Mưa trái mùa kéo dài, ô nhiễm không khí tăng

03/01/2025 06:17 GMT+7

Mưa trái mùa tiếp tục xuất hiện trong những ngày đầu năm 2025 trên khu vực Trung bộ và Nam bộ. Đáng chú ý, tại Hà Nội và TP.HCM tình trạng ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng.

Mưa trái mùa, Nam bộ tiếp tục mát mẻ

Rạng sáng 2.1, trên địa bàn TP.HCM và một số nơi ven biển ở ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh tiếp tục xuất hiện mưa trái mùa. So với những ngày cuối năm 2024, trận mưa này không quá lớn và cũng chỉ xuất hiện cục bộ ở một vài tỉnh. Dự báo trong những ngày tới, mưa trái mùa vẫn còn tiếp tục xuất hiện trên khu vực Nam bộ.

Mưa trái mùa kéo dài, ô nhiễm không khí tăng- Ảnh 1.

TP.HCM ô nhiễm không khí gia tăng trong những ngày đầu năm mới

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trên khu vực Tây nguyên và Nam bộ, trong tháng 12.2024 có 3 đợt mưa trái mùa trên diện rộng xảy ra vào những ngày đầu, giữa và cuối tháng; trong đó có nơi xuất hiện mưa vừa và mưa to vượt giá trị lịch sử. Đáng chú ý, trong những ngày đầu của năm 2025 trên khu vực Nam bộ tiếp tục xuất hiện mưa trái mùa. Nguyên nhân do rãnh áp thấp có trục khoảng 6 - 9 độ vĩ bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực nam Biển Đông tạo thành những nhiễu động thời tiết gây mưa cho khu vực Trung và Nam bộ. Trong cơn giông cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ trong tháng 1 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10 mm.

Còn ở các tỉnh phía bắc, trong tháng 1.2025 không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với tháng 12.2024; khả năng cao sẽ gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại; thời gian tập trung những đợt rét vào giữa tháng 1.

Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, phân tích thêm: Trong những ngày đầu tháng 1 do không khí lạnh suy yếu nên rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực nam Biển Đông tạo thành các nhiễu động thời tiết di chuyển về phía đất liền, ảnh hưởng đến thời tiết Nam bộ kéo dài đến ngày 4.1. Do đó trong 4 ngày đầu của tháng 1, trên khu vực Nam bộ phổ biến trời nhiều mây, ngày có lúc giảm mây, nắng gián đoạn, chiều tối có mưa, mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa. Vùng mưa tập trung đa phần ở các tỉnh ven biển phía đông. Nhiệt độ trong ngày ít thay đổi, ở các tỉnh miền Đông cao nhất phổ biến từ 29 - 33 độ C và thấp nhất từ 22 - 26 độ C; còn các tỉnh miền Tây cao nhất phổ biến từ 29 - 32 độ C và thấp nhất từ 23 - 26 độ C. Tại TP.HCM, mưa trái mùa có khả năng xuất hiện ở hầu hết các quận huyện trong ngày 3.1.

Từ sau ngày 5.1, rãnh áp thấp suy yếu và lùi dần về phía xích đạo nên thời tiết Nam bộ giảm mưa, nắng nhẹ. Tuy nhiên, giai đoạn này do ảnh hưởng của không khí lạnh ở phía bắc tăng cường và khuếch tán xuống Nam bộ nên thời tiết ở TP.HCM và các tỉnh, thành Nam bộ tiếp tục mát mẻ. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20 - 22 độ C và cao nhất từ 30 - 31 độ C.

Ô nhiễm không khí gia tăng

Tiết trời mát mẻ, tuy nhiên trong những ngày gần đây, do độ ẩm không khí cao cộng với nhiệt độ thấp khiến bụi mịn và hơi nước quyện vào nhau tạo thành một lớp như sương mù màu trắng đục bao trùm bầu trời TP.HCM. Đặc biệt trong những ngày cuối tuần trước và đầu tuần này, mức độ ô nhiễm không khí ở TP.HCM có xu hướng gia tăng và có thể dễ dàng cảm nhận bằng mắt thường. Còn các số liệu quan trắc cũng cho thấy điều tương tự.

