Mục tiêu GDP tăng 6 - 6,5% là thách thức rất lớn

23/05/2022 11:24 GMT+7

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho biết tính chủ động trong chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn chưa cao, có lúc còn lúng túng, bị động. Mục tiêu GDP tăng 6 - 6,5% trong năm nay là thách thức rất lớn.

Báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội
gia hân

Theo báo cáo, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nỗ lực của Chính phủ… kinh tế - xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao.

Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả tích cực; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh các yếu tố khách quan do tình hình thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ quan, trước hết là công tác phân tích, đánh giá, dự báo còn hạn chế.

Ngoài ra, tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số cấp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao, có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, thiếu linh hoạt; tính tự chủ, tự lực, tự cường ở một số bộ, ngành, địa phương chưa cao; công tác phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; năng lực làm việc và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Giám sát thị trường chứng khoán, bất động sản

Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, Chính phủ nhận định việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% là thách thức rất lớn.

Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ.

Cụ thể, chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.

Đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay
gia hân

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng.

Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội…

Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1; trong quý 4/2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành... Trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.