Mục sở thị biểu tình ở thủ đô Washington D.C

06/01/2021 17:35 GMT+7

Tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), các cuộc biểu tình đều được lực lượng công quyền theo dõi chặt chẽ và dường như luôn có các phương án phòng ngừa rủi ro.

Đó là những gì tôi từng chứng kiến khi xem các cuộc biểu tình ở Washington.

Khi Nhà Trắng thiết lập vành đai an ninh

Một buổi trưa giữa tháng 10.2016, trong lúc hàng trăm du khách nô nức tham quan phía trước cổng chính Nhà Trắng giữa sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh, thì lực lượng mật vụ đột nhiên yêu cầu toàn bộ những người không phận sự phải nhanh chóng ra xa. Mọi người phải đứng trên vỉa hè đối diện nơi tổng thống Mỹ cư ngụ.
Chỉ trong vài phút, một vành đai an ninh đầy căng thẳng được thiết lập, chó nghiệp vụ xuất hiện, lực lượng đặc vụ xuất hiện đông hơn và mang theo cả tiểu liên MP5 chứ không chỉ súng ngắn như trước đó.

Vành đai an ninh được thiết lập quanh Nhà Trắng trước khi 1 nhóm biểu tình xuất hiện.

Phát Tiến

Hướng mắt lên nóc tòa nhà đầy quyền lực, vài tay súng bắn tỉa hiện diện. Tiếp đó, các đặc vụ còn căng dây vạch rõ khu vực phong tỏa, trực thăng liên tục quần thảo bên trên. Chính vì thế, nhiều người vẫn nán lại chờ xem chuyện gì sắp diễn ra, mà không hề có chút lo ngại gì trước không khí căng thẳng của lực lượng an ninh.

Đặc vụ được triển khai trên nóc Nhà Trắng khi vành đai an ninh được thiết lập.

Phát Tiến

Suốt hơn 30 phút trôi qua, có lẽ vì hiếu kỳ giống tôi, hàng trăm du khách đều nán lại theo dõi. Một du khách đứng gần nói với tôi rằng không biết chuyện gì nhưng chắc không có gì nguy hiểm, vì nếu không thì các du khách đã được yêu cầu cách xa. Có lẽ phải đến 45 phút kể từ lúc vành đai an ninh được thiết lập quanh Nhà Trắng, thì một đoàn biểu tình với chỉ khoảng vài trăm người xuất hiện. Và đây chính là nguyên nhân khiến cho an ninh được siết chặt.

Nhóm ủng hộ ứng viên Jill Stein (năm 2016) lên án về “bầu cử kim tiền” khi biểu tình trước Nhà Trắng.

Phát Tiến

Đoàn biểu tình này thực tế chẳng phải phản đối chính quyền, mà mục tiêu là phản đối cả ông Donald Trump và bà Hillary Clinton. Bởi thời điểm đó là lúc mà cuộc chạy cạnh đua vào Nhà Trắng giữa 2 ứng viên này đang diễn ra gay cấn. Và nhóm biểu tình trên đã giăng biểu ngữ để đả phá “cuộc bầu cử kim tiền”, đồng thời kêu gọi ủng hộ bà Jill Stein - ứng viên của đảng Xanh cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Không khí căng thẳng trước đó nhanh chóng trở nên rộn ràng và nhóm biểu tình sau vài chục phút hò hét, kêu gọi thì cũng nhanh chóng rời đi.

“Đại nhạc hội” gần khách sạn Trump

Nhưng không phải cuộc biểu tình nào mà tôi chứng kiến ở Washington D.C cũng “mở đầu” căng thẳng như lần trên. Cuối năm 2019, khi vừa rời khỏi tầng ngầm của nhà ga metro trung tâm, tôi nghe thấy giọng một người đang phát biểu qua hệ thống âm thanh cỡ lớn, hòa lẫn trong tiếng nhạc nghe như vũ trường. Không khí cứ như lời của hoạt náo viên trong bar.
Sẵn lúc rảnh rỗi và cũng hiếu kỳ là chuyện gì đang xảy ra, tôi đi về phía đang phát ra âm thanh. Đến ngã tư đường 12 NW với đại lộ Pennsylvania, khách sạn Trump International của gia đình Tổng thống Trump nằm ngay giao lộ này, thì trước mắt là một lực lượng cảnh sát hùng hậu.

Mô tô Harley Davidson và ô tô chuyên dụng của cảnh sát làm nhiệm vụ ở khu vực biểu tình.

Phát Tiến

Nhiều chiếc mô tô Harley Davidson và ô tô loại SUV cỡ lớn Ford Explorer đang dàn ngang trên đường. Cảnh sát nào trông cũng nghiêm nghị, hướng mắt về một nhóm hàng ngàn người đang tổ chức biểu tình để ủng hộ tự do giới tính. Cuộc biểu tình diễn ra ở một khu đất trống, nằm trên đại lộ Pennsylvania – con đường nối từ Nhà Trắng đến Điện Capitol (Tòa nhà Quốc hội Mỹ). Trong khi nhiều cảnh sát đang theo dõi biểu tình, thì một số cảnh sát khác hướng dẫn giao thông cho các phương tiện đi qua gần khu vực đang biểu tình.
Sau những phát biểu đầy hào hứng là các bản nhạc mạnh trỗi lên ầm ĩ cả một khu vực rộng lớn. Bởi thế, cuộc biểu tình chẳng khác gì một đại nhạc hội ngoài trời và người tham gia thì trông rất hào hứng, không có chút gì gọi là căng thẳng. Ngay ngoài rìa khu đất đang diễn ra cuộc biểu tình, một dãy nhà vệ sinh di động được dựng lên để đáp ứng nhu cầu cho người biểu tình. Trong đó có cả nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật.
Trước khi kết thúc sự kiện hôm đó, đoàn biểu tình đã tuần hành về hướng Điện Capitol dưới sự hộ tống của một lực lượng cảnh sát hùng hậu di chuyển bằng mô tô, ô tô và cả xe đạp. Đoàn biểu tình rời đi, lực lượng hậu cần xuất hiện để “dọn dẹp tàn dư” từ hệ thống âm thanh cho đến thùng rác, nhà vệ sinh di động…

Nhà vệ sinh di động được bố trí gần khu vực biểu tình.

Phát Tiến

Để biểu tình ở Washington D.C, tùy vào mức độ, quy mô và địa điểm, thời gian diễn ra biểu tình mà nhóm tổ chức phải xin phép cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc biểu tình nhỏ lẽ của một vài cá nhân thì dường như không phải xin phép cơ quan quản lý dù vẫn phải tuân thủ một số quy định của pháp luật. Bởi thế, ngay trước Nhà Trắng, bà Concepcion Picciotto từng có hơn 30 năm dựng lều để biểu tình kháng nghị về việc Mỹ can thiệp vào tình hình Trung Đông, kháng nghị về sự tồn tại của vũ khí hủy diệt như bom hạt nhân. Trở thành hàng xóm “khó ưa” mà cũng là “đặc sản” của Nhà Trắng, bà Picciotto chỉ kết thúc “sự nghiệp biểu tình” ở tuổi 81 khi qua đời do tuổi già sức yếu. Sau đó, vẫn còn người quyết bám trụ ở Nhà Trắng để tiếp tục kháng nghị như bà Picciotto.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.