Mua sắm chống dịch Covid-19 tại TP.HCM: Hàng ngàn lọ thuốc chưa dùng đến

25/12/2022 12:46 GMT+7

Nhiều bệnh viện ở TP.HCM xác định số lượng mua sắm chống dịch Covid-19 chưa sát với tình hình dịch bệnh, có hàng ngàn lọ thuốc được mua nhưng chưa dùng đến.

Ngoài chuyển hồ sơ sang Bộ Công an một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thanh tra Chính phủ (TTCP) còn chỉ ra hàng loạt thiếu sót trong công tác mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Mua sắm chống dịch Covid-19 tại TP.HCM: Hàng ngàn lọ thuốc chưa dùng đến

Xác định số lượng mua sắm vượt nhu cầu thực tế

Trong thời gian dịch bệnh, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách để mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 (không thu phí đối với người cách ly và điều trị).

Tuy nhiên, một số bệnh viện tại TP.HCM đã tổ chức thực hiện các gói thầu mua sắm sử dụng cả nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của bệnh viện (viện phí), nhưng kế hoạch lựa chọn nhà thầu lại không phân định rõ từng nguồn vốn. Điều này dễ dẫn đến không rõ ràng, minh bạch khi quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điển hình là tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện TP.Thủ Đức, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Từ Dũ. Trách nhiệm thuộc về giám đốc các bệnh viện này.

Vẫn theo TTCP, một số chủ đầu tư xác định số lượng mua sắm chưa sát với tình hình dịch bệnh, vượt nhu cầu thực tế sử dụng, dẫn đến số lượng mua sắm thực tế rất nhỏ so với số lượng được dự trù.

Bệnh viện Trưng vương có 3 gói thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm có số lượng mua sắm thực tế chỉ đạt từ 3,7% đến 6,3% so với số lượng trúng thầu. Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức có 1 gói thầu mua sắm test nhanh có số lượng mua sắm thực tế chỉ đạt 45% so với số lượng trúng thầu. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có 1 gói thầu mua sắm test nhanh có số lượng mua sắm thực tế chỉ đạt 0,5% so với số lượng trúng thầu.

Đáng chú ý, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới mua 5.000 lọ thuốc Medozapen lg nhưng đến ngày 31.12.2021 (thời điểm kết thúc kỳ thanh tra) chưa sử dụng; Bệnh viện Nhi đồng thành phố mua 300 lọ hoạt chất Immunoglobulin nhưng đến ngày 31.12.2021 chưa sử dụng; Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp cũng mua 5.000 lọ thuốc Rodilar nhưng chưa sử dụng.

TTCP nhận định, việc xác định số lượng hàng hóa mua sắm không sát với nhu cầu sử dụng thực tế cũng có lý do khách quan. Đó là tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, việc dự tính sát nhu cầu sử dụng thực tế là rất khó khăn nên hầu hết trong các hợp đồng ký kết đều có điều khoản ràng buộc là nhà thầu cung cấp theo nhu cầu của chủ đầu tư.

Nhiều nhà thầu không đáp ứng quy định

TTCP còn xác định, tại các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, tất cả các chủ đầu tư được kiểm tra đều chưa làm đúng quy trình lựa chọn nhà thầu, dẫn đến kéo dài thời gian mua sắm, không đáp ứng được tính cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM và người đứng đầu 14 đơn vị mà TTCP tiến hành thanh tra trực tiếp.

Một số chủ đầu tư còn không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu của một số gói thầu theo quy định, làm hạn chế thông tin về giá trúng thầu để các cơ quan, đơn vị tham khảo, đối chiếu khi xây dựng giá gói thầu.

TTCP cũng đề cập tới một số nhà thầu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định. Điển hình là Công ty TNHH Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường trúng 2 gói thầu cung cấp sản phẩm test nhanh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng, nhưng lại không đủ điều kiện mua bán trang trang thiết bị y tế, dẫn đến không đủ khả năng cung cấp hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết.

Hay như Công ty TNHH thiết bị y tế Hoàng Ngân trúng thầu gói thầu mua sắm vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm y tế, phục vụ điều trị người bệnh tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức, nhưng lại không được ủy quyền phân phối sản phẩm.

Tương tự, một số chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, dẫn đến sau khi được lựa chọn thì nhà thầu không có hàng hóa để cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời theo hợp đồng đã ký kết. Trách nhiệm thuộc về giám đốc các bệnh viện, cơ sở y tế triển khai các gói thầu này.

TTCP kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM theo thẩm quyền, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm quy định về lĩnh vực đấu thầu như kết quả thanh tra đã nêu.

Cùng đó là chỉ đạo cơ quan chức năng thanh, kiểm tra việc quyết toán nguồn ngân sách nhà nước sử dụng để mua sắm; việc giao nhận và quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống Covid-19; tiếp tục kiểm tra, rà soát các gói thầu mua sắm để xem xét, xử lý theo quy định.

TTCP kiến nghị chuyển đến Bộ Công an:

Hồ sơ 2 gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM làm chủ đầu tư, có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu gây thiệt hại hơn 6,3 tỉ đồng.

Thông tin các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường, xảy ra tại các gói thầu do sở y tế và 4 bệnh viện lớn tại TP.HCM làm chủ đầu tư, với tổng số tiền chênh lệch lên tới gần 80 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.