Chiều 6.3, bác sĩ Lê Tấn Phùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) vừa có văn bản thông tin chính thức loại muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia đang nuôi thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) có khả năng ức chế vi rút Zika (vi rút gây ra bệnh đầu nhỏ).
Vi rút Zika lây qua vật trung gian là muỗi vằn (aedes aegypti) - Ảnh: T.N |
Cụ thể, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết loại muỗi Aedes aegypti tự nhiên có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước có thể truyền vi rút Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết), vi rút Chikungunya cũng như vi rút Zika khi chúng hút máu người bệnh có vi rút nêu trên.
Tuy nhiên, muỗi vằn chỉ là trung gian truyền bệnh chứ không thể làm phát sinh vi rút sốt xuất huyết hay Zika. Trong khi đó, một số nghiên cứu mới đây cho thấy muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của vi rút Chikungunya và vi rút Zika.
Trước đó, do có dư luận đặt vấn đề dự án thay thế quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên trên đảo Trí Nguyên bằng muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia (hạn chế sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết) liệu có mang vi rút Zika nên UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên trách làm rõ.
Bình luận (0)