Mỗi tuần một bài hát xuân

'Mùa xuân đầu tiên': Yêu sao tiếng gà gáy trưa...

18/01/2024 10:00 GMT+7

'Đôi khi một người/Dường như chờ đợi/Thật ra đang ngồi thảnh thơi' (*)...

- Em thích những ca từ này quá anh à!

- Anh cũng vậy! Cái "thảnh thơi" nó đáng giá ngàn vàng em ạ!

- Dạ, giờ em mới lờ mờ hiểu ra. Trước kia em lăng xăng quá...

Câu chuyện giữa tôi và chàng nhạc sĩ trẻ lại tiếp tục, khi những thông điệp của thời gian xuyên qua hai thế hệ như tia gamma, rồi như xâu hai tâm hồn chúng tôi lại trên cái trục chồng sát lên nhau. Khoảng cách thế hệ như tan biến trước cái đẹp của thời gian vĩnh cửu.

'Mùa xuân đầu tiên': Yêu sao tiếng gà gáy trưa...- Ảnh 1.

Trong hàng triệu con người ở thành phố này, có lẽ rất nhiều, rất nhiều người có một miền quê để mà mong mỏi được trở về trong những ngày tết đã cận kề này

Võ Thiện Thanh

Có những bài hát, chỉ cần một câu bất chợt nào trong đó cũng đủ làm ta ngẫm nghĩ, suy niệm, ám ảnh và nâng niu cả đời. Dường như vẻ đẹp của nó vượt lên trên mọi phân tích bằng lý trí. Nó đẹp như một đóa hoa vừa nở, như tia nắng đầu ngày rọi ngay tức thì mà không cần phải hỏi tại sao. Chỉ cần cảm nhận qua tâm hồn, qua ngọt bùi đắng cay đầy đủ của một kiếp người, để cái "thảnh thơi" trong lời ca ấy nó thấm như viên kẹo tan dịu trong miệng vậy.

Và mỗi khi xuân về, có một “viên kẹo” khác cứ thấm mãi trong tâm hồn tôi:

"Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông,

Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn"

Giữa đô thị đông đúc với những dòng xe cộ bất tận, tôi không biết bạn từ đâu tới, quê bạn ở đâu, giờ này bạn đã về nhà đón tết chưa... Nhưng tôi đoán là bạn đã đến từ nơi ấy, cái nơi mà "với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông...”. Trong hàng triệu con người ở thành phố này, có lẽ rất nhiều, rất nhiều người có một miền quê để mà mong mỏi được trở về trong những ngày tết đã cận kề này. Tôi cũng vậy.

Tôi nhớ những cái tết miền quê lắm. Nhưng nhớ nhất là cái cảm giác sau những tiếng pháo rộn rã, sau những cuộc gặp gỡ đoàn viên, sau những lời chúc năm mới, là lúc tôi bắt võng nằm dưới thân dừa mà nghe "tiếng gà trưa gáy bên sông". Cảm giác lạ lắm, nó xao xác kinh khủng, buồn kinh khủng, nhưng mà lại đẹp kinh khủng! Cái đẹp của một âm thanh tuy trơ trọi nhưng lại vô cùng bình an. Sau mọi cuộc vui và những tiếng cười qua đi, buộc ta phải đối diện với chính ta giữa một trưa vắng chỉ với tiếng gà và hàng dừa lao xao trong gió.

'Mùa xuân đầu tiên': Yêu sao tiếng gà gáy trưa...- Ảnh 2.

Tiếng gà gáy trưa - cái đẹp của một âm thanh tuy trơ trọi nhưng lại vô cùng bình an

Võ Thiện Thanh

Lạ lùng là tiếng gà gáy trưa ấy nó cứ thấm sâu vào ký ức, len lỏi trong hồn ta rồi cứ theo ta rong ruổi khắp những con đường xe cộ bất tận, công danh bất tận, vòng đời bất tận. Và rồi khi tết cận kề, lời ca ấy như chiếc que diêm thắp bùng lên nỗi nhớ thương một miền quê yêu dấu:

“Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”

Tôi yêu Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao theo một kiểu của riêng tôi, như cách tôi nhìn một bông hoa đẹp mà không cần biết nó được trồng ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Đôi khi chiếc lá gợi cho tôi xúc cảm, cánh hoa khiến tôi bâng khuâng, nhụy hoa làm tôi bồi hồi. Mỗi một câu của bài hát mang một vẻ đẹp riêng mà tôi cảm thấy nó thật hoàn hảo khi đứng một mình, không nhất thiết phải gán ghép vào một hoàn cảnh nào:

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về”

Hay như:

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về”

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ta xao động rồi, rất “xuân” rồi!

