Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Trong tuần qua, lượng mưa trên vùng hạ lưu vực sông Mekong vẫn thấp, phổ biến ở mức từ 10 - 75 mm, chỉ một số nơi trên khu vực thượng Lào, Thái Lan và Đông Bắc Campuchia ghi nhận lượng mưa trên 75 mm. Đối với vùng ĐBSCL lượng mưa cũng khá thấp phổ biến từ 10 - 60 mm và phân bố không đều. Một số nơi trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang và Cà Mau ghi nhận lượng mưa cao trên 60 mm. Mưa ít là một phần nguyên nhân khiến mực nước lũ miền Tây thấp, yếu tố quan trọng còn lại là do các đập thủy điện thượng nguồn tiếp tục tích nước.
Trong khi đó, lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về vùng hạ du tương đối thấp khiến mực nước tại Kratie trong tuần qua có xu thế giảm với cường suất trung bình 12,4 cm/ngày. Đến ngày 22.8, mực nước tại Kratie là 15,85 m; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn đến 2,68m và thấp hơn năm 2023 là 0,49m.
Mực nước tại Biển Hồ trong tuần qua có xu thế tăng với cường suất trung bình 3,14 cm/ngày nhưng mực nước vẫn thấp. Đến ngày 22.8, mực nước đạt 5,25 m so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,68 m và cao hơn năm 2023 là 0,65m.
Thượng nguồn tích lớn, mực nước lũ sông Mekong thấp hơn cả mét
Đối với vùng ĐBSCL, mực nước tại trạm Tân Châu (An Giang) trong tuần qua có xu thế tăng với cường suất trung bình 7cm/ngày. Mực nước cao nhất ngày 21.8 đạt 2,27m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,7 nhưng cao hơn năm 2023 là 0,12m.
Tại trạm Châu Đốc, mực nước trong tuần qua có xu thế tăng với cường suất trung bình 10cm/ngày. Mực nước cao nhất đạt 2,38m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ là 0,17m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,24m.
Dự báo, lượng mưa trong những ngày tới trên lưu vực hạ lưu sông Mekong ở mức thấp và có xu thế ít biến đổi. Lượng mưa dự báo phổ biến ở mức từ 2 - 10 mm, nhiều nơi không mưa. Điều này khiến mực nước sông Mekong mùa lũ tiếp tục ở mức thấp so với trung bình nhiều năm.
Bên cạnh lượng mưa ít thì các đập thủy điện thượng nguồn cũng tăng cường tích nước khiến cho dòng chảy mùa lũ bị ảnh hưởng nặng. Theo MDM (Dự án Giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mekong) trong tuần qua, lượng nước được giữ lại ở các con đập khoảng 1 tỉ m3. Lần này không phải Trung Quốc mà các con đập ở Lào đã tích một lượng nước khá lớn như đập Nam Ngum 1 tích 427 triệu m3) và Nam Ngum 2 tích 698 triệu m3.
Tính chung từ đầu mùa lũ đến nay, các con đập thượng nguồn đã tích 12 tỉ m3 nước bị giữ lại tại các đập thủy điện ở thượng nguồn đang làm suy giảm nhịp lũ của sông Mekong. Điều này khiến diện tích ngập lũ cả vùng hạ lưu sông Mekong đến đầu tháng 8 năm nay chỉ có 11.500 km2 trong khi thông thường những năm trước đây có khoảng 17.000 km2. Việc lũ thấp và diện tích ngập tự nhiên ít gây ra tác động nghiêm trọng đối với ngành thủy sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp trên sông Mekong. Vì mùa này là mùa sinh sản của các loài thủy sản và nước lũ mang phù sa về bổ sung sinh dưỡng và vệ sinh đồng ruộng. Nước lũ nhiều, đồng nghĩa với nguồn tài nguyên thiên nhiên từ thượng nguồn mang về càng phong phú.
Bình luận (0)