Cụ thể trong ngày 31.12.2024 và ngày 2.1.2025, bầu không khí ngầu đục kéo dài gần như suốt cả ngày. Ở hàng chục trạm đo trên địa bàn TP.HCM đều ở mức báo động đỏ (chỉ số AQI từ 151 - 200), trong đó ở nhiều trạm đo chỉ số AQI gần chạm ngưỡng tối đa. Ở mức độ này, chất lượng không khí bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, còn nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Theo phản ánh của nhiều người dân TP.HCM, trong giai đoạn này do sự biến đổi của thời tiết và không khí ô nhiễm nên nhiều người, đặc biệt là trẻ em thường xuyên bị cảm cúm; bệnh thường kéo dài hơn so với bình thường.

Tuy nhiên, nếu so với TP.HCM thì tại Hà Nội ô nhiễm không khí còn ở mức báo động hơn rất nhiều vì thường xuyên rơi vào mức cảnh báo nguy hại, xu hướng ô nhiễm gia tăng so với những ngày cao điểm hồi cuối năm 2024. Cụ thể như khoảng 9 giờ ngày 2.1, Hà Nội đứng thứ 2 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí theo hệ thống giám sát trực tuyến IQAIR. Trong khi chỉ số AQI trung bình của Hà Nội là 290, mức rất xấu, nhưng đáng chú ý hơn là trên địa bàn thành phố có đến 7 trạm đo đạt mức nguy hại - AQI trên 301. Đứng đầu ô nhiễm tại Hà Nội là khu vực Hồ Tây, chỉ số AQI lên tới 461. Tình trạng ô nhiễm có phần giảm nhẹ phần nào vào đầu giờ chiều, nhưng chỉ trong một vài tiếng sau nồng độ bụi mịn lại gia tăng trở lại. 

Theo số liệu ghi nhận trong 3 ngày qua, phần lớn thời gian chất lượng không khí ở Hà Nội đều ở mức rất xấu và nguy hại. Tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng cũng ghi nhận được tại một số địa phương khác ở miền Bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang… Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với mức độ ô nhiễm không khí như vậy, mọi người nên hạn chế ra ngoài và các hoạt động thể chất ngoài trời.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN, phân tích: Hiện nay là mùa ô nhiễm không khí, cứ hôm nào trời đứng gió, bụi mịn không khuếch tán được thì ô nhiễm gia tăng cùng với nhiệt độ xuống thấp và độ ẩm tăng cao. Tuy nhiên thời tiết cũng chỉ là yếu tố phụ, nguyên nhân chính vẫn là các nguồn phát thải bụi mịn vào không khí. Đây là gốc của vấn đề mà chúng ta cần giải quyết một cách đồng bộ và cần có quyết tâm cao từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Kéo giảm ô nhiễm không khí cần có thời gian nhưng vẫn có một số việc có thể làm nhanh. Những thành công ở các thành phố lớn của Trung Quốc có thể là một trong những bài học kinh nghiệm đáng quan tâm. 

Cụ thể như tại Bắc Kinh, họ chuyển đổi hàng chục ngàn xe buýt truyền thống sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí. Ở các thành phố lớn của VN như Hà Nội, tỷ lệ xe buýt điện vẫn còn thấp trong khi toàn thành phố cũng chỉ có khoảng 2.000 chiếc xe buýt. Điều này cho thấy khả năng chuyển đổi có tính khả thi cao. Hà Nội có hơn 6 triệu xe máy, còn TP.HCM có trên 8 triệu chiếc. Đây cũng là nguồn phát thải bụi mịn cao và cần sớm áp dụng quy định kiểm định với loại phương tiện này. Bên cạnh đó cần phát triển hạ tầng để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông điện. Ngoài nguồn phát thải là phương tiện giao thông, cũng cần có các chính sách đồng bộ kiểm soát những nguồn ô nhiễm khác từ sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là các làng nghề tái chế phế liệu.

Theo các chuyên gia, TP.HCM đưa vào vận hành tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cùng với hệ thống xe buýt điện để kết nối là một trong những giải pháp giảm phát thải bụi mịn từ giao thông. Những ngày qua, các phương tiện giao thông này được đông đảo người dân thành phố nhiệt tình đón nhận, nhưng công suất vẫn còn quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế của người dân cũng như vấn đề giải pháp thải bụi mịn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.