Khoảng 70 cá thể voọc chà vá chân xám được chia thành 6 đàn, sống trong các dải rừng hẹp sót lại trên đỉnh núi đá ở khu vực núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông, Dương Bản Lầu ở thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn (xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành, Quảng Nam).
Nhưng khu vực mà loài linh trưởng này trú ngụ bó hẹp còn khoảng 30ha thuộc rừng nghèo, hẹp trên núi đá, chiều ngang dao động khoảng 50-150m, lại bị chia cắt bởi rừng sản xuất xung quanh. Những đồi keo (rừng sản xuất) này còn gây chia cắt sinh cảnh tự nhiên khoảng 7 - 10km, chưa kể rừng keo không phải là thức ăn của loài voọc.
|
Kết quả khảo sát vừa công bố của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đang khiến những chuyên gia bảo tồn lo lắng. Nhất là khi quần thể voọc ở Tam Mỹ Tây là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên.
|
Đối diện cơ hội lớn để bảo tồn đàn voọc và phục vụ cho sự phát triển bền vững thông qua mô hình du lịch sinh thái, văn hóa địa phương, nhưng Quảng Nam cũng sẽ phải tìm cách mở rộng sinh cảnh loài voọc. Đề án tổng thể bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh được xem là hướng “tháo gỡ” mới.
Dựa vào cộng đồng
Đề án do GreenViet phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam thực hiện, dựa trên sự chung tay của Dự án Trường Sơn Xanh (thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) và Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển. Theo đề án, tỉnh Quảng Nam sẽ thu hồi, mua lại 30ha rừng đang là nương rẫy của người dân nhằm bảo đảm có tối thiểu 60ha sinh cảnh sống cho đàn voọc.
Khoảng 90ha rẫy trồng keo của người dân xung quanh cũng sẽ trở thành vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái bằng cách trồng lại cây bản địa, tạo thêm không gian sống cho loài voọc. Khu vực này sẽ đặt dưới sự quản lý chung của nhà nước và cộng đồng, với định hướng kết hợp bảo tồn gắn liền du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế người dân.
Có được “ngôi nhà” ổn định, đàn voọc chà vá chân xám (khoảng 70 cá thể) sẽ được bảo tồn nguyên vị, tiến tới phát triển dần số lượng từng năm. Cảnh quan, môi trường xung quanh cũng được bảo vệ, cùng với việc gìn giữ nguồn gen động vật quý hiếm đặc hữu. Hiểm họa mà đàn linh trưởng đối diện lâu nay, như thiếu thức ăn, chỗ ở, chịu tác động bởi thiên tai, thoái hóa nguồn gen, con người xâm hại… được tháo gỡ dần dần.
Ông Phan Đình Dung, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, cho biết để bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám, địa phương đã thành lập tổ bảo vệ cộng đồng. Bất kể nắng mưa, các thành viên của tổ tuần tra thay phiên nhau vào rừng đếm số lượng cá thể, quan sát, ghi hình từng động thái của voọc, nhắc nhở người dân vào rừng làm keo, hái phong lan hay lấy mật ong hết sức chú ý không xâm hại chúng. Địa phương cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân cấm đặt bẫy, săn bắn voọc. “Cùng với danh thắng hố Giang Thơm, việc bảo tồn đàn voọc quý hiếm sẽ giúp địa phương có cơ hội phát triển du lịch cộng đồng”, ông Dung nói.
Voọc chà vá chân xám (tên khoa học Pygathrix cinerea) phân bố ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam này cực kỳ quý hiếm, nằm trong danh sách 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 1.000 cá thể.
|
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng muốn phát triển, bảo vệ đàn voọc cần tuyên truyền cho người dân hiểu về sự nguy cấp của loài linh trưởng này. Đàn voọc đang sinh sống trong phạm vi quá nhỏ và bị chia cắt bởi các rừng keo. “Việc bảo tồn loài voọc chà vá chân xám phải dựa vào cộng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện đề án, thông qua việc mô tả, thể hiện trên bản đồ, số hóa địa giới khu bảo tồn loài voọc chà vá chân xám…”, ông Bửu nhấn mạnh.
Bình luận (0)