Mùa xuân đùm bọc

Mỗi đêm chủ nhật, vào khoảng 20 giờ 40, bạn mở kênh VTV1 xem chương trình Lục lạc vàng kết nối những miền quê, sẽ nghe câu hát “ Rung lên lục lạc vàng/Rung lên lục lạc vàng/Con bò về giúp người vượt qua khó khăn”.

Mỗi đêm chủ nhật, vào khoảng 20 giờ 40, bạn mở kênh VTV1 xem chương trình Lục lạc vàng kết nối những miền quê, sẽ nghe câu hát “Rung lên lục lạc vàng/Rung lên lục lạc vàng/Con bò về giúp người vượt qua khó khăn”. 

Quán cơm từ thiện Nụ cười, giá 1 phần cơm 2.000 đồng - Ảnh: Diệp Đức MinhQuán cơm từ thiện Nụ cười, giá 1 phần cơm 2.000 đồng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Bạn sẽ thấy các cụ phụ lão, các em thanh niên thiếu niên, các lãnh đạo xã cùng vỗ tay hát Rung lên lục lạc vàng. Vâng, đó là một ca khúc của tôi viết tặng chương trình - một chút đóng góp nhỏ bé của người nhạc sĩ để tặng bò cho đồng bào còn khó khăn trên cả nước trong mơ ước xóa đói giảm nghèo.
Huyền sử nói rằng Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, bà sinh được một trăm trứng, nở ra một trăm người con. Năm mươi con theo mẹ - vốn là giống tiên lên rừng; năm mươi con theo cha - vốn là giống rồng về biển. Dân tộc ta hình thành và phát triển từ đó, là anh chị em cùng một bào thai mẹ nên chúng ta gọi nhau là đồng bào. Niềm tự hào dân tộc rực rỡ ngay từ trong trang huyền sử đẹp, bởi chúng ta cùng nòi giống tiên rồng cao quý, cùng là ruột thịt của nhau.
Bởi là ruột thịt nên chuyện anh chị em nhường cơm sẻ áo, đùm bọc nhau là nghĩa vụ vô điều kiện và tuyệt đối, phải làm. Càng yêu thương nhau, càng quý mến nhau thì càng phải thực hiện chuyện đùm bọc, sẻ chia, dù trong đau thương hay khi hạnh phúc. Hoạt động đùm bọc, chia sẻ đã trở thành một truyền thống đẹp của dân tộc cả ngàn năm qua và đang được phát huy mạnh mẽ trong thời đại chúng ta đang sống. Xóa đói giảm nghèo là một cuộc vận động lớn, ngoài ý nghĩa chính trị xã hội cao cả còn bao hàm tính nhân văn tốt đẹp thể hiện tình yêu dân tộc, tâm hồn dân tộc.
Chính sách xóa đói giảm nghèo của VN đã được các tổ chức của Liên Hiệp Quốc và các chương trình xã hội từ thiện quốc tế ca ngợi là đạt được sự thành công, đã thuyết phục và cổ vũ được nhân dân cả nước và bà con Việt kiều tự nguyện tham gia. Thế nhưng, ở nơi này nơi khác, thi thoảng vẫn xảy ra tình trạng cán bộ cơ sở hiểu nhầm hoặc làm sai chủ trương khiến nhân dân dở khóc dở cười.
Báo chí từng phê phán một vài địa phương buộc các hộ gia đình có con em là sinh viên được vay tiền chính sách đi học phải đóng một số phí còn thiếu với xã hoặc cấp gạo ẩm, gạo mốc cho dân nghèo hoặc ăn chặn tiền chế độ chính sách bữa ăn cho các bệnh nhân tâm thần… Báo chí cũng từng phê phán chuyện đàn vịt xóa đói giảm nghèo cấp cho dân lại… đi lộn vào nhà của một vài cán bộ xã. Cuối năm 2015, tình trạng tệ hại tương tự như vậy còn xảy ra ở một vài địa phương khiến hai chữ “đùm bọc” bị tổn hại ý nghĩa nhân văn và tích cực của nó.
Một tỉnh ở Nam Trung bộ có chương trình tặng bò cho người nghèo, mỗi con bò trị giá khoảng 20 triệu đồng. Số tiền ấy về đến xã. Thay vì hợp đồng với trại bò để mua bò mạnh khỏe cho người nghèo, xã đã độc quyền ký hợp đồng mua bò bệnh, bò thương tật ở một trại bò tư nhân, buộc người nghèo phải nhận. Họ ép người nào không chịu nhận thì sẽ bị xóa tên ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cực chẳng đã, người nghèo phải nhận những con bò già, bò bệnh, bò lác, bò gãy sừng, bò ốm nuôi không biết bao giờ mới khỏe, chưa nói đến chuyện bò sinh sản có lời.
