Đà Lạt là đất lành cho dân tứ xứ. Ngày trước, cư dân chung bản quán sống theo cụm ấp như: ấp Hà Đông (di dân từ các làng phía bắc như Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Tây Tựu, Vạn Phúc; thành lập năm 1938), ấp Nghệ Tĩnh (di dân từ Nghệ An, Hà Tĩnh; lập năm 1940), ấp Ánh Sáng (mang dấu ấn cộng đồng Huế, thành lập đầu thập niên 1950), ấp Thánh Mẫu (di dân từ Hà Tĩnh; thành lập năm 1955)... Cộng đồng các ấp giữ nhiều nền nếp sinh hoạt truyền thống văn hóa mang theo từ những miền quê cũ. Tuy nhiên, khi hòa nhập đời sống cộng đồng đô thị mới của xứ lạnh Đà Lạt, họ bước ra khỏi các ranh giới vô hình của không gian phong tục riêng, để tìm thấy sự chan hòa trong văn hóa thị dân của một thành phố chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn minh, lối sống phương Tây.
Buổi sáng đầu năm, người dân ở ngoài phố và các ấp giữ thói quen đi lễ chùa, lễ tân niên ở nhà thờ. Chùa Linh Sơn và nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt là nơi người Đà Lạt ở khu trung tâm thường đến dự lễ đầu năm. Các ấp xa trung tâm cũng có những giáo đường, đình làng và chùa chiền riêng, nghi lễ hợp với phong tục truyền thống. Các đình làng cũng có nhang đèn để con dân tề tựu vui xuân và cầu mong điều lành, điều thuận trong năm mới. Rồi nhiều người Đà Lạt thường đến các nghĩa trang để viếng ông bà tổ tiên.
Từ 1954 - 1975, Đà Lạt là thành phố đặc khu giáo dục và văn hóa, đô thị nghỉ dưỡng, nên người đến học hành nghiên cứu, làm việc và du lịch khá lớn. Những cảnh sinh hoạt làm nên sự “sôi động” bề mặt của thành phố này quanh năm được góp phần tạo ra bởi người trẻ là sinh viên học sinh, thì khi tết đến, sinh viên về quê, du khách tham quan chưa nhiều, đường phố vắng vẻ. Trong năm, người Đà Lạt bị coi “khép kín”, thường “giấu mình” trong những ngôi nhà, dinh thự, mảnh vườn, sau giờ làm cũng ít la cà quán xá, phố phường. Nên tết nhất là dịp để họ ra đường, cởi mở, hài hòa với tha nhân và thưởng ngoạn cảnh sắc đất trời.
Thời tiết mùa xuân se se lạnh. Trẻ con được mặc những bộ áo khoác đẹp nhất, phụ nữ trong những bộ áo dài truyền thống, khoác áo len nhẹ và đàn ông thì ăn vận theo phong cách “suit” lịch thiệp... Họ gặp gỡ, chào hỏi nhau từ sân nhà thờ, sân chùa hay nơi các thắng cảnh, hài hòa và nhã nhặn.
Ngày tết cũng là dịp người Đà Lạt thoát ra khỏi nhịp điệu đời sống thường nhật để... làm lữ khách trên chính quê hương mình.
Anh Phạm Anh Dũng, một nhiếp ảnh gia sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, kể rằng trẻ con thường được đi ra hồ Xuân Hương đạp xe đạp nước hay xem phim. Buổi tối, người thuộc tầng lớp khá giả trung lưu thường đến nghe nhạc, nhảy đầm ở La Tulipe Rouge, Night Club - Hôtel du Parc hay khách sạn Duy Tân...; người bình dân thì rủ rê nhau đi ăn chè ở dốc Minh Mạng, ăn kem hay cà phê cùng bạn bè. Cung đường đẹp mà người Đà Lạt thích đi dạo ngày trước là từ sân bóng qua phía Cầu Đen (nay là bến xe ngựa). Rồi trong nắng xuân, nhiều gia đình đã làm những cuộc picnic nhỏ trên đồi Cù. Anh Dũng cũng nhớ rằng đồi Cù vào ngày tết rất nên thơ, vì vậy mà nhiều đôi lứa chọn để hẹn hò, du xuân, nhiều nhóm bạn tổ chức họp mặt ngoài trời...
