Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi: Giá trị và trị giá bảo chứng
Thưa giám tuyển Lý Đợi, là nhà sưu tầm và nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, ông có góc nhìn thế nào về dòng tranh Đông Dương trên thị trường hiện nay? Sự trỗi dậy của tranh Đông Dương hẳn có lý do?
Nếu lấy cột mốc từ khóa 1 của Trường Mỹ thuật Đông Dương, thì mỹ thuật hiện đại của Việt Nam cũng đã trăm năm; còn lấy cột mốc từ những bức tranh đầu tiên mà vua Hàm Nghi vẽ (khoảng năm 1889) thì cũng đã 135 năm. Suốt hành trình đó, dù đất nước trải qua nhiều biến cố lớn, đôi khi phải dời cả trường mỹ thuật lên chiến khu, tạm đóng cửa hoặc giải thể, nhưng nền mỹ thuật vẫn có các tác phẩm đại diện cho các giai đoạn, các trào lưu và phong trào cần thiết.
Cũng trong hành trình xuyên suốt đó, tranh Đông Dương không chỉ đại diện cho thành tựu thời kỳ đầu, mở ra cả nền mỹ thuật hiện đại, mà còn đại diện cho ước mơ hòa bình, tự chủ, thịnh vượng của dân tộc. Đây là lý do đầu tiên để tranh Đông Dương vừa có giá trị cao, vừa có trị giá cao trên thị trường mỹ thuật.
Lý do thứ hai, khá quan trọng, đa số những nhà sưu tập thật sự thích tranh Đông Dương thì phải đáp ứng được 2 điều kiện: 1) chia sẻ được quan niệm, thẩm mỹ của dòng tranh này; 2) phải có nhiều tiền. Muốn có nhiều tiền, đa số cần thời gian dài lao động, tích lũy, nên tuổi tác cũng nhiều theo. Cho nên mới có câu "chơi tranh Đông Dương an toàn với người nhiều tuổi", vì họ đủ thời gian để nhận ra giá trị mỹ thuật, đủ thấy được sự thay đổi về giá cả, giá bán. Nói chung, giá trị và trị giá là hai điều bảo chứng của tranh Đông Dương.
Thứ ba, đó là mốt chơi, điều này khó tránh khỏi, thị trường mỹ thuật nào cũng vậy, không riêng gì Việt Nam. Chơi tranh Đông Dương đang là trào lưu của thị trường mỹ thuật. Đa số muốn có vài tranh Đông Dương để bổ sung bộ sưu tập, để mở rộng lịch sử vấn đề, cũng để vững về mặt tâm lý, kiểu như "bảo vật trấn sơn". Các quan chức, đại gia mới nổi cũng rất thích tranh Đông Dương, vì nó ít nhạy cảm, lại nổi tiếng, nên "đỡ phải giải thích" nhiều khía cạnh, trong đó có câu chuyện nghệ thuật và đề tài tác phẩm.
Sau thời gian lưu lạc, những tác phẩm của nhiều tên tuổi nổi tiếng như cố họa sĩ Trần Phúc Duyên, các danh họa: Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm... đã trở về Việt Nam. Theo ông, việc hồi hương sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dòng tranh này ra sao?
Quan điểm của tôi về tranh là ly hương chưa hẳn đã đáng thương, nên hồi hương cũng chưa hẳn đã đáng mừng. Nếu suốt thế kỷ 20 mà phần lớn tranh đẹp không bị ly hương, thì do hoàn cảnh chiến tranh và thiên tai, bão lụt, chắc chi chúng ta đã gìn giữ được trọn vẹn, tốt đẹp. Chưa nói, đời sống sáng tác và đời sống thị trường khác nhau, nếu không có việc chảy máu chất xám tranh ra nước ngoài thì chưa chắc ngày nay đã có thị trường tranh Đông Dương cao giá, sôi động.
Ly hương và hồi hương thì nhiều nền mỹ thuật đều đã gặp phải. Việc hồi hương, có thể ví dụ như Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản… giữa thế kỷ 20, gần đây có Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam… Nếu nhìn đây như một dòng chảy, thì chính việc ly hương giúp cọ xát, thử thách đời sống cho tác phẩm, việc hồi hương là "vinh quy bái tổ". Nhưng bái tổ xong mà cất kho đâu đó, không tiếp nối hoặc hiện diện trong đời sống, thì cũng không có ích gì.
Tuy nhiên, "việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dòng tranh" là hai công việc khác nhau. Hồi hương giúp cho các bảo tàng, các bộ sưu tập được kiện toàn nhiều hơn, nhưng làm sao để nó phát huy giá trị là việc không đơn giản. Gần đây có nhiều bạn trẻ ra nước ngoài học bài bản về giám tuyển, bảo tồn - bảo tàng, quản trị bộ sưu tập, tiếp thị - kinh doanh nghệ thuật… Hy vọng họ sẽ góp phần giúp sức phát huy giá trị của các dòng tranh, trong đó có Đông Dương.
