Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm là quy định về mức giảm trừ gia cảnh.
3 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Theo Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo, luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định thu nhập cá nhân chịu thuế là khoản sau khi đã trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đóng góp từ thiện…
Từ năm 2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế được áp dụng là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm), với người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2013, mức giảm trừ với 2 đối tượng nêu trên tăng lần lượt là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, bổ sung quy định nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Năm 2020, thêm một lần mức giảm trừ gia cảnh được nâng, lần lượt là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng cho đến nay.
Bộ Tài chính đánh giá, với mức giảm trừ hiện hành, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hoặc 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Cơ quan soạn thảo dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) là 10,86 triệu đồng/tháng/người.
"Mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay bằng 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng), tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất", Bộ Tài chính nêu.
Giao Chính phủ quy định để linh hoạt hơn?
Thời gian qua, có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân.
Một số ý kiến khác thì đề nghị quy định mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn...
Bộ Tài chính nhận định, sau gần 5 năm áp dụng, cũng tới lúc cần thiết rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với các điều kiện mới.
Về bản chất, giảm trừ gia cảnh là việc đảm bảo mỗi cá nhân phải có mức thu nhập nhất định đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống (ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh...), vượt ngưỡng này mới áp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau.
Do đó, việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế.
Mức giảm trừ quá cao sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại "chính sách thuế đối với người có thu nhập cao" như giai đoạn trước đây.
Bộ Tài chính đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Bình luận (0)