Mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự của ông Putin khó thành ?

07/05/2015 15:29 GMT+7

(TNO) Bất chấp việc giới thiệu hàng loạt phương tiện chiến đấu hiện đại nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức, quá trình hiện đại hóa quân sự của Nga vẫn gặp trở ngại lớn về tài chính, báo The Wall Street Journal (Mỹ) nhận định.

(TNO) Bất chấp việc giới thiệu hàng loạt phương tiện chiến đấu hiện đại nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức, quá trình hiện đại hóa quân sự của Nga vẫn gặp trở ngại lớn về tài chính, báo The Wall Street Journal (Mỹ) nhận định.

Phô diễn sức mạnh
Những ngày gần đây, dư luận quan tâm nhiều về mẫu siêu xe tăng T-14 Armata của Nga, được xem như một trong những loại xe tăng hiện đại nhất thế giới. T-14 Armata và hàng loạt vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại nhất dự kiến sẽ trình diễn trong ngày 9.5, nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức qua một cuộc diễu binh lớn nhất từ trước đến nay, theo The Wall Street Journal ngày 6.5.
Các siêu xe tăng Armata hiện đại của Nga đang tập dợt chuẩn bị cho cuộc diễu binh tại Quảng trường Đỏ vào ngày 9.5 tới. Quân đội Nga cần khoảng 2.300 chiếc tăng này, và không xuất khẩu trong vòng 5 năm, tuy nhiên khó khăn tài chính có thể khiến quân đội khó mà mua nổi lượng tăng nhiều như thế - Ảnh: AFP
Bên cạnh tăng Armata, hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars cũng sẽ trình làng trong buổi diễu binh ngày 9.5 (giờ địa phương). Xe thiết giáp chở quân Ural Typhoon U với lớp giáp có khả năng chống bom, mìn, đạn xuyên giáp..., được đánh giá là "lời đáp trả" của Nga với loại thiết giáp MRAP mà Mỹ triển khai tại châu Âu, theo The Fiscal Times.
Ngoài ra, Nga cũng giới thiệu mẫu súng AK-74M. Hãng Kalashnikov tuyên bố mẫu súng mới này được trang bị bộ giảm thanh, laser nhắm mục tiêu, đèn... và quan trọng có thể nâng độ chính xác trúng mục tiêu lên 50%.
Nhóm thiết bị quân sự tối tân sẽ trình diễn tại Quảng trường Đỏ sắp tới có thể xem là một cuộc tổng duyệt hiệu quả đầu tư quân sự của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Cuối năm ngoái, ông Putin cho biết sẽ tăng chi tiêu quân sự thêm 30% cho năm 2015, nằm trong kế hoạch chế tạo và tái thiết 70% số lượng vũ khí cũ của Nga với hàng trăm xe tăng hiện đại, pháo, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, theo The Wall Street Journal.
Khó khăn tài chính cản đường quân sự
Tuy nhiên, kế hoạch đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng của Nga đã gặp khó khăn lớn sau cuộc khủng hoảng kinh tế, đặc biệt từ lúc bị Mỹ và EU cấm vận hồi năm ngoái.
Tổng thống Putin vẫn muốn tập trung cho sức mạnh quân sự bất chấp khó khăn kinh tế - Ảnh: Reuters
Trong bài viết ngày 6.5, The Wall Street Journal dẫn lại cam kết chi 20 nghìn tỉ rúp vào thời điểm 2010 (650 tỉ USD khi ấy). Một số quan chức Moscow đã đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch này.
Việc giá dầu tụt dốc và đồng rúp mất giá ảnh hưởng xấu đến tham vọng hiện đại hóa quân sự của ông Putin, sau khi ngân sách quốc phòng đã tăng gấp đôi từ 2007 đến 2013. Và theo The Wall Street Journal, dù ít tiết lộ thông tin tài chính, ông Putin đã thừa nhận khó khăn.
Trong tình trạng kinh tế khó khăn, Tổng thống Putin vẫn công khai ủng hộ việc tăng cường chi tiêu quân sự. Giải pháp đặt ra là cắt giảm 10% mọi chi tiêu chính phủ ở lĩnh vực khác, bao gồm các chương trình không gian, hay mức lương của các thành viên chính phủ.
"Đó không chỉ là vấn đề kinh tế, tuy nhiên thực tế ngành công nghiệp quốc phòng không hoàn toàn đủ khả năng sản xuất một số loại vũ khí đúng hạn", ông Putin phát biểu hồi tháng 4.2015. Dù vậy, Tổng thống Nga khẳng định chương trình sẽ vẫn "về đích".
Ngân sách quốc phòng Nga vẫn tăng thêm 1/3 trong năm nay, lên 3,3 nghìn tỉ rúp. The Wall Street Journal cũng dẫn lại ý kiến của Thủ tướng Dmitri Medvedev cho rằng cần phải điều chỉnh lại con số ấy, và các số liệu từ chính phủ Nga cho thấy năm 2015 là lúc ngân sách quốc phòng cắt giảm gần 5%, tức 157 tỉ rúp.
Trung tâm nghiên cứu quốc phòng CAST (trụ sở tại Moscow ) hồi tháng 4 đưa ra báo cáo cho thấy chi tiêu quân sự của Nga đang khủng hoảng. CAST cho biết: "Nền kinh tế Nga hiện nay không đủ tạo ra nguồn lực cho việc tái thiết vũ trang từ 2011 đến 2020 như kế hoạch".
Vì vậy, việc tạm thời trì hoãn một số kế hoạch quốc phòng là khó tránh. "Những chiếc xe tăng Armata, giống như phần lớn các hệ thống vũ khí thế hệ mới được sản xuất cho các lực lượng vũ trang Nga, đều cực kỳ tốn kém. Nó khiến Bộ Quốc phòng Nga tức giận", một chuyên gia đang làm việc ở CAST nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.