Khi xoang mũi hoạt động khỏe mạnh thì lớp niêm mạc bên trong mũi sẽ được bao phủ bằng một lớp chất nhầy. Lớp chất nhầy này có vai trong quan trong giúp giữ ẩm mũi, giảm kích ứng và nguy cơ nhiễm trùng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Khô mũi có thể gây nứt nẻ đường mũi và chảy máu cam |
SHUTTERSTOCK |
Do đó, khi lớp chất nhầy giảm đi thì sẽ gây khô mũi, viêm sưng và chảy máu cam. Khô mũi là tình trạng phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn môi trường không khí khô hay một số loại bệnh cụ thể như hội chứng Sjogren.
Ngoài ra, dị ứng khiến bạn khịt mũi nhiều lần và gây khô mũi. Cơ thể mất nước hoặc uống quá ít nước cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Thông thường, khô mũi không phải là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu.
Nếu không được điều trị hợp lý, khô mũi có thể khiến đường mũi bị chảy máu, ngứa rát hay đóng vảy tiết. Các triệu chứng này gây phiền phức và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, do đó cần phải điều trị.
Khi điều trị khô mũi, việc đầu tiên là phải uống nhiều nước để cơ thể có nguyên liệu tái tạo chất nhầy trong đường mũi. Sau đó, giữ ẩm cho mũi bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm. Máy hoạt động bằng cách chuyển nước thành hơi nước.
Nếu không có máy tạo độ ẩm thì hãy tắm bằng nước nóng. Hơi tỏa ra từ nước nóng hoạt động tương tự như máy tạo độ ẩm và giúp giảm tức thì triệu chứng khô mũi.
Với việc dùng thuốc, người bị khô mũi thường được kê các loại thuốc mỡ bôi trơn. Dùng một lượng nhỏ dầu khoáng hay son dưỡng ẩm bôi lên niêm mạc mũi cũng có hiệu quả.
Tuy nhiên, loại thuốc điều trị phổ biến và dễ sử dụng nhất là thuốc xịt mũi. Thuốc không chỉ dưỡng ẩm cho đường mũi mà còn có thể giảm một số triệu chứng khác, rửa sạch bụi bẩn và giảm nghẹt mũi. Nếu đã áp dụng mọi cách này mà không cải thiện thì hãy đến gặp bác sĩ kiểm tra, theo Medical News Today.
Bình luận (0)