Mức hưởng BHXH 1 lần: Nên trả lại hết cho người lao động

06/06/2006 00:27 GMT+7

Quốc hội (QH) đang xem xét, thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng (ảnh) cho rằng một số điểm "mới" trong dự thảo thực chất là không có lợi cho người lao động (NLĐ).

* Theo dự thảo Luật BHXH mới, lương hưu sẽ được tính căn cứ vào bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu (quy định hiện nay là 5 năm). Điều này sẽ làm giảm lương hưu của những NLĐ làm hành chính sự nghiệp so với trước đây. Ông nghĩ gì về điều này ?

- Ông Đặng Ngọc Tùng: Những nhà soạn thảo tính toán mức này dựa trên các cơ sở khoa học về sự tồn tại bền vững của Quỹ BHXH, nếu  để mức như cũ thì sẽ dẫn tới thâm thủng Quỹ BHXH. Tuy nhiên, ý kiến cá nhân của tôi và của tổ chức Công đoàn là phải cân nhắc thật kỹ điều này trước khi thông qua luật. Tính lương hưu căn cứ vào 15 năm cuối là thời gian quá dài, nó làm cho lương hưu của NLĐ thấp hơn rất nhiều. Tôi cũng có kiến nghị với Ban soạn thảo nên tính trung bình của 10 năm chứ không nên tính 15 năm. Tôi đưa ra ý kiến này vì Quỹ BHXH cũng có đầu tư, tích lũy và sinh lời; bên cạnh đó cũng phải hạn chế và giảm tối đa chi phí quản lý của Quỹ BHXH.

* Thưa ông, điều 56 dự thảo Luật BHXH có quy định: "Mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH". Tại sao lại nhận 1,5 tháng trong khi mức đóng của NLĐ thì lại nhiều hơn số này ?

- Ông Đặng Ngọc Tùng: Về nguyên tắc, khi NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, phải lĩnh BHXH một lần thì quan hệ giữa NLĐ và cơ quan BHXH này coi như chấm dứt, không có ràng buộc với nhau. Do đó, cái gì của NLĐ đóng chúng ta nên trả lại hết cho NLĐ.

Theo quy định hiện tại, mức đóng mà chúng ta chỉ định cho quỹ hưu trí là 16%, từng bước nâng lên năm 2016 là 22% tiền lương. 16% tiền lương có nghĩa là một năm số tiền đóng là 1,92% tháng lương. Nếu đến năm 2016 với 22%, một năm NLĐ đóng là 2,6 tháng lương. Theo dự thảo, chúng ta  chỉ đề nghị trả lại cho NLĐ có 1,5 tháng lương; phần chênh lệch sẽ được dùng vào việc gì ? Chúng tôi đã đề nghị chỉnh lại quy định này: mức hưởng BHXH 1 lần được tính toàn bộ số tiền mà NLĐ đã đóng vào quỹ hưu trí và chốt sau khi trừ đi chi phí quản lý.
 
Tôi cũng xin nói thêm là chúng tôi cũng không đồng tình với quy định: NLĐ sau khi nghỉ việc 5 năm mới được trả lại tiền BHXH. Trường hợp quy định là 5 năm thì phải trả tiền lãi ngân hàng trên số tiền NLĐ nhận được, nếu không thì NLĐ sẽ thiệt đủ đường.

* Ông cũng không đồng tình với việc dự thảo Luật BHXH quy định NLĐ nữ nghỉ hưu sau tuổi 55 lại được lĩnh lương hưu ít hơn NLĐ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55. Liệu sẽ có sự sửa đổi nào trước khi QH chính thức thông qua dự luật này ?

- Ông Đặng Ngọc Tùng: Tôi nghĩ rằng Ban soạn thảo đã tính toán chưa chính xác. Chính vì vậy, khi các đại biểu QH lên tiếng phản ứng, Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu và tới đây sẽ sửa đổi khi luật được thông qua.

* Thưa ông, dự thảo còn dự kiến sẽ cho phép chi tối đa 3% trên tổng số thu phí BHXH bắt buộc cho chi phí quản lý của quỹ. Ông có ý kiến gì về quy định này ?

- Ông Đặng Ngọc Tùng: Tôi rất không đồng tình với việc đưa tới 3% tổng số thu phí BHXH cho chi phí quản lý của quỹ. Sắp tới, số lượng người tham gia BHXH sẽ tăng lên rất nhiều, số tiền đóng BHXH cũng tăng theo: 3% trên tổng số thu này là quá lớn. Tiền đóng góp của NLĐ mà chi phí như vậy là không hợp lý. Tôi cũng thăm dò ý kiến của các đại biểu QH thì đa số cũng không đồng tình với quy định này.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ly  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.