'Mùng 3 tết thầy' nhạt nhòa trong tâm trí nhiều người trẻ Việt, có sao không?

13/02/2024 18:15 GMT+7

Khảo sát nhanh gần 20 học sinh, sinh viên, người viết không khỏi bất ngờ khi hầu hết các bạn đều không thăm hỏi giáo viên theo truyền thống người Việt 'mùng 3 tết thầy'.

'Mùng 3 tết thầy' nhạt nhòa trong tâm trí nhiều người trẻ Việt, có sao không?- Ảnh 1.

Thầy trò Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) gói bánh chưng cùng nhau trong một ngày hội diễn ra trước Tết Nguyên đán

ĐÀO NGỌC THẠCH

Câu nói "Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy" tuy mang nhiều hàm nghĩa, song đều đề cập đến việc dành những ngày đầu năm mới để tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành và những "người thầy" có công dưỡng dục, dạy bảo ta nên người, thành danh. Khác biệt với thế hệ trước, nhiều học sinh, sinh viên thời nay không đến thăm và chúc tết thầy cô vào mùng 3, nhưng chẳng vì thế mà đạo lý tôn sư trọng đạo bị phai mòn.

Thế hệ của công nghệ

Đã qua nhiều năm kể từ ngày tốt nghiệp phổ thông nhưng Minh Phượng, học viên cao học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vẫn nhớ như in hình ảnh cô giáo dạy văn ở Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) đã dìu dắt cô bước vào hành trình chữ nghĩa. "Chúng tôi là lớp chuyên văn đầu tiên của cô nên cô thương chúng tôi nhiều lắm, thương đến tận tâm can", Phượng nhớ lại.

Theo Phượng, truyền thống "mùng 3 tết thầy" dù thiêng liêng và ý nghĩa nhưng cũng không tránh khỏi những xoay vần của thời đại. Nếu như ngày xưa, mùng 3 tết là dịp duy nhất để học trò xa quê thăm hỏi, ôn lại kỷ niệm đã qua cùng thầy cô cũng như kể nhau nghe những chuyện đã diễn ra trong năm cũ. Thì bây giờ, nhờ công nghệ, đôi bên có thể liên tục cập nhật cuộc sống của nhau mà không bị giới hạn khoảng cách.

"Như ngày mùng 3 vừa qua, dù không thể đến chúc tết cô giáo cũ nhưng không vì thế mà tình cảm cô trò chúng tôi trở nên nhạt nhòa. Bởi lẽ, chúng tôi vẫn luôn giữ liên lạc với nhau qua Facebook và theo dõi, bình luận về những hoạt động mới của nhau suốt thời gian qua. Tôi cũng gửi lời chúc tết cô qua mạng xã hội trong ngày tết và nhiều bạn bè cũng làm điều tương tự", cô gái 23 tuổi chia sẻ.

Hiện sống cách xa Việt Nam hàng ngàn cây số, "mùng 3 tết thầy" lại trùng ngày đi học song Hạnh Đoan, học viên cao học ĐH Eötvös Loránd (Hungary), cũng sắp xếp thời gian gửi lời chúc tết đến những thầy cô ở trường ĐH tại Việt Nam nơi cô từng theo học bậc cử nhân. "Nhân dịp tết thầy, em xin chúc thầy năm mới giàu sức khỏe, giàu may mắn, giàu tài lộc và vạn sự hanh thông...", Đoan viết trong một tin nhắn.

'Mùng 3 tết thầy' nhạt nhòa trong tâm trí nhiều người trẻ Việt, có sao không?- Ảnh 2.

Nhờ công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, học sinh thời nay có thể gửi lời chúc tết đến thầy cô dù ở bất cứ đâu trên thế giới (ảnh minh họa)

NHẬT THỊNH

"Thế hệ chúng tôi 'bùng nổ' xu hướng du học và cũng vì thế, hàng trăm nghìn du học sinh Việt phải trải qua những ngày tết xa quê hương, xa gia đình. Tuy nhiên, việc sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ cũng tạo điều kiện cho chúng tôi có những cách rất riêng để đón tết nói chung, 'tết thầy' nói riêng. Quan trọng là tình cảm mà học trò dành cho thầy cô của mình", Đoan bộc bạch.