Vào thập niên 1960 - 1970, Đà Lạt có rất nhiều ảnh viện. Cứ đến tết, thợ ảnh là nghề bận rộn nhất, vì nhu cầu chụp ảnh lưu niệm của người dân thành phố rất lớn. Các ảnh viện nổi tiếng như: Văn Hoa, Mỹ Dung, Hồng Châu, Việt Ảnh, Đại Việt, Hồng Th ủy, Bích Nga, Chi Lăng... thường đông khách vào ra chụp ảnh gia đình.
Người Đà Lạt cũng ít đi ra khỏi thành phố, bởi vì nội đô đã quá nhiều thắng cảnh đẹp. Hơn nữa, việc đi lại ngày đó cũng khó khăn. Chỉ những gia đình có xe hơi riêng thì mới thường đi tham quan những điểm nổi tiếng ở ngoại ô như chùa Linh Phước, các con thác: Prenn, Pongour, Liên Khương...
Trong ký ức của anh Nguyễn Thi - một nhà sưu tầm ảnh và thiết bị âm thanh xưa - thì ba mẹ anh thường đưa các con đi chơi tết ở vườn Bích Câu, thác Cam Ly, Datanla, hồ Than Thở hay xa hơn là thác Prenn. Trong bộ sưu tập ảnh của anh Thi, có thể nhận ra những bức ảnh ngày đầu năm rạng rỡ của một gia đình trung lưu. Với trẻ thơ, ngoài du xuân với gia đình thì đến rạp phim cũng là một ký ức khó quên. “Tết năm 1975, có bao nhiêu tiền lì xì, tôi dành đi xem phim ở các rạp Ngọc Lan, Hòa Bình hết sạch vì thời bấy giờ tôi mê điện ảnh lắm”, anh Thi nhớ lại.
Nếu lang thang trong phố vào ngày tết, các gia đình viên chức, trí thức có thể hẹn bạn bè ở một góc quán có thể ngắm cảnh phố phường mùa xuân. Hồi ức của nhà giáo, nữ sĩ Vi Khuê (vợ của ông Chử Bá Anh, Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Văn Học trước 1975) có đoạn viết về cảm xúc buổi sáng mùng 3 tết năm 1968, khi bà cùng đôi bạn uyên ương mới cưới từ Sài Gòn lên Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Họ ngồi ở góc nhà hàng Mékong và nhìn thành phố ngày tết qua ô cửa kính.
Thành phố thật đẹp trước một vụ giao tranh lớn: “... ngồi đây mà nhìn ra thì thấy hết tất cả những ai đi bát phố vào sáng mồng ba tết đẹp trời, như hôm nay. Tất cả những ai đi chợ mà có “chưng diện” đẹp, mà không phải chỉ để mua cá mua thịt xong rồi về, thì thế nào lại chả lượn một vòng quanh khu Hòa Bình để ngắm cảnh ngắm người, và để... người ngắm ta! Còn du khách thì thôi khỏi nói, du lịch Đà Lạt là trước tiên phải đi chợ Hòa Bình, và tối thiểu cũng rảo một vòng quanh đây... Nghĩa là thiên hạ sẽ từ từ nối đuôi nhau, diễn hành trước mắt chúng tôi qua lớp cửa kính chẳng bị vẩn đục một lớp sương mù nào của ngày đẹp trời hôm nay”. (Vi Khuê; Đà Lạt, Tết Mậu Thân; dalatdauyeu.org).
Trong khi đó, một gia đình nông dân ở ấp Thánh Mẫu hay Vạn Thành, Hà Đông thì lại tận hưởng một cái tết thanh bình theo phong cách nhà vườn. Cô giáo Nguyễn Kim Thành lớn lên ở xứ đạo Thánh Mẫu nhớ lại rằng những ngày tết, giáo xứ thường tổ chức hội chợ, văn nghệ xuân. Thời ấy nhà ai cũng rực rỡ đủ sắc hoa bên vườn, trước sân, ngoài ngõ và trên mọi con đường trong ấp... nên không phải đi mua hoa ở đâu nữa cả.
Tết thực sự là thời gian mà đất trời xứ sở hoa đào Đà Lạt dành tặng những gì đẹp nhất cho cư dân của mình. Phong vị mùa xuân xưa thanh tao và bình yên chỉ còn chăng trong các album và bưu ảnh cũ.