Mùa su núi Cấm

17/09/2013 09:52 GMT+7

Là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) có khí hậu ôn hoà và mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho cây cối phát triển tươi tốt.

Là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) có khí hậu ôn hoà và mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho cây cối phát triển tươi tốt. Ngoài những loại cây ăn trái như bơ, mít, mãng cầu, xoài, sầu riêng, chuối… su cũng được người dân núi Cấm trồng khá nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, do người dân đẩy mạnh xây dựng nhà cửa, cộng với tác động của biến đổi khí hậu nên diện tích trồng su ngày càng thu hẹp. Đến nay, su chỉ còn trồng tập trung ở một số nơi như: Vồ Đầu, chùa Phật Nhỏ và điện Chư Thần (thuộc ấp Vồ Bà).

Mùa su núi Cấm

Giàn su trên Vồ Bà

Vào những ngày này, khách du lịch lên núi Cấm sẽ được thấy cảnh nhiều hộ dân đang tất bật hái su giao cho bạn hàng. Từng giỏ su được chở bằng xe honda dọc theo những con đường mòn xuống núi, mỗi chuyến từ 100 - 150 kg. Anh Trần Hữu Tài (ở ấp Vồ Bà) có 4 công đất núi đều trồng su, mỗi đợt thu hoạch từ 150 - 250 kg (5 ngày thu hoạch một lần), thương lái đến cân tại vườn với giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sau một vụ, trừ hết các chi phí anh còn lời khoảng 15 triệu đồng

Hằng năm, khi bắt đầu sa mưa là người dân chuẩn bị xuống giống. Su trồng bằng trái, thông thường người ta chọn những trái suôn, bóng để làm giống. Hai giống phổ biến ở núi Cấm là su da trơn và su da gai. Bình quân 1 ha đất rừng có thể trồng xen kẽ từ vài trăm đến 1.000 gốc su. Muốn cho su đạt năng suất cao, người trồng phải thường xuyên bón phân và tưới nước, tốt nhất là phân hữu cơ kết hợp với phân NPK.

Theo các nhà vườn trên núi Cấm, nhờ su mà nhiều hộ đã thoát nghèo. Tuy giá su không cao như nhiều loại nông sản khác, nhưng đầu ra khá ổn định, ít bị rủi ro và thất thoát. Sau khi thu hoạch xong, bạn hàng đến tận nơi thu mua, đưa đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc chở thẳng đến cửa khẩu Tịnh Biên bán sang Campuchia.

Bài, ảnh: Thiên Lộc

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.