Mức lương hấp dẫn khiến ngành logistics hot trong mùa tuyển sinh 2024

18/06/2024 08:00 GMT+7

Logistics là 1 trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định của Việt Nam với tốc độ bình quân 14-16%/năm, cơ hội việc làm lương cao, nhiều triển vọng thăng tiến, SV khó lo thất nghiệp vì nguồn cung nhân lực đang chỉ đáp ứng được 10% nguồn cầu.

Mức lương hấp dẫn khiến ngành logistics hot trong mùa tuyển sinh 2024- Ảnh 1.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics có thể làm các công việc như Chuyên viên thu mua, Nhân viên kho/ hải quan/ chứng từ/ điều phối…

So với các ngành nghề khác thì mức lương ngành Logistics khá cao, đối với sinh viên mới ra trường và ít kinh nghiệm sẽ có mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tùy vào năng lực, vị trí và kinh nghiệm làm việc sẽ có mức lương cao hơn lên tới 50 triệu đồng/tháng. Đối với các vị trí cấp cao như Quản lý Logistics hay Giám đốc Chuỗi cung ứng, mức lương có thể lên tới 80 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn. Một số doanh nghiệp thậm chí có thể sẵn sàng chi trả 80 - 150 triệu đồng/tháng nếu người lao động có đủ năng lực và kinh nghiệm để giúp doanh nghiệp của họ phát triển tốt nhất.

Mức lương hấp dẫn là vậy nhưng ngành Logistics hiện nay vẫn "khát" nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2022 của Bộ Công thương cho biết, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics của cả nước là trên 200.000 người. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của khối đào tạo chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu thị trường. Số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics cũng chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.

Theo TS.Nguyễn Duy Hồng (Giám đốc Vận hành Tập đoàn YCH Singapore, Trưởng môn Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu Trường Đại học FPT Hà Nội), khoảng trống nguồn nhân lực trong bức tranh tiềm năng của ngành logistics một phần do thực trạng đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. "Nhiều trường hợp sinh viên sau khi tốt nghiệp một chuyên ngành nào đó rồi học thêm một nghiệp vụ như điều vận, khai hải quan… và ngộ nhận rằng mình đã hiểu toàn diện về ngành Logistics. Tất nhiên, các em vẫn có thể làm tốt một phần nghiệp vụ nói trên, nhưng khả năng thăng tiến sẽ bị rào cản. Cho nên việc đào tạo lại, định hướng lại của doanh nghiệp đối với nhân sự ngành Logistics thường gặp nhiều khó khăn", TS.Nguyễn Duy Hồng chia sẻ.

Thấu hiểu thực tế đó nên dù không phải là trường ĐH tiên phong mở ngành Logistics nhưng Trường ĐH FPT - theo TS.Nguyễn Duy Hồng đánh giá - lại xây dựng được chương trình đào tạo khác biệt và sát với thực tiễn, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực Logistics "vừa hồng vừa chuyên". "Hồng" ở đây tức là khả năng hiểu tổng quan, hiểu chính xác về ngành. Hiểu biết trên diện rộng xong, sinh viên mới đi vào "chuyên" - tức là những chuyên ngành hẹp khác nhau, tránh trường hợp "nhảy" vào chuyên ngành hẹp ngay từ đầu và ngộ nhận đó là Logistics.

Đặc biệt, với lợi thế công nghệ của Tập đoàn FPT, yếu tố công nghệ luôn được nhúng sâu trong chương trình học ngành Logistics. Sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng làm việc với các ứng dụng công nghệ chính hiện nay như hệ thống ERP với SAP, học máy (machine learning), kinh doanh thông minh (business intelligence), khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Blockchain. Đây là những công nghệ nổi bật giúp tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm trong quá trình vận hành, tạo ra giá trị, lợi thế cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững.

Mức lương hấp dẫn khiến ngành logistics hot trong mùa tuyển sinh 2024- Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH FPT đi thực tế tại doanh nghiệp trong ngành Logistics

"Với kinh nghiệm hơn 10 năm xây dựng đội ngũ của mình, thú thực tôi thấy đào tạo lại về nhân lực cái gì cũng dễ nhưng đào tạo lại ngoại ngữ là điều cực kỳ khó. Song cái khó này lại là lợi thế của những sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH FPT. Chương trình học chú trọng ngoại ngữ, giáo trình 100% bằng tiếng Anh là nền tảng để sinh viên Trường ĐH FPT có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành để đàm phán, giao dịch, chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp, khách hàng trong ngành Logistics. Đó là một lợi thế cực kỳ lớn", TS.Nguyễn Duy Hồng cho biết.

Được biết năm 2024 Trường ĐH FPT chính thức tuyển sinh chuyên ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng. Thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ tuyển sinh vào Trường ĐH FPT khi: thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh Hệ đại học chính quy năm 2024 của Trường; Đạt xếp hạng Top50 theo học bạ THPT năm 2024.

Ngoài ra, thí sinh có thể xét tuyển vào trường bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo tổ hợp môn Toán và 2 môn bất kỳ. Điểm trúng tuyển sẽ công bố cụ thể sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.