Điều đầu tiên khi ta về quê trong những ngày trước tết là gì? Là gặp mẹ, người mẹ già của ta.(tôi thật xin lỗi những ai không còn mẹ...). Thật là hạnh phúc biết bao khi tết này ta còn mẹ. Đôi khi ta cũng không cần nhiều bánh mứt, rượu nồng hay bạn bè bù khú gì, mà chỉ cần bên mẹ thôi thì xuân này mãn nguyện rồi. Tết này có dư giả hay khó khăn bộn bề, thì kệ vậy! Điệu luân vũ thời cuộc mà, hết đông, xuân lại tới. Nhưng mẹ thì chỉ có một mà thôi!

Cái hay của Mùa xuân đầu tiên, trước nhất là ở những lời ca. Sao mà nó ung dung, thấm thía, tự nhiên như hơi thở vậy. Từ trước đến giờ người ta hay nghe bài hát này với thói quen truy tìm bối cảnh vì sao Văn Cao viết bài hát này, mà quên mất vẻ đẹp của những lời ca - nó vượt lên trên hoàn cảnh ra đời của chính nó, để trở thành cái đẹp vĩnh cửu. Vĩnh cửu vì dòng sông đó, tiếng gà gáy trưa đó, tình yêu thương đó luôn là giá trị bất biến trong bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ có ta bị xô đẩy và lộn nhào trong cái vòng luân vũ bất tận:

“Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người”

Rõ ràng là qua đại dịch Covid-19, qua tình hình thế giới hiện nay, ta càng thấm thía những dòng ca từ thắm thiết của Văn Cao biết nhường nào. Vì tình yêu thương chẳng bao giờ là đủ, mà lại ngày càng thiếu thốn, khan hiếm và xa xỉ hơn bao giờ hết, trong cái thời đại mà ảo vọng lớn nhất là hy vọng AI cũng có một tình thương.

Mùa xuân đầu tiên (sáng tác: Văn Cao, ca sĩ: Nguyên Thảo, hòa âm: Võ Thiện Thanh)

Có những bài hát mang số phận như một con người: khởi đầu gian truân, nếm trải bao nhiêu nghịch cảnh, nhưng cuối cùng cái đẹp cũng đến đích. Ai đã từng yêu bài hát này cũng đều biết sự “gian truân” của nó. Nhưng có một điều rất lạ là Mùa xuân đầu tiên không biết bằng cách nào, lại được phổ biến ở Liên Xô cũ trước khi nó nổi tiếng ở Việt Nam! Phải chăng giai điệu tuyệt đẹp và sâu thẳm của nó làm ta nhớ đến những khúc Barcarolle để người Nga đồng cảm với nó chăng. Có thể lắm! Vì năm 2013, tôi hòa âm và mời Nguyên Thảo hát Mùa xuân đầu tiên, nó đẹp như một bản Barcarolle của Nga. Nó còn làm tôi nhớ đến Chiều Moskva sâu thẳm nữa. Điều này cũng tương tự như người Nhật yêu Diễm xưa của Trịnh Công Sơn vậy. Vì tâm hồn con người, dù có ở những quốc gia khác nhau, vẫn có một tần số giống nhau. Tần số ấy chính là tình yêu thương.

Cũng như nhịp 3 của Xuân và tuổi trẻ, Mùa xuân đầu tiên cũng trải qua rất nhiều bản phối và phong cách hát khác nhau từ khi nó nổi tiếng. Nhưng với tôi, nó không phải là điệu waltz luân vũ, không phải là kiểu hạnh phúc vui tươi, hớn hở, vỡ òa hay nhảy cẫng lên vì sung sướng, mà là cái hạnh phúc kìm nén trong sâu thẳm nội tâm, trong an nhiên tự tại, trong chiêm nghiệm siêu vượt - trên cả những niềm vui bình thường, để trở thành cái đẹp của thời gian vĩnh cửu:

“Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”

Những ngày này lòng ta thật nôn nao, hãy thử lắng nghe tiếng “gà đang gáy trưa bên sông” với giọng hát Nguyên Thảo. Đó cũng chính là tiếng lòng của ta vậy.

(*): Tự tình khúc - Trịnh Công Sơn





















Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.