Một địa phương khác ở Tây nguyên không hiểu sao xã “thay mặt” người nghèo, đi mua dê về buộc người nghèo phải nhận, phải làm chuồng và phải nuôi. Đó là những con dê già, dê ốm, dê hết khả năng sinh đẻ. Người nghèo hoàn toàn chưa có kinh nghiệm nuôi dê phải ôm một cặp dê về nhà mà không biết xử lý làm sao. Trả lời trên truyền hình, ông lái bán dê nói cứng rằng xã hợp đồng mua dê của ông nên ông không có trách nhiệm gì hết đối với những con dê đã bán. Còn xã thì im hơi lặng tiếng, y như rằng họ chẳng nghe người nghèo và báo chí nói gì.
Ở cả hai trường hợp này, một vài cán bộ xã đã lợi dụng chính sách để làm bậy, không loại trừ dấu hiệu có tham nhũng - dù là tham nhũng vặt. Nói chung, cả hai bên mua bò dê và bán bò dê cũng muốn “đùm bọc” lẫn nhau nhưng mà đùm bọc… trật. Cái quan trọng nhất là họ đã góp phần làm tổn thương chủ trương xóa đói giảm nghèo với sự đồng lõa của chủ trại bò, chủ trại dê. Những hành vi này làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở vốn rất gần gũi với họ. Cho hay, cái mà chúng ta gọi là “tham nhũng vặt” thật quá thể. Pháp luật nhà nước không “thăm hỏi” các vị này ngay thì chờ đến bao giờ nữa nhỉ?
Mùa xuân là cơ hội để những nhà hảo tâm rộng mở tấm lòng, góp phần cùng nhà nước sẻ chia, đùm bọc bà con nghèo, gia đình chính sách khó khăn. Điều tốt đẹp ẩn sâu trong trái tim người Việt chúng ta là vào những ngày lễ tết long trọng, họ ăn được miếng ngon vật lạ vẫn không quên nghĩ về những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ, thiếu thốn. Sự chia sẻ đùm bọc như vậy còn dựa trên một niềm tin tâm linh có cơ sở: giúp người thì sẽ được sự phước đức, tâm hồn thanh thản và sẽ được người khác giúp đỡ lại mình. “Thấy việc nghĩa thì hăng hái mà làm” - Kiến nghĩa dũng vi, là câu châm ngôn lấy làm động cơ, mục đích cho việc chia sẻ, đùm bọc của người Việt.
Đất nước đang còn nhiều hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, gia đình cựu thanh niên xung phong… khó khăn. Đất nước đang còn nhiều hộ gia đình nghèo, đặc biệt tập trung ở vùng nông thôn có cộng đồng bà con dân tộc cư trú. Đất nước đang còn những phận người cơ nhỡ, người già đau ốm không có người thân, trẻ con bơ vơ mất cha mẹ ông bà. Đất nước đang còn những nơi nuôi người già, em bé, người khuyết tật, thương bệnh binh nặng, người bị bệnh tâm thần, người bị bệnh nan y mà gia đình không còn khả năng chăm sóc. Mùa xuân đến với mọi người thì mọi người cũng sẵn sàng mở lòng đem niềm vui xuân san sẻ, đùm bọc với những con người ấy. Ta thường nói lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Mùa xuân là thời điểm, là cơ hội tốt cho chúng ta đùm bọc lẫn nhau.
Chúng ta thật sự cảm động về chương trình “Cơm có thịt” do một nhà báo đi đầu thực hiện dành cho trẻ em người dân tộc các trường bán trú và nội trú ở các tỉnh biên giới phía bắc. Chúng ta thực sự cảm động về chương trình “Áo ấm cho em” do các đoàn thể, báo chí và nhà hảo tâm chăm sóc cho các em thiếu nhi chưa có áo ấm mặc mùa đông ở các tỉnh miền Bắc. Ở miền Trung và miền Nam, nổi bật nhất là các bữa ăn miễn phí cho người nghèo, bữa ăn giá 2.000 đồng dành cho người lao động, bữa trưa miễn phí cho thân nhân nuôi bệnh nhân, bữa cháo sáng từ thiện tại các bệnh viện lớn do các nhà báo, các nhà hảo tâm, những người có chức sắc trong các tôn giáo đảm trách.
Những tình cảm dân tộc đẹp như vậy luôn nở rộ đều khắp trong dịp xuân đến. Cùng với hoa xuân nở khắp đất trời, hoa nhân ái của lòng người sẽ nở đều khắp trên cả ba miền đất nước để cùng nhà nước chia sẻ, đùm bọc đồng bào ta, anh em ta. Tất cả các hộ gia đình đủ ăn, những người làm công việc đủ ăn đều có thể tham gia đùm bọc đồng bào nghèo. Đồng tiền, bát gạo, món quà ấy gửi đến nơi nào cũng được, gửi mặt trận cũng hay, gửi chính quyền địa phương cũng tốt, gửi cơ quan báo chí cũng thuận lợi. Chúng ta quyết sẻ chia, đùm bọc để mọi người, mọi nhà trên cả nước cùng có một mùa xuân đầm ấm, no đủ, an vui.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.