Tôi có lẽ là người đầu tiên dùng cụm từ "Phổ - Thứ - Lựu - Đàm" trên báo chí, lúc ấy có một số người và một số nơi phản ứng; giờ thì sau 15 năm, mọi thứ đã bình thường hơn. Đưa ra một ví dụ để thấy rằng chính việc hồi hương không chỉ mang về tác phẩm, mà còn mở ra các khái niệm mới, các nhận diện mới. Ngay cả khái niệm cũ như tranh Đông Dương cũng thực sự được nhắc lại và tô đậm hơn trong khoảng 10 năm trở lại đây, chứ nửa cuối thế kỷ 20 thì gần như hạn chế nhắc đến.
Nhiều buổi đấu giá được chốt với giá mua rất cao cho tranh Đông Dương. Là người chuyên sâu trong lĩnh vực này, ông nhận thấy đây thực sự là tín hiệu vui, ghi nhận giá trị thực của dòng tranh này chứ?
Tôi đồng ý với một số người khi cho rằng tranh của Lê Phổ không có nhiều giá trị về mặt lịch sử mỹ thuật, vì ít tính sáng tạo, nhưng vẫn sẽ là một trong vài tác giả cao giá nhất của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Bởi vì Lê Phổ đã tham gia thị trường mỹ thuật từ rất sớm, ngay đầu thập niên 1930 qua cửa ngõ thị trường Pháp và từ đầu thập niên 1960 qua thị trường Mỹ. Nguyên tắc của thị trường mỹ thuật - cũng hơi giống bất động sản - là chỉ có tăng giá, nên ngày nay Lê Phổ cao giá bậc nhất là đương nhiên. Bộ tứ "Phổ - Thứ - Lựu - Đàm" sẽ còn tăng giá dài dài, nên việc họ có tác phẩm bán trên 5 triệu USD, thậm chí 10 triệu USD, là chuyện của tương lai gần.
Trước đây, khi đời sống còn khó khăn, cũng như do quan niệm kiểu "nghệ thuật nên hạn chế nói chuyện tiền bạc, mua bán" và người Việt Nam còn ít chơi tranh, nên tranh giá thấp. Đầu thế kỷ 21, Việt Nam chỉ có khoảng 50 - 60 người chơi tranh, bây giờ có gần 2.000 người, GDP lại tăng trưởng, tầng lớp trung lưu và giàu có đông lên thấy rõ, việc tranh lên giá cũng là điều dễ hiểu. Chưa nói, tranh là một tài sản dễ di động, gọn gàng, ít làm phiền chủ nhân, muốn khoe hay cất giấu cũng khá dễ dàng.
Chuyện "trúng mánh" trên thị trường mỹ thuật cũng thường xuyên diễn ra, điều này có thể do vô tình hoặc cố ý, nhưng đều tạo cảm xúc và sự thu hút đáng kể. Còn nhớ ngày 25.5.2013, nhà đấu giá Christie's tại Hồng Kông đã lên sàn bức lụa La Marchand de Riz (Người bán gạo) với giá ước lượng tương đương 75 USD, do nghĩ đây là tranh của một họa sĩ ít tên tuổi người Trung Quốc. Khi phiên đấu diễn ra, do vài nhà sưu tập biết đây là tranh của Nguyễn Phan Chánh, nên đã đấu đến 390.000 USD, trở thành bức cao giá nhất trên thị trường công khai của họa sĩ này vào thời điểm đó.
Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia là nước đầu tiên bán bức tranh 1 triệu USD trên thị trường công khai, lúc ấy tranh Việt Nam chỉ mới loanh quanh 20.000 - 50.000 USD, chỉ vài bức 100.000 USD thôi, ví dụ Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí mà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mua, ngày nay là bảo vật quốc gia. Trong 15 năm trở lại đây, nước ta là một thị trường đang sôi động bậc nhất, tăng trưởng đúng nghĩa năm sau cao hơn năm trước. Không phải ngẫu nhiên mà trong 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa TP.HCM chọn để phát triển đến năm 2030 thì có mỹ thuật. 8 lĩnh vực đó là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Ông có thể chia sẻ cho độc giả Thanh Niên những tác phẩm về mùa xuân của những tác giả thuộc dòng tranh Đông Dương?
Các chủ đề lớn của tranh Đông Dương là đời sống thanh bình, an vui, thịnh vượng, tết nhất, thiếu nữ... Tết nhất hoặc áo dài trong tranh Đông Dương là 2 chủ đề có thể viết thành 2 cuốn sách, vì các minh họa sống động, thuyết phục. Trong các tranh được công nhận bảo vật quốc gia, thì Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân, Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí, hay Thiếu nữ trong vườn của Nguyễn Gia Trí, không khí ngày xuân rất rõ ràng. Đây cũng là 2 danh họa tiêu biểu của nền mỹ thuật Đông Dương.
