Mua vì thích, không mua vì cần

17/11/2018 12:51 GMT+7

Chính thói quen này đã khiến nhiều người trẻ rơi vào tình cảnh 'chỉ mới đầu tháng mà đã hết tiền'.

"Sợ người khác mua" (!?)
Thừa nhận có cả "siêu thị đầm" ở nhà, chất đầy hai tủ đồ, trong đó có cả cả mẫu chưa từng mặc một lần, còn nguyên tem, thế nhưng khi dạo trung tâm thương mại, vô tình thấy có mẫu đầm mới vừa ra mắt, Trần Ý Nhi, sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, vẫn ghé xem và chấp nhận chi ra số tiền gần 1,3 triệu đồng để sở hữu.
Nhi bảo: "Mình có cái... tật là thấy đẹp phải mua ngay. Chứ không mua thì sợ người khác mua mất, sẽ không còn cơ hội mua" (!?).
Nhi không ngần ngại kể thêm về thói quen này: "Hình như đó là cái 'bệnh' không chữa được. Dù mẹ la rầy hoài, nhưng không bỏ được. Thấy mình có nhiều giày, nên khi xin tiền mẹ để mua, bị la vì cho rằng đã có mà mua là phí. Nhưng rồi vẫn nài nỉ xin tiền cho bằng được để mua". Vậy có nghĩa là mua vì thích chứ không phải mua vì cần?, Nhi gật gù: "Đúng là như thế".
Đây không phải là trường hợp ngoại lệ, chuyện "mua vì thích, chứ không phải mua vì cần" hiện nay khá phổ biến với người trẻ. Chỉ cần thấy đôi giày đẹp, bắt mắt, nhiều người trẻ sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua về, còn bao giờ sử dụng thì tính sau. Hay chỉ cần thấy mẫu nón hợp thời trang, vội vàng "tậu" về, mà có khi để trong tủ chứ cả năm không hề sử dụng...
Chia sẻ của Ngọc Trinh đã thu hút nhiều bình luận trái chiều ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
"Có bao giờ bạn mua những thứ chỉ vì thích mà không phải mua vì cần thật sự?", với câu hỏi này, không ít bạn trẻ thừa nhận đã từng như thế.
"Nói thật là ở nhà mình có khoảng chục lọ nước hoa, giá không hề rẻ tí nào. Vì mỗi lần đi siêu thị, các trung tâm thương mại, ngửi thấy mùi thấy thích thích là mua ngay mà không hề đắn đo. Nhưng sau đó đem về thì thấy bản thân chỉ hợp với một, hai loại mùi. Thế là những lọ kia bị 'xếp xó', có khi cả năm vẫn chưa mở một lần", Nguyễn Hà Bảo Trang (26 tuổi, nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Q.5, TP.HCM), kể.
Cách đây không lâu, "người mẫu nội y" Ngọc Trinh cũng từng khoe trên trang cá nhân Facebook: "Tôi mua sắm, không phải vì tôi cần mà chỉ đơn giản là vì tôi muốn". Kèm theo đó là hình ảnh những "chiến lợi phẩm" mà người mẫu quê Trà Vinh này đã mua với tổng số tiền lên đến hơn... cả tỉ đồng. Từ lời khoe của Ngọc Trinh, đã nổ ra những ý kiến trái chiều. Bên cạnh những lời cảm thán: "Ôi xa hoa quá", "Ước gì được như cô ấy", hay "có lao động kiếm tiền thì mua sắm cũng là cách để tận hưởng cuộc sống"... thì vẫn có những bình luận phản bác, cho rằng "việc mua vì muốn chứ không phải mua vì cần là một sự lãng phí".
Biết chi tiêu hợp lý
Nguyễn Hà Bảo Trang nói thêm, cũng chính vì thói quen "mình thích thì mình mua thôi", nên mỗi tháng nhận lương, sau khi "tự thưởng" cho bản thân bằng cách đi dạo các trung tâm thương mại, thì tài khoản cũng vơi... gần hết, nhận lương chỉ được vài ngày đã rơi vào tình cảnh "cháy túi".
Tương tự, Trần Thanh Việt, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết mỗi lần thấy những sản phẩm về công nghệ ra là "nổi máu" muốn sở hữu nên quyết dồn cho đủ tiền mua cho bằng được. Kết quả là có những thời điểm sở hữu cùng lúc 2-3 điện thoại thông minh đời mới nhất, nhưng ví tiền thì... chỉ có mấy ngàn lẻ, không đủ mua đĩa cơm.
"Đó cũng là hệ quả của việc sử dụng tiền không đúng mục đích, mua sắm quá đà vào những vật dụng không cần thiết", Việt rút kinh nghiệm.
Theo Nguyễn Thanh Vĩnh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, người trẻ chưa làm ra nhiều tiền, nhất là với giới sinh viên, còn sống phụ thuộc vào gia đình rất nhiều, thế nên cần cân nhắc khi chi tiêu, phải sử dụng tiền hợp lý.
"Nhiều lúc thấy mình phí vô cùng. Có đầy giày, có đầy túi xách ở nhà, thế nhưng thấy cửa hàng kia có túi xách đẹp đẹp là cũng mua ngay. Mua về để đó, hoặc sử dụng chỉ một lần rồi... không dùng nữa. Thấy phí thật", Lê Minh An, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, kể thật.
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), nhiều người trẻ hay than "làm rất nhiều tiền nhưng vẫn không đủ xài", hay "không biết một tháng xài gì mà lương không đủ"... thì việc "mua vì thích chứ không phải mua vì cần" chính là một trong những lý do.
"Nên cân nhắc trước khi mua sắm, nếu vật dụng, sản phẩm ấy thật sự cần thiết thì hãy mua. Còn nếu không quá cần thiết, thì có thể đừng mua, dành dụm khoản tiền ấy để chi tiêu cho việc quan trọng hơn. Vì cứ thấy thích gì là mua đó thì chắc chắn sẽ rơi vào tình cảnh luôn thiếu tiền", bà Thương nói.
"Khi sử dụng tiền, cần có sự cân nhắc, kẻo rơi vào tình trạng lãng phí không đáng có. Và nhất là phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý, biết cách tích lũy tài chính, dành vào những việc như: đóng học phí, để dành khi sức khỏe có vấn đề...", bà Thương nói thêm.
Vĩnh nói thêm rằng: "Khi sắp sửa có ý định 'vung tay quá trán', tiêu tiền thả ga, hãy chậm lại một vài giây, nghĩ đến việc sau khi chi tiêu như thế, rồi những ngày tiếp theo sẽ ăn gì, sẽ lấy gì đổ xăng, sẽ lấy tiền đâu để mua thuốc nếu lỡ bệnh... Có như vậy thì bản thân sẽ tự giác nói không với việc 'mua vì thích chứ không phải mua vì cần'".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.