Mụn đặc nhân mỡ vàng mọc chi chít, mắc bệnh gì?

01/07/2019 23:00 GMT+7

Bệnh viện Nội tiết T.Ư vừa tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Văn K. (34 tuổi, ở huyện Quảng Yên, Quảng Ninh) đến khám trong tình trạng xuất hiện nhiều nốt mụn đặc nhân mỡ vàng .

 

Nhầm với bệnh da liễu

Các nốt đặc này có nhân vàng trông như những mụn to mọc dày đặc ở mặt sau cẳng, cánh tay, vùng lưng, bụng và 2 đùi. Cùng với biểu hiện bệnh ngoài da, bệnh nhân mệt mỏi, gầy sút cân, tiểu nhiều, uống nhiều, sụt đến 5 kg trong 4 tháng.
Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cho biết trước khi vào viện khoảng 3 tháng, ở vùng lưng, bụng, cánh và cẳng tay, đùi và cẳng chân 2 bên xuất hiện các nốt đặc có nhân vàng, viền đỏ bên ngoài. Các nốt này có kích thước 1 - 3 mm, không đau, không ngứa. Ban đầu bệnh nhân chỉ nghĩ đó là những nốt mụn ngoài da nên tự ý nặn ra, bên trong có các nhân màu vàng. Nhưng các nốt này ngày càng lan rộng và mọc dày đặc hơn.
Bệnh nhân đã khám chuyên khoa da liễu tại bệnh viện ở địa phương. Tuy nhiên, sau 1 tháng dùng thuốc theo đơn, các nốt này tiếp tục mọc thêm.
Tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư, qua khám và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân K. bị u vàng phát ban, rối loạn lipid máu hỗn hợp, đái tháo đường typ 2.

Mỡ lắng đọng

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Thận - tiết niệu (Bệnh viện Nội tiết T.Ư), u vàng phát ban (erruptive xanthomas) là một tổn thương da lành tính gây ra bởi sự lắng đọng cục bộ của lipid (mỡ) đặc biệt là triglycerid trong lớp hạ bì dưới da.
Biểu hiện của u vàng phát ban là các nốt đặc, sẩn màu vàng hồng có kích thước 1 - 4 mm, thường xuất hiện ở các chi và mông, lưng. Khoảng 10% bệnh nhân tăng triglycerid máu nặng có biểu hiện u vàng phát ban trên da.
Bệnh nhân K. là một trong những ca bệnh đặc biệt của tăng triglycerid máu nặng với biểu hiện trên da kèm theo đái tháo đường. Triglyceride là một trong những thành phần chủ yếu của mỡ.

U mỡ do rối loạn mỡ máu

ẢNH THÚY QUỲNH

Bác sĩ Hương đặc biệt lưu ý, khi nồng độ triglycerid tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp và bệnh lý mạch vành (cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim), từ đó có thể dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống, làm nặng lên tình trạng bệnh tật hoặc tử vong.
Do đó, cần phát hiện sớm để điều trị thay đổi lối sống, chế độ ăn, chế độ luyện tập và dùng thuốc phù hợp để làm giảm các biến cố nặng nề do tăng triglycerid máu gây ra. Cần tầm soát cho tất cả người thân trong gia đình có rối loạn lipid máu, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Lối sống tích cực giúp điều trị hiệu quả

“Cùng với uống thuốc điều trị theo đơn, việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng và tăng cường vận động giúp cho điều trị đạt kết quả", bác sĩ lưu ý.
Bệnh nhân phải có lối sống tích cực, giảm cân, giảm lượng carbonhydrat (tinh bột) ăn vào, tập thể dục, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia. Ở những bệnh nhân thừa cân, béo phì, nên giảm khoảng 5 - 10% trọng lượng cơ thể.
Ngoài ra, cần có chế độ ăn phù hợp như: giảm muối, tăng lượng chất xơ (rau xanh) 300 - 400 gram/ngày, nên ăn nhiều rau xanh khi bắt đầu bữa ăn để giảm hấp thu carbonhydrat trong bữa ăn. Hạn chế lượng chất béo trong ngày bằng cách giảm ăn béo bão hòa (như mỡ động vật, bơ, pho mai..), nên ăn các loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như: dầu thực vật, các loại hạt (lạc, hướng dương), cá. Chế độ ăn nên giảm khoảng 500 kcal/ngày, duy trì lượng calo khoảng 800 - 1.500 kcal/ngày.
Cần duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 150 phút/tuần, tăng dần cường độ của các bài tập từ đi bộ nhanh, chạy bộ, aerobic, bóng chuyền, bóng đá...
Với bệnh nhân K., sau khi điều trị 2 tuần theo đơn và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, các nốt sần đã nhạt màu dần, xẹp đi, một số nốt đã biến mất, đồng thời đường trong máu cũng giảm về ngưỡng cho phép.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.