Mũi nhọn thụ động

19/09/2016 00:00 GMT+7

Vượt mặt gạo về kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay, rau - quả đang được nhiều ý kiến coi là mũi nhọn trên bản đồ xuất khẩu nông sản VN.

Khoan nói tới chuyện nên hay không nên coi rau - quả là mặt hàng mũi nhọn nhưng qua đó cho thấy sự thụ động của chúng ta trong việc xác định các ngành, các mặt hàng mũi nhọn trong xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nói thụ động vì những ưu điểm của xuất khẩu rau - quả nội từ vấn đề thị trường, giá cả, xu hướng biến đổi khí hậu, cung - cầu trong khu vực và trên thế giới... đều khá rõ ràng. Không ít chuyên gia khi góp ý cho đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng đã lưu ý điều này nhưng bao năm nay, rau - quả vẫn không được “để mắt” tới. Tất nhiên, không “để mắt” thì việc đầu tư cho nó, từ cơ chế, chính sách, vốn, nhân lực, sự quan tâm... cũng hết sức khiêm tốn. Hậu quả là cứ một năm vài lần, chỗ này dưa hấu đổ cho bò ăn, ở cửa khẩu kia hàng tấn thanh long ùn ứ.
Đáng nói là trong khi nhiều nông sản Việt “thất thủ” ngay tại chính sân nhà thì ngoài thị trường, rau - quả ngoại ngày càng trở nên phổ biến. Và càng đáng buồn hơn khi chúng ta mặc nhiên chấp nhận nghịch lý này. Chỉ đến bây giờ, khi kim ngạch xuất khẩu rau - quả vượt mặt giá trị xuất khẩu gạo, mặt hàng vốn được coi là chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp, người ta mới giật mình nhận ra tiềm năng của rau - quả Việt.
Sự thụ động thể hiện ngay trong cách mà chúng ta không đủ dũng cảm và sự quyết liệt để xem lại vị trí của gạo trong cơ cấu nông nghiệp. Bài toán gạo thừa, ngô thiếu; giá trị xuất khẩu gạo không bằng một phần so với số ngoại tệ bỏ ra để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng giải pháp “giảm lúa, tăng màu” vẫn không thực hiện được. Để rồi cứ vài bữa chúng ta lại rối lên vì nước này cắt hợp đồng mua gạo VN, nước kia xả kho dự trữ khiến giá lương thực giảm. Giờ đây, xuất khẩu gạo Việt phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc vốn đầy rủi ro và bấp bênh. Thế nhưng, gạo trong cơ cấu nông nghiệp, trong bản đồ xuất khẩu nông sản vẫn đứng ở vị trí cao, vẫn lao theo số lượng để rồi lại lao đao vì không có thị trường, vì giá giảm.
Chẳng riêng gì nông nghiệp, công nghiệp cũng khổ vì vấn đề mũi nhọn. Ngành nào cũng “đòi” làm mũi nhọn nhưng sau hàng thập niên VN vẫn chưa sản xuất được 1 kg thép chế tạo, tua bin thì hầu như không tưởng, còn công nghiệp hỗ trợ gần như không có gì. Trong một hội nghị liên quan vấn đề này mới đây, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình đã nói thẳng: “Mũi nhọn thì chỉ một, như quả tên lửa mới đi nhanh được chứ nhiều mũi nhọn thì khác nào quái thai và ngân sách cũng không còn dư địa để ngành nào cũng đòi làm mũi nhọn”.
Nói như vậy để thấy, xác định ngành, mặt hàng mũi nhọn hay chủ lực là hết sức quan trọng. Nó phải đến từ sự chủ động của chúng ta trong việc chọn ngành nào, mặt hàng nào; đầu tư thế nào để mũi nhọn thực sự nhọn, thực sự tạo được sự lan tỏa, trở thành động lực dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển theo. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đó phải là ngành tạo ra vị trí, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm quốc gia. Chứ không thụ động ngồi chờ tín hiệu thị trường rồi mới biết đâu là ngành, hay mặt hàng mũi nhọn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.