Cây trâm có thân hình cao to, cành nhiều, gốc cây to nhất khoảng hai người ôm. Cây thường sống trên những triền đồi ở vùng núi, nhiều nhất là ở các bờ ruộng hoặc quanh những gò đất trống có độ ẩm cao. Cây sinh trưởng và phát triển tự nhiên khoảng vài năm thì ra trái. Mỗi năm trâm ra bông vào đầu mùa hè rồi đậu kết trái thành từng chùm, đến độ này thì chín.
Trâm chín làm cho những cành có nhiều chùm trái oằn xuống trĩu nặng. Trái trâm chín to gần bằng đầu ngón tay út, màu tím đẫm, căng mọng. Đặc biệt, phần cơm của trái trâm dường như dày thêm, phần hạt nhỏ lại, ăn trâm ta cảm nhận được vị ngọt lịm có pha chút chua chan chát lẫn mùi thơm dịu. Có thể ăn trâm nguyên chất nhưng nhiều người rất thích trộn trâm với muối ớt giã nhỏ, ăn hấp dẫn và ngon hơn rất nhiều.
Mùa trâm chín, các loài chim, chồn, sóc thường kéo về rất nhiều để ăn trái. Đây cũng là mùa rộn rịp của những đám trẻ ở làng quê. Mờ sáng, chúng thường rủ nhau thả bò, chạy bộ ra đồng rồi thi nhau tìm những cây trâm ngon ngọt cơm dày hạt nhỏ, hái ăn như một trò chơi thú vị. Và như thế, cứ mỗi độ cuối ngày, vì mải mê ăn trâm nên miệng đứa nào đứa nấy tím ngắt, cả bọn ngồi lại há miệng nhe răng rồi cùng cười ha hả hồn nhiên.
Mùa trâm chín, nhiều người ở xa cũng rủ về miền núi hái trái mang về đồng bằng, không ít những người có thêm thu nhập nhờ trâm, bằng cách hái trái mang về các chợ dưới xuôi. Một điều rất dễ nhận ra là độ này, thường thấy các cô các chị ở các chợ miền xuôi ngồi làm gì cũng có rổ trâm bên cạnh, vừa làm vừa nhai một cách vui vẻ.
Những mùa trâm tuổi thơ của tôi ở vùng quê cũ đã qua lâu rồi. Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn nguyên trong ký ức với lũ bạn một thời, với đồng quê, núi rừng thân thuộc. Ngày nay, vì mải lo công việc, bất chợt một lúc nào đó tình cờ đi đường, thấy các hàng quán bên vỉa hè có những rổ trâm chín mọng nằm khiêm nhường cùng với bao nhiêu thứ khác mới cảm thấy lòng mình nhớ quê da diết, biết rằng đã chuẩn bị một mùa thu qua...
Tuy An
Bình luận (0)