Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc năm 2023 = tỷ lệ đóng (32%) x tiền lương đóng bắt buộc.
Trong đó, theo điều 89 luật BHXH năm 2014, đối với người lao động hưởng lương do nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (mức lương dùng để tính đóng BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Riêng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm là mức lương cơ sở.
Đối với người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động quy định thì tiền lương đóng gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Về mức đóng, theo quy định, từ ngày 1.10.2022, đối với người lao động trong nước, mức đóng bảo hiểm là 32%.
Trong đó, người sử dụng lao động đóng 21,5% (cụ thể là 14% vào chế độ hưu trí, 3% chế độ ốm đau - thai sản, 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, 1% vào bảo hiểm thất nghiệp và 3% bảo hiểm y tế).
Còn người lao động đóng 10,5% (cụ thể gồm 8% vào hưu trí, 1% bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% bảo hiểm y tế).
Đối với lao động người nước ngoài, mức đóng bảo hiểm là 30%. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 20,5% (cụ thể là 14% vào chế độ hưu trí, 3% chế độ ốm đau - thai sản, 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và 3% bảo hiểm y tế). Còn người lao động đóng 9,5% (cụ thể gồm 8% vào hưu trí và 1,5% bảo hiểm y tế).
Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thì nếu đủ điều kiện, cần có văn bản đề nghị và được Bộ LĐ-TB-XH chấp thuận thì được đóng vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn là 0,3%.
Xem nhanh 20h ngày 5.4: Phí bôi trơn khủng vụ ‘chuyến bay giải cứu’ | Việt Nam có 6 tỉ phú USD
Bình luận (0)