Mưa Sài Gòn không chỉ ‘đặc sản’ kẹt xe ngập nước

19/05/2019 21:26 GMT+7

Sống ở Sài Gòn đã 10 năm rồi, cũng quen với cái đỏng đảnh của thời tiết 'sáng nắng chiều mưa, trưa trưa ẩm ướt”, chị Chị Trần Phương Chi (35 tuổi) không cáu gắt với mùa mưa Sài Gòn, ngược lại chị đã chuẩn bị sẵn sàng sống chung với mùa mưa.

“Ví dụ như là luôn luôn có bộ áo mưa, loại trùm được cho hai người để nếu có đón con buổi chiều thì hai mẹ con đều không ướt. Trong cốp xe lúc nào cũng có đôi dép xỏ ngón, để mưa một cái là bỏ giày cao gót hay giày thể thao ra, mang dép xỏ ngón vào ngay, thoải mái lội nước những đoạn đường ngập. Tôi làm freelancer trong ngành truyền thông, không bó buộc ở công sở nên có thể linh hoạt thời gian, hạn chế được khoản mưa rơi trên đầu, kẹt xe dưới chân”, chị Chi nói vui.
Mưa là dịp để mọi người có những phút giây lắng đọng... Lai Thượng Hưng
Mưa Sài Gòn, với nhiều người trẻ là những câu chuyện dở khóc dở cười. Phan Văn Nam, kinh doanh quần áo ở quận 1, TP.HCM chia sẻ: “Đôi khi đường này thì vẫn nắng chang chang, đi qua một con đường khác thấy râm râm, âm u, đi qua con đường khác nữa là đã thấy mưa rồi. Lụp bụp vài hạt lớn rồi bỗng mưa tầm tã. Không kịp rút áo mưa trong cốp xe ra là ướt ngay. Có lần tôi đang đi trên cầu, cuối giờ chiều, đang tắc đường, mưa đổ xuống ầm ầm, không dám dừng xe để mặc áo mưa nữa vì xe cộ quanh mình kín mít, thế là đành ướt sũng”.
Thế nhưng, hỏi có nhớ, có thương Sài Gòn hơn, từ những cơn mưa không, câu trả lời của nhiều người trẻ là có.
Thị thành ập xuống cơn mưa/ Ấy ơi đã có ai đưa đón về
... Sài Gòn đã dứt cơn mưa/ Buồn thương ngày cũ vơi chưa hay buồn

Mưa Sài Gòn là một niềm cảm hứng để Lai Thượng Hưng (30 tuổi, ở quận 12, TP.HCM) làm nên những dòng thơ. Với Hưng, mưa Sài Gòn cho người trẻ nhiều trải nghiệm, dù đôi lúc nó có làm mình ướt áo: “Tôi còn nhớ vài năm trước, mình làm việc bên quận 7, nhà ở tít quận 12, hôm đó Sài Gòn mưa tầm tã. Bình thường 6, 7 giờ tối là tôi đã có mặt ở nhà rồi, hôm đó 9 giờ mình vẫn loay hoay trên đường vì mưa lớn, đường ngập khắp nơi. Ngẫm lại cũng là một trải nghiệm”.
Lai Thượng Hưng cũng cho rằng, đừng nhìn trời mưa ở những góc nhìn bi quan như kẹt xe, ngập nước, đôi khi hãy nghĩ lạc quan rằng đây là cơ hội để người ta có thể làm những điều ngọt ngào cho nhau. “Ví dụ như pha một bình trà, ngồi lẳng lặng bên nhau cùng nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Nấu cho nhau một bữa ăn, chở nhau đi về nếu bạn ấy không đón được xe, nhường cho nhau một chiếc áo mưa, tặng cho nhau một chiếc dù để người đó đi về không ướt. Đó là những điều thật thú vị”, chàng trai mỉm cười.
Với nhiều người đã xa quê hương, mưa Sài Gòn lại gợi nhiều kỷ niệm hơn cả. Bây giờ đã chuyển sang định cư ở Mỹ, nhưng anh Trần Văn Chiến, 45 tuổi tuổi vẫn rất nhớ những ngày niên thiếu trong khu nhà cũ ở quận 8, TP.HCM, những ngày mưa, mấy anh em nằm trong nhà, trên cái đi văng (ghế dài) nhìn ra phía trước nhà thường trồng những hàng cây như bông giấy, bông bụp. Nằm dài trong yên lặng, nhìn những hạt mưa rơi tí tách trên những hàng hoa không hiểu sao là một cảm giác rất thú vị. Tôi không thể nào quên cái cảm giác thích thú khi đó. Bây giờ mỗi lần trở về Việt Nam, đi thăm lại Sài Gòn, nhìn phố nào, hẻm nào có trồng bông giấy, bông bụp trước nhà như ngôi nhà cũ của mình lại thấy rưng rưng xúc động.
Trong khi đó, Nguyễn Minh Khôi, nằm trong ban tổ chức triển lãm Sài Gòn có mưa rất thành công, chia sẻ những ai sinh ra và lớn lên ở thành phố này, dù chỉ là cơn mưa ngang qua cũng chứa biết bao kỷ niệm, đặc biệt khi đi đâu đó xa thiệt xa, nhớ về Sài Gòn, không thể không nhớ tới những lúc mưa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.