Nhà phê bình mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Ánh bình minh huy hoàng
Thưa ông, lịch sử hội họa đang ghi nhận Lê Văn Miến là họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam, nhưng gần đây xuất hiện thông tin bức tranh đầu tiên được vua Hàm Nghi vẽ từ năm 1889 thì vấn đề này có tranh cãi. Ý kiến của ông về vấn đề thời sự này như thế nào? Tranh của vua Hàm Nghi có phải là tranh Đông Dương?
Không chỉ là chuyện vua Hàm Nghi hay Lê Văn Miến ai vẽ tranh sơn dầu trước, mà theo tôi, lịch sử của mỹ thuật luôn phải được bổ sung, cập nhật từ các phát hiện mới. Chúng ta luôn ghi nhận những người có công lớn như Nam Sơn, Thang Trần Phềnh…, mà từ khi có họ đã tạo nên các bước ngoặt cho hội họa Việt Nam. Trường hợp tranh của vua Hàm Nghi là ngoại lệ, bởi lúc sáng tác ông không sống tại Việt Nam và không liên hệ gì với nền mỹ thuật Đông Dương nên không phải là dòng tranh Đông Dương. Chủ yếu nhà vua tự học và tiếp xúc hội họa thế giới qua cái nhìn hoàn toàn khác, so với những họa sĩ ở Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Dòng tranh Đông Dương bắt đầu vươn ra thế giới và rất thành công tại triển lãm thuộc địa quốc tế Paris năm 1931. Bức tranh Việt Nam đầu tiên vẽ chân dung Mẹ tôi của danh họa Nam Sơn (người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương) được Chính phủ Pháp mua cùng với bức Thời hạnh phúc của Lê Phổ đã đạt Huy chương bạc tại Salon 1932. Ít ai biết rằng, giai đoạn 1931 - 1933, Nguyễn Phan Chánh đạt tới 50% doanh số bán tranh của Trường Mỹ thuật Đông Dương ở nước ngoài, đã nói lên sức hút của dòng tranh này. Rất nhiều người mua về Pháp làm quà tặng, quan chức chính quyền cũng muốn sở hữu để kỷ niệm, làm quà. Có thể khẳng định đây là thời kỳ hoàng kim của mỹ thuật mà tôi hay gọi là "ánh bình minh huy hoàng", trước khi vụt tắt vào năm 1945 lúc trường bị đóng cửa.
Gắn bó với mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là tranh Đông Dương, ông đặc biệt ấn tượng với tên tuổi nào nhất?
Nói đến tranh Đông Dương, tôi đặc biệt ấn tượng với Nguyễn Phan Chánh, dù chịu ảnh hưởng của tranh Nhật và góc nhìn phương Tây nhưng lại là người vẽ tranh lụa mang đậm tính cách Việt Nam.
Người thứ hai là ông ngoại Nam Sơn của tôi, dù chỉ phụ trách lớp dự bị nhưng tất cả sinh viên học chính thức đều phải trải qua sự trui rèn, hướng dẫn của ông. Tác phẩm Chợ Gạo bên sông Hồng của Nam Sơn là bức tranh đầu tiên được nhà nước Pháp mua và trưng bày ở bảo tàng quốc gia.
Còn người nữa là Nguyễn Gia Trí, một danh họa đã biến tranh sơn mài từ đồ mỹ nghệ thường phục vụ đời sống hằng ngày và tâm linh thờ cúng, thành tác phẩm nghệ thuật để có thể treo trên tường để thưởng lãm. Mỗi khi nhìn thấy các tác phẩm của ông, người xem đều như đi lạc vào thế giới thần tiên.
Theo ông, tranh vẽ mùa xuân của mỹ thuật Đông Dương có gì đặc biệt?
Các bạn thử nhìn vào bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí sẽ thấy cả một mùa xuân tươi vui rộn ràng; hay Thiếu nữ bên hoa phù dung là cả một trời xuân lồng lộng, vẻ đẹp thiếu nữ tuyệt trần như hiện thân của khát vọng tự do và đầy mộng mơ. Các cô thiếu nữ bên hoa đào của Lương Xuân Nhị, Đi chợ tết của Nguyễn Tiến Chung diễn tả hình dáng những cô gái thật nền nã trong tà áo dài, thướt tha giữa ngàn hoa ngày tết bên hoa sen, hoa đào. Bộ tứ Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái cũng vẽ nhiều tranh về mùa xuân. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm còn lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, đem truyền thống dân tộc vào hội họa hiện đại để vẽ tranh 12 con giáp rất đẹp, trở thành hiện tượng độc lạ của mỹ thuật Việt Nam được các nhà sưu tập đặc biệt thích thú.
Bình luận (0)