Ngày 12.7, tôi theo đoàn du khách Việt Nam đến Cửu Trại Câu với sự háo hức khám phá "thiên đường nơi hạ giới", mỹ danh được nhiều du khách khen tặng vùng đất tươi đẹp này. Cửu Trại Câu đang vào mùa đẹp nhất, mùa thu. Vùng đất có tên gọi "Thung lũng chín làng" này được UNESCO công nhận Di sản thế giới vào năm 1992, Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997.
"Đoạn đường chúng ta đang đi được gọi là Thụ Chính Câu, có tổng chiều dài 14 km", Liêu Cẩm, nữ hướng dẫn viên 30 tuổi người Tạng có thâm niên 8 năm, nói khi xe vừa ngang qua cung đường cong.
Đang vào mùa cao điểm du lịch ở khu danh thắng được xếp hạng cao nhất của Tổng cục Du lịch Trung Quốc (5A) nên mới đầu giờ sáng đã thấy xe chở khách nườm nượp đổ về.
Có câu nói "nước là linh hồn của Cửu Trại Câu", quả đúng vậy. Sau khi ngang vùng đầm lầy che phủ bởi tán lau sậy, qua hồ Ngọa Long, lướt bên cạnh làng Shuzheng, hồ Gương là điểm khởi đầu cho hành trình tham quan Cửu Trại Câu với lối đi lát gỗ. Theo lối đi này, hành trình càng lúc càng thêm kỳ thú, khi du khách đặt chân đến khu vực hồ Ngũ Hoa, bãi cạn Trân Châu, hồ Gấu Trúc…
Hồ Ngũ Hoa là hồ cạn, nước xanh như ngọc, dưới đáy có những thân cây cổ đổ nát, cây lá xung quanh đầy màu sắc. Bãi cạn Trân Châu có dòng nước chảy, cuối dòng là thác nước Trân Châu, nơi nổi tiếng với cảnh quay đầu tiên trong bộ phim truyền hình Tây du ký năm 1986…
Sức hấp dẫn của Cửu Trại Câu còn đến từ 9 ngôi làng. Từng tách biệt với thế giới bên ngoài cho đến trước năm 1975, từ đó ngoài cộng đồng người Tạng, người Khương còn có thêm người Hoa sinh sống.
"Hiện dân số ở huyện Cửu Trại Câu có 10% là người Hán. Nhưng đông nhất vẫn là người Tạng (65%), người Khương (20%), còn lại là người Hồi", ông Chu Tuấn, Giám đốc Văn phòng Ngoại sự châu A Ba (Tứ Xuyên) cho hay.
Riêng vùng lõi Cửu Trại Câu chỉ có khoảng 1.000 người dân tộc thiểu số sinh sống. Hoạt động du lịch với sự đầu tư lớn của địa phương kèm với công tác bảo tồn nghiêm ngặt đã làm thay đổi đời sống người dân ở "Thung lũng chín làng".
"Trước đây người dân vùng lõi sống rất khổ, từ khi có du lịch thì đời sống đã cải thiện. Sự hỗ trợ gián tiếp đến từ nguồn đầu tư của nhà nước để kích cầu du lịch. Còn trực tiếp là thu tiền bán vé, cải thiện sinh kế", ông Triệu Đức Mạnh, Cục trưởng Cục quản lý Cửu Trại Câu, lý giải.
Giá vé tham quan dịp cao điểm ở đây là 190 nhân dân tệ/vé (khoảng 846.000 đồng), mùa thấp điểm giảm mạnh (80 nhân dân tệ/vé).
Theo thống kê, năm ngoái Cửu Trại Câu đón hơn 4 triệu lượt khách, trong đó 6,6% là quốc tế, chủ yếu khu vực Đông Nam Á, riêng khách Việt Nam là 16.000 người. Nguồn thu từ "con gà đẻ trứng vàng" này đang chiếm đến 70% tổng thu ngân sách của huyện Cửu Trại Câu.
Từ đầu năm đến nay, hơn 2 triệu khách đã đến Cửu Trại Câu. "Gần đây, khách Việt Nam cũng nhiều", nữ hướng dẫn viên Liêu Cẩm chia sẻ.
Hiện tại, mỗi ngày, Cửu Trại Câu đón khoảng 20.000 người. Nếu tăng đến 40.000 người/ngày là hạn mức cảnh báo, vượt con số này phải đăng ký trước. Tất cả để đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như bảo tồn giá trị di sản.
Ông Triệu Đức Mạnh, Cục trưởng Cục quản lý Cửu Trại Câu, thông tin dự kiến cuối năm nay tuyến đường sắt cao tốc từ Thành Đô sẽ hoàn thành, thêm sân bay quốc tế Hoàng Long Cửu Trại Câu cách khu danh thắng chỉ 80 km càng giúp Cửu Trại Câu ngày càng đến "gần" hơn với du khách.
Bình luận (0)