Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) của Mỹ vừa đưa ra báo cáo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, S&P vẫn giữ nguyên mức xếp hạng tín dụng đối với các khoản nợ dài hạn và ngắn hạn của Việt Nam. Thế nhưng, triển vọng kinh tế vĩ mô lại được cải thiện từ mức tiêu cực sang ổn định.
Bản báo cáo nêu rõ: “Xem xét về triển vọng, đánh giá của chúng tôi về mức rủi ro đối với kinh tế vĩ mô và tài chính Việt Nam. Các chỉ số như tăng trưởng tín dụng, mức dự trữ ngoại hối và lãi suất tiền gửi trong nước đã được cải thiện trong suốt 18 tháng qua”. Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cùng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng được nâng mức triển vọng từ “tiêu cực” lên “ổn định”. Bản báo cáo của S&P nhanh chóng được các hãng tin, báo chí quốc tế đăng tải rộng rãi. Đây chính là tín hiệu đáng mừng khi các nhà đầu tư thế giới có thể đánh giá cao hơn đối với triển vọng kinh tế nước ta. Tuy nhiên, S&P cũng đưa ra lời cảnh báo rằng nếu Việt Nam sớm nới lỏng chính sách tiền tệ gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì mức triển vọng sẽ lại bị hạ thấp đi.
Thực sự, lo ngại mà S&P đặt ra cũng chính là thách thức lưỡng nan mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải. Trong phiên họp giao ban hồi cuối tháng 5, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã công bố một số thống kê mới nhất về tình hình kinh tế nước ta. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 4,4% so với tháng 4.2012 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2011. Lượng tiêu thụ sản xuất hàng hóa cũng tăng lên, tồn kho giảm trong khi lạm phát giảm. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng kinh tế trong quý 1 năm nay của nước ta chỉ dừng lại ở mức 4%. Các dự báo gần đây cho thấy tăng trưởng của quý 2 vào khoảng 4,5%. Như vậy, để đạt được mức tăng trưởng 6% như mục tiêu đề ra, 6 tháng cuối năm sẽ phải hứng chịu gánh nặng khá lớn. Đây chính là thách thức lưỡng nan. Đó là vì để kinh tế tăng trưởng, chúng ta phải nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích cầu, giảm tải tình trạng tồn kho, đình trệ mà nhiều doanh nghiệp đang đối mặt. Đặc biệt, muốn vực dậy hàng loạt doanh nghiệp đang gặp khó khăn sẽ cần một lượng tiền hỗ trợ rất lớn. Khi đó, mức tăng trưởng tín dụng sẽ tăng cao. Biện pháp này có thể gây ra rủi ro làm mất ổn định kinh tế vĩ mô như báo cáo của S&P đưa ra.
Để giải quyết bài toán này, chúng ta cần nới lỏng chính sách tiền tệ theo hướng tăng trưởng bền vững, nghĩa là không để dòng tiền chảy ào ạt vào nền kinh tế. Ngoài ra, thực tế, Chính phủ cũng khó đủ sức đáp ứng được nhu cầu khát vốn của tất cả các doanh nghiệp. Vì thế, Chính phủ nên tiến hành nghiên cứu, đánh giá cụ thể những ngành nghề, lĩnh vực nào có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam. Mức độ đóng góp quan trọng sẽ được dựa trên các tiêu chí: ý nghĩa xã hội như số lượng lao động tham gia, giá trị tỷ trọng GDP, định hướng phát triển lâu dài, tính ổn định… Dựa vào đó, Chính phủ sẽ hình thành một kế hoạch “ứng cứu” có chọn lọc để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và tránh những nguy cơ tiềm ẩn.
Ngô Minh Trí
>> Châu u lại chao đảo vì S&P
>> Chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng mạnh
>> Chỉ số S&P 500 vượt mốc 1.300 điểm
Bình luận (0)