Đó là thông điệp được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới tại VN do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày 2.10 tại Di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An.
Không nên tăng giá để hạn chế du khách
Vấn đề đang được quan tâm những ngày vừa qua liên quan đến di sản là khuyến nghị của UNESCO về việc du khách đến với Tràng An quá đông, có thể làm ảnh hưởng đến di sản, và biện pháp kiểm soát như thế nào. Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, năm 2018 có khoảng 3 triệu lượt khách đến Tràng An. Từ con số này, UNESCO khuyến nghị: “VN nên đánh giá tác động của việc tăng khách du lịch đến Tràng An; hạn chế lượng khách nhằm bảo vệ di sản, cũng như sự đa dạng sinh học của di sản”.
Tuy nhiên, bà Nao Hayashi, chuyên gia Chương trình di sản thế giới của Trung tâm di sản thế giới phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng không nên tăng giá, tăng phí để hạn chế khách thăm di sản mà cần quy định và kiểm soát mỗi nhóm du khách phải thăm như thế nào, lộ trình và thời gian lưu trú bao nhiêu. Thậm chí, cần quy định khu vực hạn chế du khách, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng để phân tán khách cả về không gian lẫn thời gian.
Bảo tồn di sản cùng với sự phát triển của người dân
Tại hội thảo, đại diện một số xã nằm trong quần thể danh thắng Tràng An và lãnh đạo các trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đều cho rằng giải quyết công ăn việc làm cho người dân sống trong di sản, việc xây dựng nhà ở, quản lý đất đai trong di sản còn lúng túng. Bà Hoàng Thị Thu Hường, Phó ban Quản lý du lịch sinh thái Tràng An, còn đặt vấn đề ở Tràng An việc đi lại bằng thuyền đang là chính, nếu sử dụng thêm các phương tiện khác thì nên như thế nào?
Người dân cũng là một hướng dẫn viên, họ có thể kể những câu chuyện về ngọn núi, về di tích… như thế sẽ rất tuyệt vời, du khách sẽ rất thích thú. Từ đó, các bạn sẽ thu hút được du khách đến với các di sản, họ ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn và từ đó người dân sẽ có thu nhập tốt hơn |
Ông Sneddon Andrew Charles, chuyên gia quốc tế thuộc Hội đồng di tích - di chỉ quốc tế, cho rằng việc di chuyển bằng cách nào trong di sản Tràng An nói riêng và các di sản của VN nói chung cũng phải trên nguyên tắc không tạo ra tiếng ồn, làm mất sự thanh bình của di sản. Chuyên gia này nhấn mạnh, trong các di sản thế giới, đi bằng chân là rất tốt, nhưng bằng thuyền thì tốt hơn nhiều, vì sẽ hạn chế tối đa được tiếng ồn. “Kể cả tiếng micro của các hướng dẫn viên du lịch cũng cần lưu ý, nếu gây tiếng ồn lớn là không tốt vì làm mất đi sự thanh bình của di sản”, ông Sneddon Andrew Charles nói.
Đối với việc đảm bảo cuộc sống người dân trong di sản, ông Clark Brian Dextor, chuyên gia quốc tế thuộc Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới, nhấn mạnh: “Cách khai thác giá trị di sản cần được đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch. Rồi làm sao để người dân cũng là một hướng dẫn viên, họ có thể kể những câu chuyện về ngọn núi, về di tích… như thế sẽ rất tuyệt vời, du khách sẽ rất thích thú. Từ đó, các bạn sẽ thu hút được du khách đến với các di sản, họ ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn và từ đó người dân sẽ có thu nhập tốt hơn”.
Lúng túng vì chưa rõ vùng lõi, vùng đệm
Đề cập đến vấn đề sống trong vùng di sản, ông Hoàng Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND xã Trường Yên (H.Hoa Lư, Ninh Bình), nêu khó khăn trong quản lý xây dựng, quản lý đất đai… vì đến nay, địa phương này chưa biết khu vực nào là vùng lõi, khu vực nào là vùng đệm và người dân, chính quyền địa phương được xây dựng, làm gì trong những khu vực đó. Nhiều năm nay, UBND xã Trường Yên đã phải căng mình ra để chống việc xây dựng trái phép, không phép. Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, xác nhận việc cắm mốc vùng lõi, vùng đệm phải đến cuối năm 2019 mới hoàn thành và bàn giao mốc giới cho địa phương quản lý.
Ông Sneddon Andrew Charles cho rằng ngoài việc phân định rõ vùng lõi, vùng đệm thì cần vận dụng, thực hiện việc xây dựng, quản lý xây dựng trong di sản để đảm bảo tính toàn vẹn. “Tràng An có hàng vạn người đang sinh sống trong lòng di sản, họ vẫn phải sống ở đó và phải chứng minh được với chính quyền địa phương là sự thay đổi của họ không làm mất đi giá trị của di sản. Chẳng hạn, tôi thay đổi mái nhà, thì mái nhà mới phải phù hợp với cảnh quan, không làm mất đi giá trị của di sản, không ảnh hưởng đến môi trường chung”, ông Sneddon Andrew Charles nói.
Bình luận (0)