấu; nội dung lan tỏa cảm hứng sống đẹp.
Quy cách bài viết dự thi:
- Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) dưới 1.600 chữ với phóng sự/ký sự/ghi chép và dưới 2.000 chữ với truyện ngắn;
- Bài viết dự thi thể loại ký sự, phóng sự, ghi chép bắt buộc phải có hình ảnh hoặc video nhân vật kèm theo; với thể loại truyện ngắn khuyến khích gửi kèm hình minh họa, chú thích rõ nguồn;
- Bài viết dự thi (bao gồm cả hình ảnh/video, hình minh họa) là sáng tác chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào, chưa được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi cuộc thi kết thúc;
- Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và không vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam;
- Bài viết có thể đánh máy, in trên giấy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4;
- Bài viết gửi về phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại;
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều bài viết, ở cả 2 thể loại nhưng phải thống nhất chỉ họ tên hoặc bút danh.
Hình thức gửi bài dự thi: Gửi qua địa chỉ email chương trình: [email protected] hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết SỐNG ĐẸP 2022); thời hạn: đến hết ngày 30.9.2022.
Giải thưởng:
* Với thể loại: Ký sự, phóng sự, ghi chép
- Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
01 giải nhất: Trị giá 30.000.000 đồng.
02 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
03 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
05 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
01 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng
01 giải bài viết truyền cảm hứng Sống đẹp (có thể không dành riêng nhân vật nào): Trị giá 5.000.000 đồng
- 05 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
* Với thể loại: Truyện ngắn
01 giải nhất: Trị giá 30.000.000 đồng.
01 giải nhì: Trị giá 20.000.000 đồng.
02 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
04 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Bình luận (0)