Mua sắm vật tư y tế chống dịch: Trên lo, dưới sợ

20/01/2022 05:22 GMT+7

Hôm qua (19.1), hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 ” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Kiểm toán Nhà nước.

Có cài cắm, trục lợi chính sách?

Ông Vũ Văn Họa, Phó tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN), cho biết theo dự kiến, chuyên đề kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được cơ quan này thực hiện tại 32 tỉnh, TP và hàng loạt bộ, ngành trong một tháng rưỡi, từ ngày 16.2 - 31.3. Tuy nhiên, trước sự phức tạp, độ bao quát cũng như tầm ảnh hưởng lớn của vấn đề này, cơ quan kiểm toán thấy rất cần được sự góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Mua sắm vật tư y tế cho phòng, chống dịch Covid-19 đang là vấn đề mà ngành y tế băn khoăn

Đậu Tiến Đạt

Về nội dung kiểm toán, ông Họa cho hay đầu tiên KTNN dự kiến làm việc về huy động các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. Thứ hai là về sử dụng các nguồn lực. Ngoài ra, KTNN cũng sẽ làm rõ các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí lẫn việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ hay vấn đề xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống dịch.

Góp ý về nội dung kiểm toán, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định “sẽ rất áp lực và thách thức” cho KTNN vì quy mô rộng và phạm vi rất lớn. Do đó, việc đánh giá công tác tham mưu, ban hành chính sách cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh bất thường và bên cạnh việc làm rõ hiệu quả của cơ chế cũng cần làm rõ có việc cài cắm, trục lợi của cá nhân, tổ chức khi tham mưu, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách này hay không.

Covid-19 sáng 20.1: Cả nước 2.078.087 ca nhiễm | Yêu cầu không gây khó với người về quê ăn tết

Sợ nhất là mua xong thì... giá giảm

Ông Lê Văn Khảm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, băn khoăn về nội dung kiểm toán mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch. Ông Khảm cho rằng thực tế cho thấy có thời điểm cơ sở y tế lo sợ việc mua sắm nên chủ yếu dùng đồ tài trợ, do Bộ Y tế cấp, hoặc chỉ mua các thiết bị đã đấu thầu từ trước. “Nhưng trong thực tế đã có cá nhân, có cơ sở có biểu hiện tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế gây bức xúc trong xã hội”, ông Khảm nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận tại một số thời điểm, nguồn cung một số vật tư, trang thiết bị có khó khăn; giá hàng hóa tăng cao nên các địa phương rất khó mua vì không có giá tham khảo phù hợp, dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng. “Một số ý kiến đề nghị Bộ mua tập trung để đảm bảo tính thống nhất. Tuy nhiên, việc này rất rủi ro vì dịch tiếp tục diễn biến phức tạp nên việc từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nhu cầu về chủng loại, số lượng và thời gian mua là rất khó. Nếu Bộ mua tập trung thì mặt hàng đó có thể không phù hợp với nhu cầu của đơn vị. Chưa kể giá mua sắm tập trung có thể giảm tại thời điểm mua, nhưng sau đó có thể biến động giảm nếu số ca mắc thấp, giảm giá mạnh theo thời gian, rất rủi ro cho ngân sách”, ông Thuấn nói.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị thực hiện mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”, từng địa phương, đơn vị, đi cùng với đẩy mạnh công khai giá bán, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, kê khai giá cùng với đẩy mạnh thanh kiểm tra. “Song các đoàn thanh tra, kiểm toán nên xem xét tính chất khách quan bản chất của sự việc. Trong tình huống “chống dịch như chống giặc”, việc mua sắm có thể có những thiếu sót về thủ tục hành chính thì cần xem xét đánh giá thận trọng, khách quan, không thể có đầy đủ hồ sơ như đấu thầu trong tình huống thông thường”, ông Thuấn bày tỏ.

Từ thực tiễn địa phương, ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, và lãnh đạo nhiều tỉnh phản ánh trước yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, các đơn vị phải thực hiện nhanh chóng các thủ tục mua sắm (gồm lập kế hoạch, xây dựng dự toán, trình phê duyệt…). “Tuy nhiên, các thông tin về giá mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm… cập nhật còn hạn chế, thiếu sự chia sẻ nên khó xác định giá dự toán phù hợp với thị trường. Giá trúng thầu tham khảo một số loại, trong đó có test PCR, được đăng tải tại Cổng công khai kết quả đấu thầu tại mỗi thời điểm và giữa các địa phương có độ chênh đáng kể, gây khó khi xây dựng giá dự toán”, ông Sơn chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.