Mực nước ở sông Thái Bình, sông Thao xuống thấp nhất lịch sử
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 2, tổng lượng mưa (TLM) trên cả nước phổ biến thiếu hụt từ 10 - 30 mm so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Đáng chú ý, Tây nguyên và Nam bộ nhiều nơi cả tháng không có mưa; riêng khu vực từ Bình Định đến Khánh Hoà cao hơn từ 20 - 40 mm so với TBNN cùng thời kỳ.
Trong tháng 3, tại Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ có TLM ở mức cao hơn từ 20 - 40 mm, có nơi trên 50 mm; các khu vực khác trên cả nước phổ biến xấp xỉ đến thiếu hụt từ 20 - 50 mm so với TBNN cùng thời kỳ.
Thời kỳ 10 ngày đầu tháng 4, TLM trên cả nước phổ biến thiếu hụt từ 5 - 15 mm, riêng tại khu vực tây bắc Bắc bộ, Tây nguyên và miền Đông Nam bộ thiếu hụt 20 - 40 mm, có nơi trên 50 mm so với TBNN cùng thời kỳ. Đặc biệt, Nam bộ nhiều nơi tiếp tục không xuất hiện mưa.
Mực nước các sông tại Bắc bộ xuống dần và ở mức thấp. Đặc biệt, trên sông Thái Bình tại Phả Lại (tháng 2) và sông Thao tại Phú Thọ (tháng 4) đã xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử. Dòng chảy trên các sông khu vực Bắc bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 20 - 40% (trong nửa đầu tháng 4, dòng chảy trên sông trên sông Thao và sông Lô thiếu hụt từ từ 40 - 70% so với TBNN).
So với cùng kỳ năm 2023, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng ở mức thấp hơn từ 20 - 30%; riêng dòng chảy đến hồ Thác Bà lớn hơn năm 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dung tích các hồ chứa thủy điện lớn trên sông Hồng cao hơn năm 2023 khoảng 4.617 triệu m3.
Khô hạn ở Tây nguyên, Nam bộ bao giờ chấm dứt?
Cơ quan khí tượng cho biết thêm, từ tháng 2 đến đầu tháng 4, mực nước trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây nguyên biến đổi chậm và ở mức thấp, đặc biệt trên sông Chu tại Xuân Khánh, sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An) đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ tháng 3.
Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Quảng Bình, sông Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) và một số sông ở Tây nguyên (sông Krông Buk, sông Eakrông) phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 10 - 30%; các sông khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên và khu vực Tây nguyên ở mức thấp hơn TBNN từ 20 - 50%, riêng sông La Ngà (nam Bình Thuận), sông Bến Hải (Quảng Trị) và sông Vệ (Quảng Ngãi) thấp hơn khoảng 60 - 80%.
Tình trạng khô hạn cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi đã diễn ra tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tại Nam bộ, trong thời gian từ tháng 2 đến đầu tháng 4, sông Đồng Nai tại Tà Lài (H.Tân Phú, Đồng Nai) biến đổi chậm với xu thế xuống dần.
Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm với xu thế xuống dần và phổ biến ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1 - 1,5 m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu tháng 2 đến nay ở mức thấp hơn 14% so với TBNN.
Trong khoảng thời gian này, ở ĐBSCL đã xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao vào thời kỳ 8 - 14.2; 10 - 13.3; 8 - 13.4; ranh mặn 4g/lít tại các cửa sông phổ biến ở mức cao hơn TBNN, cùng kỳ năm 2023, nhưng thấp hơn các năm 2016, 2020.
Dự báo, tình trạng khô hạn ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5 tới. Ở Trung bộ, khô hạn có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4 - tháng 7.
Mùa mưa tại khu vực Bắc bộ, Trung bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN. Mùa mưa tại Tây nguyên và Nam bộ xuất hiện muộn hơn so với TBNN, thời kỳ từ tháng 6 gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình các năm.
Bình luận (0)