Mùa vải kết thúc sớm, nông dân Bắc Giang 'bỏ túi' 4.814 tỉ đồng

12/07/2024 07:30 GMT+7

Báo cáo cập nhật tình hình tiêu thụ vải ở Bắc Giang 'chốt sổ' vào ngày 24.6, sớm hơn gần 1 tháng so với mùa vải những năm trước đây. Dù bị mất mùa, giảm hơn 50% sản lượng nhưng năm nay quả vải vẫn mang về cho nông dân Bắc Giang 4.814 tỉ đồng.

Giá cao kỷ lục, thương lái vào vườn "vét" vải

"Gia đình tôi trồng vải gần 20 năm nhưng chưa có năm nào vườn vải cho nguồn thu lớn như năm nay, chỉ hơn 5 tấn thôi mà thu về hơn 320 triệu đồng", anh Tô Văn Hải (xã Giáp Sơn, H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) hồ hởi chia sẻ với chúng tôi.

Mùa vải kết thúc sớm, nông dân Bắc Giang 'bỏ túi' 4.814 tỉ đồng- Ảnh 1.

Nhiều nhà vườn trồng vải ở Bắc Giang bội thu khi giá vải tăng cao kỷ lục

THU QUYÊN

Theo anh Hải, vườn vải nở hoa đúng dịp thời tiết ấm, nhiệt độ không đủ lạnh nên tỷ lệ đậu quả thấp. Cho đến lúc thu hoạch, vườn vải của gia đình anh chưa bằng 1/2 so với năm 2023 nhưng bù lại giá bán rất cao, tăng từng ngày.

Vải nhà anh Hải trồng là vải Thanh Hà, 5 tấn vải được gia đình thu hoạch bán rải rác trong gần nửa tháng. Chuyến vải đầu tiên bán ra điểm cân xuất khẩu đi Trung Quốc là 45.000 đồng/kg nhưng sau đó giá tăng liên tục theo từng ngày. Đến chuyến cuối cùng, giá lên 65.000 đồng/kg.

"Chi phí toàn bộ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn vải chưa đến 30 triệu đồng, chưa có năm nào làm vải lãi lớn, thu được nhiều tiền như năm nay", anh Hải tiết lộ.

Có nhiều năm bán hàng online, tích cực tham gia quảng bá cho quả vải thiều, chị Đỗ Thanh Tình, trú tại xã Hồng Giang (H.Lục Ngạn) bày tỏ: "Mùa vải năm nay quá ngắn, kết thúc chóng vánh đến nỗi nhiều khách quen ở phía nam đặt mua, thưởng thức quả vải thiều đặc sản Lục Ngạn đành phải chờ đến năm sau".

Chị Tình nói, chưa có năm nào mùa vải Lục Ngạn có nhiều "chuyện lạ" như năm nay. Giá vải "nhảy múa" từng ngày, chỉ tăng chứ không giảm, có những ngày tăng hơn 10.000 đồng/kg là diễn biến xưa nay chưa từng có. Đối với vải chín sớm, vải Thanh Hà được thu mua xuất khẩu đi Trung Quốc, nhiều vườn có sản lượng lớn không cần phải chở vải đến điểm cân mà thương lái đưa xe, đưa cân vào vườn trực tiếp thu mua tại chỗ.

"Giá cao nhất vẫn là loại vải thiều đặc sản của Lục Ngạn. Giá khởi điểm bán tại vườn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Nhưng đến cuối vụ, giá vải thiều tăng cao nhất, lên 180.000 đồng/kg, dù giá cao gấp 4 - 5 lần so với năm 2023 nhưng khách hỏi mua rất nhiều mà không có hàng để bán", chị Tình phản ánh.

"Làm không có lãi" để giữ đối tác

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết giá vải nguyên liệu tại Bắc Giang năm nay quá cao, ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp.

Cả mùa vải năm nay, sản lượng vải xuất khẩu tươi của doanh nghiệp này chỉ được 20 tấn, sản lượng nguyên liệu thu mua chế biến chưa được 500 tấn, đạt 1/6 kế hoạch đề ra.

Cũng theo bà Đỗ Linh Nhâm, giá vải thu mua để xuất khẩu vào làm nguyên liệu chế biến vải xoáy long đóng hộp dao động từ 70.000 - 150.000 đồng/kg thì doanh nghiệp làm gần như không có lãi, thậm chí lỗ vốn nếu như không khéo tính toán các chi phí.

"Giá vải nguyên liệu cao gấp 6 - 7 lần so với năm 2023. Doanh nghiệp không thiếu đơn hàng nhưng cũng không dám làm, ký hợp đồng lớn thì không có nguyên liệu để mua, có mua được thì giá rất cao nên chỉ dám làm cầm chứng để giữ chân đối tác, ưu tiên cho những bạn hàng ở EU, Nhật Bản không thể từ chối được để giữ mối cho những năm sau", bà Nhâm nói.

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, đến ngày 24.6, địa phương này đã kết thúc vụ thu hoạch, tiêu thụ vải với sản lượng gần 86.000 tấn, chỉ đạt 43% sản lượng so với năm 2023, trong đó vải chín sớm là 48.000 tấn; vải chính vụ khoảng 38.000 tấn.

Đặc biệt, năm nay, sản lượng vải tiêu thụ ở thị trường trong nước đạt hơn 60.000 tấn, cao gấp 3 lần so với sản lượng vải xuất khẩu đạt 24.785 tấn. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quả vải Bắc Giang với sản lượng đạt 24.570 tấn.

Thống kê của sở này cũng cho thấy, sản lượng vải bị sụt giảm mạnh so với năm 2023 nhưng với giá bán cao kỷ lục, doanh thu từ quả vải và các dịch vụ phụ trợ đạt hơn 5.760 tỉ đồng (năm 2023 là hơn 6.876 tỉ đồng).

Đặc biệt, doanh thu trực tiếp từ quả vải đạt 4.814 tỉ đồng, cao hơn năm 2023 khoảng 156 tỉ đồng. Theo đó, giá vải bình quân năm nay đạt 56.200 đồng/kg, cao gấp 2,4 lần so với năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng quả vải bị giảm mạnh, chỉ bằng 43% so với năm 2023 nên doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ trrong mùa tiêu thụ vải năm nay chỉ đạt khoảng 960 tỉ đồng, giảm mạnh so với năm 2023.

Ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Bắc Giang), cho biết doanh thu từ quả vải năm nay cao hơn năm 2023 - năm "được mùa được giá" - nhưng niềm vui với người trồng vải thì không trọn vẹn. Hộ nào có vải thì "thu bộn tiền", hộ nào mất mùa thì trắng tay, lỗ vốn đầu tư.

Tuy nhiên, ông Ngụy Đình Nghĩa nhận định, mùa vải năm nay tại Bắc Giang phát sinh nhiều vấn đề khi vải chín sớm vẫn được mùa trong khi vải chính vụ lại mất gần hết sản lượng. Dù chịu ảnh hưởng yếu tố thời tiết nhưng theo ông Nghĩa, việc này vẫn phải được đánh giá thấu đáo, toàn diện để đưa ra các khuyến cáo, kỹ thuật canh tác cho các nhà vườn. Cạnh đó, mùa tiêu thụ vải năm nay cũng cho thấy sức tiêu thụ rất lớn, vai trò của thị trường trong nước.

"Không chỉ là thị trường xuất khẩu mà ngay ở thị trường trong nước, người tiêu dùng sẵn sàng trả mức giá cao để mua được quả vải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng cao", ông Nghĩa nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.