Lê Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì nêu một nguyên nhân khác khiến "tết thầy" ngày nay đã không còn như xưa. Đó là vì ngày càng nhiều thầy cô trẻ tuổi cũng dành những ngày tết để thăm thú, du xuân thay vì ở nhà đợi học trò đến thăm. "Nhiều giáo viên có kế hoạch riêng cho ngày tết nên chúng tôi hẹn gặp mặt sau tết để không làm phiền thầy cô", nữ sinh nói.

"Thực tế hiện nay, rất nhiều người trẻ không còn biết đến truyền thống 'Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy'. Tôi và bạn bè đồng trang lứa cũng không ngoại lệ. Chúng tôi chỉ xem ngày tết là dịp để hò hẹn, gặp nhau sau một năm đã qua. Và nếu lướt thấy thầy cô đăng hình chơi tết trên mạng xã hội, chúng tôi cũng nhân dịp đó mà nhắn tin chúc tết, hỏi han thầy cô", Uyên nói thêm.

Không chờ đến "tết thầy"

N.Khánh, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), kể rằng cô chỉ được gia đình hướng dẫn ăn tết theo truyền thống "Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết ông bà", thế nên khái niệm "tết thầy" khá lạ lẫm với nữ sinh và bao năm qua cô cũng chưa từng dành thời gian thăm giáo viên cũ vào dịp này. "Nhiều bạn bè của tôi cũng chung suy nghĩ", Khánh cho hay.

Tuy nhiên, Khánh nhận định, không thể đánh giá người trẻ hiện nay làm mai một đạo thầy trò chỉ vì các bạn chưa biết đến "tết thầy". Đó là do không phải chờ đến ngày này mà trước đó, các bạn học sinh Gen Z đã, đang tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, từ trực tuyến đến trực tiếp để gắn kết với "người đưa đò". "Như gần đây nhất, vào dịp 20.11, lớp tôi đã cùng về lại trường cũ để thăm hỏi các thầy cô thân thiết", Khánh nói.

'Mùng 3 tết thầy' nhạt nhòa trong tâm trí nhiều người trẻ Việt, có sao không?- Ảnh 3.

Người học trò cuối cấp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) chờ giáo viên ghi lưu bút trong lễ trưởng thành hồi tháng 5.2023

NGỌC LONG

Đồng tình, Đặng Xuân Bảo, học sinh một trường THPT tại Q.3, TP.HCM, cho hay em và các bạn cùng lớp thường tổ chức "bonding" (hoạt động vui chơi, tiệc tùng giúp gắn kết thành viên trong tập thể - PV) hoặc tham dự các cuộc thi tại trường để lưu giữ kỷ niệm thời học sinh, và giáo viên chủ nhiệm luôn là nhân tố không thể thiếu. "Thầy rất 'chịu chơi', thậm chí bỏ tiền túi riêng để hỗ trợ chúng em", Bảo nói.

Theo Bảo, chính sự năng động và xem nhau như người bạn có thể chia sẻ, giãi bày nỗi lòng khiến khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn lại, nhất là với các giáo viên trẻ tuổi thuộc thế hệ 9X như thầy chủ nhiệm của nam sinh. Không câu nệ trong cách đối xử với nhau, thế nên việc đến nhà giáo viên để chúc tết cũng khiến nam sinh "thấy khó xử, không tự nhiên", Bảo bày tỏ.

"Em nghĩ không cần chờ đến 'tết thầy' mà bất cứ ai trong chúng em đều có thể bày tỏ lòng tri ân đến thầy cô qua mạng xã hội trong những ngày tết, có khi ngay vào thời khắc giao thừa. Hoặc, chúng em có thể đợi ngày đi học trở lại để chúc tết thầy cô, và còn nhân dịp này được thầy cô lì xì lấy hên", Bảo cười nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.